Bạn cần biết

Giang “lũ” không làm từ thiện bằng nước mắt

07/01/2017, 18:12

“Những người dân nghèo phải là chủ nhân thực sự và tự hào sống trong căn nhà của mình”...

17

Phạm Thị Hương Giang (người đứng ngoài cùng bên trái) cùng team Nhà chống lũ

“Những người dân nghèo phải là chủ nhân thực sự và tự hào sống trong căn nhà của mình”, Phạm Thị Hương Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, chuyên gia tư vấn thương hiệu Công ty G’Brand, người sáng lập Dự án Nhà chống lũ (NCL) chia sẻ...

3 năm với 353 căn nhà chống lũ và...

Với cái đầu tém xù cùng chiếc kính ngộ nghĩnh, ít ai ngờ Giang “lũ” (cái tên mà bạn bè dành tặng cho Phạm Thị Hương Giang) đã ở ngưỡng tuổi xấp xỉ 40. Đối với người phụ nữ ấy, cuộc sống không thể thiếu những chuyến đi trải nghiệm. Và ý tưởng NCL cũng đã được hình thành trong một dịp đi cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Đại Lộc (Quảng Nam). “Trên đường đi, chúng tôi thấy có rất nhiều ngôi nhà bị trôi, chỉ còn nền đất chơ vơ. Trước mắt tôi, hình ảnh một cụ ông rất già, đen đúa, đứng cầm một chiếc cuốc chết lặng nhìn về phía xa xăm... Quanh ông là vài cái xoong, nồi méo mó...”, Giang nhớ lại.

Kể từ đó, câu hỏi làm sao để có thể xây được nhiều ngôi nhà an toàn cho người dân các vùng lũ lụt cứ day dứt mãi trong chị. Tới mùa lũ năm 2013, vô tình thấy trên mạng có tấm hình ngôi nhà gỗ cổ nằm trên 6 cột bê tông, Hương Giang chợt nảy ra ý nghĩ: Cần có sự chung tay từ cộng đồng để có thể giúp người dân vùng lũ xây NCL mà không tốn nhiều chi phí. Nghĩ và bắt tay làm ngay, quyết định thành lập dự án trên mạng, tổ chức sự kiện gây quỹ, chẳng bao lâu sau NCL được cộng đồng chú ý và ủng hộ. Có kinh phí, lập tức NCL được thử nghiệm đầu tiên tại xã Sơn Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) với loại hình nhà tối giản nhất với kinh phí 50 triệu đồng, trong đó nguồn Dự án góp 50% (tương đương 25 triệu đồng).

"Ngoài mục tiêu nhà an toàn, còn rất nhiều mảng mà chúng tôi dự định sẽ triển khai như: Nước sạch, nhà vệ sinh, năng lượng sạch, giáo dục, y tế… xoay quanh cuộc sống của người dân nghèo các vùng bị hứng chịu bởi thiên tai và biến đổi khí hậu."

Phạm Thị Hương Giang
người sáng lập Dự án Nhà chống lũ

Khởi động từ ngày 21/11/2013, NCL là một dự án phát triển cộng đồng được thành lập với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Dự án hướng đến mục tiêu phát triển bền vững bằng cách nâng cao nhận thức, giúp người dân nghèo nỗ lực vươn lên thông qua quá trình cùng xây nhà và phát triển sinh kế.

Từ việc gây quỹ bằng hình thức tài trợ từ cộng đồng và tổ chức các chương trình đấu giá những tác phẩm nghệ thuật thường niên, tới nay NCL đã được triển khai tại ba tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam), một tỉnh miền Bắc (Quảng Ninh) và hai tỉnh miền Tây Nam bộ (Sóc Trăng, Bến Tre). Tính đến hết năm 2016, đã có 353 căn NCL được xây, bao gồm 81 căn nhà phao và 272 căn nhà khung bê tông có gác tránh lũ hoặc nhà hai tầng.

Chưa dừng lại, giữa năm 2016 chương trình Chảy đi sông ơi lại được NCL khởi xướng hướng về khu vực hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Tây để xây những ngôi nhà an toàn cho vùng bị xâm thực, hỗ trợ bồn chứa nước sạch cho người dân, cung cấp vật nuôi để họ vượt qua khó khăn… Hiện tại, dự án đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi vịt biển ở Sóc Trăng, nuôi dê và tặng bồn nước sạch ở Bến Tre… nhằm phát triển sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.

18

Mô hình nhà chống lũ được xây dựng tại miền Trung

Không làm từ thiện bằng nước mắt

“Vạn sự khởi đầu nan”, Giang chia sẻ: Khó khăn lớn nhất lúc ban đầu là cả người dân và chính quyền vùng khó khăn đều đã quá quen với việc chỉ nhận sự hỗ trợ của các dự án hoặc tổ chức một cách bị động. Họ không phải đóng góp gì, kể cả tiền bạc và công sức. Về phía chính quyền thì chỉ muốn làm việc với những tổ chức, hội nhóm có đăng ký pháp nhân đàng hoàng, nên ban đầu họ cũng gây khó dễ và không muốn hỗ trợ dự án.

Thế nhưng, không gì có thể lay chuyển được phương châm mà Giang “lũ” đã đặt ra từ đầu: “Không muốn làm từ thiện bằng nước mắt”. Thực tế, NCL là một dự án phát triển cộng đồng chứ không phải dự án từ thiện nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của người được hỗ trợ. Theo đó, NCL không chỉ hướng tới cuộc sống an toàn, sinh kế bền vững mà còn phải đề cao vai trò chủ động, nỗ lực của người dân và đặc biệt là sự chung tay của cả cộng đồng. Cụ thể, các hộ dân hưởng lợi phải đóng góp ít nhất 50% chi phí xây nhà gồm cả nguyên vật liệu và công xây dựng. Dự án chịu trách nhiệm thiết kế, giám sát xây dựng và nhiều nhất 50% chi phí xây nhà. Các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu dành giá bán cho đại lý cấp I và tặng quà cho các hộ. Chính quyền địa phương theo dõi, thúc đẩy tiến độ và ở một số nơi đã cử thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ ngày công cho các hộ dân. Các cơ quan chuyên môn sẽ tư vấn chuyên môn cho dự án, chuyển giao công nghệ và đào tạo cho người dân…

“Tôi theo đuổi triết lý và phương pháp này vì tin rằng, đối với người dân nghèo thì căn nhà là tài sản quý giá nhất bởi có an cư mới lạc nghiệp. Họ phải là chủ nhân thực sự và tự hào sống trong căn nhà của mình. Nhưng nếu họ không hiểu, không hợp tác, không thay đổi nhân sinh quan, không muốn nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn thì rốt cục đó chỉ là những căn nhà vô tri vô giác và những người dân nghèo vẫn phải đối mặt với gánh nặng nợ nần, không lối thoát, không mong ngóng, hy vọng và nỗ lực cho tương lai”, Giang chia sẻ.

Người nghèo sẽ nói “sợ lũ là chuyện xưa cũ”

Slogan này cũng chính là thông điệp mà team NCL muốn gửi tới cộng đồng, đặc biệt là người dân vùng bão lũ. Được biết, mục tiêu của NCL đến năm 2020, sẽ xây dựng các mô hình nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho tất cả các vùng chịu thiên tai, lũ lụt trên toàn Việt Nam để các gia đình nghèo chủ động đối phó với các thảm họa thiên nhiên và vươn lên trong cuộc sống.

Nói về kế hoạch trong năm 2017, Hương Giang cho biết: “Lũ lụt, hạn hán đã và đang lan khắp đất nước mình... Chắc chắn năm 2017 sẽ là năm vô cùng bận rộn của NCL, trước mắt ê-kíp có thứ tự ưu tiên cho những vùng đã lên kế hoạch cùng bà con các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Sóc Trăng, Bến Tre... Rồi còn Tây Nguyên khô hạn, miền núi Tây Bắc, các hòn đảo thiếu thốn đủ bề nữa... Dự kiến, NCL sẽ bắt đầu khảo sát tại Bình Định vào mùa lũ 2017 sắp tới để triển khai thí điểm. Sau đó, sẽ mở rộng sang các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa”.

Dự định thì nhiều vô kể, song có thực hiện được hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực huy động từ cộng đồng. Những ngày cuối năm vừa qua, với tất cả sự nỗ lực của mình, team NCL đã tổ chức hai Gala dinner When you believe tại Hà Nội và TP.HCM. Thành công vượt ngoài sự mong đợi khi hai sự kiện này đã thu được hơn 4.500 tỷ đồng từ bán đấu giá tranh, đóng góp tiền mặt và bán các vật phẩm gây quỹ khác. Theo đó, hơn 2,6 tỷ đồng sẽ được đóng góp vào Quỹ NCL, số còn lại sẽ được gửi cho các họa sỹ đã tham gia đóng góp tranh theo chương trình đấu giá của Chảy đi sông ơi với mức chia sẻ 50%-50% giữa NCL và họa sỹ.

“Với số tiền huy động được, chúng tôi sẽ lên kế hoạch cụ thể cho năm 2017. Những ngôi NCL sẽ tiếp tục mọc lên dọc 3.200km bờ biển của Việt Nam và những hộ gia đình nghèo sẽ nói rằng: “Sợ lũ là chuyện xưa cũ”, Giang “lũ” lạc quan và tự tin nói về dự án “con đẻ” của mình.

Những mô hình nhà của Dự án NCL đã được thực hiện

Mô hình nhà phao là một dạng nhà nổi, trên là kết cấu nhẹ (khung gỗ/sắt, vách, mái tôn), dưới là thùng phuy nhựa/sắt để làm nổi. Nước dâng đến đâu, nhà sẽ nổi đến đấy.Mô hình nhà gác hai tầng đổ sàn bê tông cốt thép, phần mái trên cùng lợp tôn, ngói truyền thống của địa phương hoặc người dân có điều kiện về tài chính đối ứng có thể đổ sàn bê tông. Dàn mái phải gia cố chống bão nếu không đổ bê tông. Nhà cầu thang ngoài là lối đi chung cho người và gia súc khi lũ về, cần lưu ý độ dốc của cầu thang và bậc chia có độ cao 12-14cm.Mô hình nhà cấp IV, mái xây cao, có gác xép bê tông để tránh bão và lũ thấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.