Thời gian qua, nhạc sĩ Giáng Son bức xúc khi bị công ty BH Media "đánh gậy bản quyền" ca khúc "Giấc mơ trưa". Cụ thể, video ca khúc do cô sáng tác, sản xuất nằm trong album "Giáng Son" (2007) khi đăng trên kênh YouTube của mình thì bị đánh bản quyền bởi BH Media.
Nhạc sĩ Giáng Son bức xúc khi tác phẩm của chính mình bị "đánh gậy" bản quyền trên YouTube
Nhạc sĩ Giáng Son hiểu lầm về bản quyền trên YouTube?
Trong buổi họp báo "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số" vừa qua, BH Media đã phản hồi vụ việc này và cho biết, nhạc sĩ Giáng Son đã "hiểu nhầm" về bản quyền trên YouTube.
Theo công ty này, trên YouTube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác. Do đó, khi phát hiện bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son mới tải lên hơi giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thùy Anh, YouTube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.
Thông báo này để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và không làm ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của Giáng Son.
“Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi, chủ sở hữu bản ghi sẽ xác minh và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video. Sau sự việc, BH Media đã "nhả" bản quyền bài hát cho nhạc sĩ Giáng Son. Bản ghi chúng tôi sở hữu là bản ghi do Hồ Gươm Audio Video cung cấp, không phải bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son”, phía BH Media cho hay.
Phía BH Media cho rằng, nhạc sĩ Giáng Son "nhầm lẫn" việc bị "đánh gậy bản quyền" trên YouTube
Chính BH Media mới nhầm lẫn
Sau tuyên bố của BH Media, Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - đơn vị đại diện vấn đề tác quyền của nhạc sĩ Giáng Son cũng có phản hồi. VCPMC khẳng định, BH Media nhận mình là “chủ sở hữu bản quyền” đối với bản ghi âm ghi hình do chính tác giả gốc sản xuất là hành vi gây phương hại đến quyền tác giả.
Theo VCPMC, nhạc sĩ Giáng Son vừa là tác giả sáng tác bài hát, vừa là chủ sở hữu bản phối, bản ghi âm mà nhạc sĩ đăng tải trên kênh của mình. Trong trường hợp này, quyền tác giả và quyền liên quan đều thuộc về nhạc sĩ Giáng Son. Nhạc sĩ Giáng Son không hề “hiểu lầm” hay “nhầm lẫn” khái niệm.
Đồng thời, cách BH Media giải thích "việc phát hiện nội dung trùng khớp là do hệ thống tự động (Youtube) thực hiện" là chưa thấu đáo. "Bởi trường hợp này, chính BH Media tuyên bố có quyền sở hữu đối với bản ghi và nội dung đã cung cấp cho YouTube thì hệ thống (YouTube) mới có thể thực hiện quét tự động", văn bản của VCPMC viết.
YouTube thông báo vấn đề bản quyền với nhạc sĩ Giáng Son. Ảnh: BH Media
VCPMC cũng phản pháo quan điểm cho rằng, nhờ có cơ sở dữ liệu do BH Media cung cấp mà các tổ chức bảo vệ quyền tác giả của Việt Nam mới có cơ sở để thu tiền.
"Chính BH Media mới đang “nhầm lẫn”. Ở Việt Nam, không phải duy nhất BH Media đưa bản ghi lên Youtube. BH Media là một trong rất nhiều đơn vị đăng tải nội dung/bản ghi lên YouTube, với mục đích chính là kinh doanh, kiếm tiền từ nền tảng này.
Thời gian qua đến nay, thông qua thoả thuận hợp tác với Youtube, VCPMC vẫn đã và đang chi trả thu nhập tác quyền cho các tác giả, không phải là sự “chia sẻ” từ BH Media", VCPMC cho hay. Đồng thời, Trung tâm cũng cho rằng, BH Media chưa tuân thủ nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả thuộc thành viên VCPMC.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận