Ông Hoàng Hồng Giang |
Trăn trở với đường thủy
Cảm giác của ông thế nào sau khi biết mình trúng tuyển và được Bộ GTVT bổ nhiệm làm Cục trưởng Đường thủy nội địa VN?
Rất vui và hạnh phúc là cảm giác của tôi khi kết thúc phần thi và nhận được kết quả. Tôi là người luôn tìm kiếm thách thức mới trong công việc để có cơ hội phát huy năng lực của mình. Nhiều năm rồi, bản thân tôi luôn trăn trở với câu hỏi tại sao và cần làm gì cho GTVT đường thủy Việt Nam phát triển? Kỳ thi mà Bộ GTVT tổ chức chính là cơ hội cho tôi được mang những kiến thức của mình phục vụ đất nước, phục vụ lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Với suy nghĩ như vậy, tôi đã đăng ký dự thi vì tin rằng các cuộc thi là công bằng, mọi người đều có cơ hội như nhau.
Sau khi nhậm chức Cục trưởng, ông sẽ ưu tiên những việc gì?
Khi bắt đầu công việc, tôi sẽ đặt ra những mục tiêu cụ thể với từng lĩnh vực để tái cơ cấu lại ngành Đường thủy nội địa. Việc đầu tiên là đánh giá, xác định chính xác vị trí, nguyên nhân các “điểm nghẽn”. Theo quan điểm của tôi, nhiều năm qua đường thủy nội địa chưa phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế của nó, tức là có nhiều “trở lực” cản trở sự phát triển chứ không nằm ở một nguyên nhân cụ thể nào. “Điểm nghẽn” ở đây là sự kết nối. Tôi đánh giá là kết nối trên nhiều phương diện: Hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách, cơ cấu tổ chức và tư duy.
Theo ông nói, giải pháp đầu tiên là phải tái cơ cấu toàn diện lại ngành Đường thủy nội địa?
Đúng vậy, tôi cho rằng việc đầu tiên cần làm là đẩy mạnh tái cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục, bám sát chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT theo đề án tái cơ cấu ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1210 ngày 24/7/2014. Đồng thời, tôi cũng muốn rà soát lại toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối giữa đường thủy với các phương thức khác để xây dựng kế hoạch cụ thể, trọng tâm, trọng điểm ưu tiên đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đồng thời đẩy nhanh tiến độ và giám sát chất lượng các dự án đang triển khai.
Kết nối hiệu quả đường thủy với các loại hình vận tải khác là mục tiêu của tân Cục trưởng Đường thủy |
Mong đợi trải nghiệm
Ông có đặt ra mục tiêu cụ thể cho năm đầu tiên trên cương vị Cục trưởng?
Trên cương vị Cục trưởng, mục tiêu của tôi là phải làm sao nâng cao được vai trò lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Cục. Cùng với đó, tôi sẽ tiến hành thực hiện triệt để các giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động mà tôi trình bày trước ban giám khảo. Hàng loạt các vấn đề khác như: Tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác hiệu quả tuyến vận tải ven biển; Tái cơ cấu mô hình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy... Ngoài ra, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa và thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách để phát triển đường thủy; Đầu tư tập trung theo thứ tự ưu tiên và dứt điểm… cũng sẽ là những mục tiêu ưu tiên của tôi.
Từ lĩnh vực giảng dạy bước sang làm lãnh đạo một Cục chuyên ngành quản lý Nhà nước, điều gì khiến ông lo lắng?
Về mặt chuyên môn, tôi không gặp khó khăn gì bởi tôi đã làm công tác giảng dạy và quản lý tại Khoa Công trình (trước đây là Khoa Công trình thủy) nhiều năm.
Tôi nghĩ những kinh nghiệm từ học tập, làm việc ở nước ngoài có thể giúp tôi phần nào trong việc đề ra chiến lược phát triển mới của ngành. Ví dụ trong công tác quản lý, công tác phát triển vận tải đa phương thức mà trong đó đường thủy nội địa là một phương thức chính, công tác phát triển các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, khi ở vị trí cao hơn, vị trí quản lý ngành đòi hỏi phải có sự thay đổi tầm nhìn, định hướng chiến lược. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành với khối lượng công việc lớn như hiện nay cũng sẽ là một thách thức mà tôi rất mong muốn được trải nghiệm và đạt kết quả tốt nhất.
Cảm ơn ông!
Trung Thành - Huy Lộc
(Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận