"Tái sinh" cho trẻ nguy kịch cần ghép gan
Ngoài hơn 20 ca thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, đến nay, BV Nhi Trung ương đã tự chủ hoàn toàn, thực hiện thành công 17 ca ghép gan cho trẻ có kết quả tốt.
Các bác sĩ BV Nhi Trung ương không thể quên được ca ghép gan cho bé trai B.A (9 tháng tuổi, ở Lâm Đồng) được thực hiện vào đúng thời điểm Hà Nội "nước sôi, lửa bỏng" với đại dịch Covid-19 tháng 3/2022, cũng là khi sự sống của bé B.A chỉ còn tính bằng ngày.
BV Nhi Trung ương thực hiện ca ghép gan cho trẻ em
Khi đó, bé A nhập viện trong tình trạng xơ gan mật tiến triển của trẻ teo mật bẩm sinh. Để cứu sống bé A, theo các bác sĩ ghép gan là phương pháp duy nhất.
Bất chấp sự căng thẳng của đại dịch Covid-19 hoành hành khi đó, ca ghép gan đã diễn ra với một e kíp hùng hậu gồm nhiều chuyên gia đến từ các chuyên khoa khác nhau. Và sau 9 giờ căng thẳng, ekip phẫu thuật đã thực hiện thành công ca ghép, bé A tìm được sự sống khi một phần gan của người cha hồi sinh trong cơ thể.
Kể từ khi ra viện, bé B.A dần ổn định sức khỏe và hòa nhập với cuộc sống thường nhật.
Hay như bé H.P (Bắc Giang) cũng mắc căn bệnh nguy hiểm về gan mật, và ghép gan là con đường duy nhất để chữa trị cho bé. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ đã ghép gan thành công từ nguồn gan hiến của người cậu ruột. Với gia đình bé P, giây phút nhận được thông báo ca mổ thành công, đó chính là thời khắc mà với họ, bé P được sinh ra lần thứ 2.
Thành công của các ca phẫu thuật đó đánh dấu ê kíp các bác sĩ BV Nhi Trung ương làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan trẻ em, mở ra những sự sống mới cho các bệnh nhi đang cận kề “cửa tử”.
Nỗ lực chinh phục kỹ thuật khó
Ghép gan là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật và sự phối hợp nhuần nhuyễn đa chuyên ngành như: Ngoại khoa, gan mật, tiêu hóa, hồi sức, gây mê, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh…
Trong đó có những ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật cực khó, bệnh lý phức tạp như: bất đồng nhóm máu, ghép gan cho trẻ ung thư gan, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp...
Theo PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương, từ năm 2005, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm (nguyên giám đốc bệnh viện), ê kíp bác sĩ đã tiến hành những ca ghép gan trẻ em đầu tiên với sự giúp đỡ của rất nhiều các cá nhân, tổ chức, chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và gần đây nhất là sự giúp đỡ nhiệt tình từ các chuyên gia đến từ BV Trung ương Quân đội 108.
Trong quá trình hợp tác, đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép gan của BV Trung ương Quân đội 108 cho BV Nhi Trung ương, các bác sĩ của hai bệnh viện đã thực hiện ghép gan thành công từ người hiến cho sống trên bệnh nhi 18 tháng tuổi ung thư gan giai đoạn cuối và 1 bé gái, 1 bé trai 5 tuổi mắc bệnh teo mật bẩm sinh, cùng các bệnh nhi khác mắc bệnh gan mật nặng. Đến nay, bệnh viện đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép gan.
Ông Trần Minh Điển nhấn mạnh: “Việc các thầy thuốc BV Nhi Trung ương làm chủ kỹ thuật cao không chỉ giúp người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, tiết kiệm thời gian, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí đi lại, sinh hoạt so với việc thực hiện ở nước ngoài, mà còn giúp người bệnh thuận lợi hơn trong quá trình tái khám sau ghép”.
Ngoài làm chủ ghép gan, các chuyên gia của BV Nhi Trung ương cũng đã thực hiện ghép thận, ghép tế bào gốc ngoại vi, tế bào gốc tự thân… cứu sống nhiều trẻ mắc các bệnh nguy hiểm khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận