Chính thức thông qua quy định về Nhà chức trách hàng không
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, QH đã biểu quyết thông qua hai nội dung, đó là về quy định Nhà chức trách hàng không (khoản 2a Điều 9) và quy định về phí, lệ phí, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không (Điều 11). Cả hai nội dung này, QH đều nhất trí với tỷ lệ cao.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, việc quy định Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ GTVT là Nhà chức trách hàng không là hợp lý. Quy định như vậy, một mặt để phù hợp với thẩm quyền đã được quy định trong Luật tổ chức Chính phủ; mặt khác, nhằm bảo đảm sự ổn đinh, không phải sửa Luật trong trường hợp thay đổi tên gọi của Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không.
Trong dự thảo cũng chỉ quy định những nhiệm vụ, quyền hạn mang tính đặc thù của Nhà chức trách hàng không, để bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành, linh hoạt xử lý những tình huống phải giải quyết kịp thời trong thực tiễn hàng không dân dụng.
Trong khi đó, liên quan đến giá dịch vụ chuyên ngành hàng không (Điều 11), Ủy ban TVQH cho rằng, để khắc phục tình trạng DN lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu.
Đối với giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do DN quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai; vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp. Qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và DN.
Về quản lý hoạt động tại cảng hàng không, sân bay trong đó có cách thức để DN được kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay đã được quy định trong Luật HKDDVN hiện hành (Điều 55); theo đó Chính phủ đã quy định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, căn cứ vào nội dung sửa đổi Luật HKDDVN lần này, đề nghị Chính phủ rà soát các Nghị định hiện hành để quy định cho phù hợp, bảo đảm việc giao các DN được kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay theo nguyên tắc đấu thầu, cạnh tranh lành mạnh để thực hiện quyền bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, về ý kiến đề nghị rà soát các loại giá dịch vụ hàng không để bảo đảm tính thống nhất; quy định cụ thể các loại phí, lệ phí, giá chuyên ngành hàng không để tránh chồng chéo, tiếp thu ý kiến ĐB, Ủy ban TVQH đã cho rà soát, chỉnh lý các loại giá dịch vụ hàng không; quy định cụ thể các loại phí, lệ phí trong dự thảo Luật bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Ủy ban TVQH nhận thấy: Việc giao Bộ GTVT thẩm quyền định giá đối với các dịch vụ hàng không nhằm tạo sự đồng bộ trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị QH cho giữ quy định này như trong dự thảo Luật; đồng thời, Bộ GTVT cần có biện pháp hiệu quả hơn để thực hiện công tác này theo ý kiến của ĐBQH nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại như hiện nay.
Liên quan đến quy định về quy hoạch cảng hàng không, sân bay (Điều 56), Ủy ban TVQH cho rằng, Luật HKDDVN hiện hành đã có quy định về nguyên tắc quy hoạch cảng hàng không, sân bay (khoản 1 Điều 56) và giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay và quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế (khoản 2 Điều 56).
Tiếp thu ý kiến của ĐB, Ủy ban TVQH đề nghị QH cho bổ sung trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay cho phù hợp với pháp luật về xây dựng (khoản 2 Điều 56 dự thảo Luật).
Đối với sân bay chuyên dùng được xây dựng xuất phát chủ yếu từ nhu cầu của tổ chức, cá nhân phục vụ cho mục đích riêng như bệnh viện, du lịch, giàn khoan, cứu nạn, cứu hộ...; sân bay chuyên dùng có thể có đường băng, sân đỗ hoặc đơn giản chỉ là bãi đáp tạm thời cho tàu bay. Việc mở, đóng sân bay chuyên dùng lại thay đổi thường xuyên. Do đó, rất khó có thể quy hoạch chung cho hệ thống sân bay chuyên dùng.
Việc bảo đảm an toàn bay, tránh ảnh hưởng đến đường bay sẽ được bảo đảm qua công tác cấp chứng nhận đủ điều kiện bay, đủ điều kiện khai thác tàu bay, cấp phép bay và việc quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng đã được quy định trong Luật.
Chính sách phát triển hàng không giá rẻ
Trước nhóm ý kiến đề nghị cần có chính sách phát triển hãng hàng không giá rẻ, không phá bỏ sân bay cũ mà tận dụng cơ sở này cho các hãng hàng không giá rẻ, Ủy ban TVQH nhận thấy, quy định trong Luật HKDDVN hiện hành đã có chính sách để các hãng hàng không phát triển trong đó có vận chuyển hàng không giá rẻ. Việc sử dụng cảng hàng không, sân bay để vận chuyển giá rẻ còn phụ thuộc vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay và sự tính toán hiệu quả của nhà đầu tư; nhu cầu đi lại của hành khách. Mặt khác, việc tận dụng riêng cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay cũ cho hãng hàng không giá rẻ khó có thể hạ giá thành vì phải chịu chi phí riêng cho nguồn nhân lực, việc thuê cơ sở hạ tầng tại cảng hàng không, sân bay.
Trong khi đó, liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của người vận chuyển (Điều 110, 145 và Điều 165), có ý kiến đề nghị quy định rõ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của hành khách và cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến mà không do nguyên nhân khách quan.
Về vấn đề này, Ủy ban TVQH cho rằng, Luật HKDDVN hiện hành tại mục 1 chương VII về quyền và trách nhiệm dân sự của người vận chuyển đã quy định cụ thể quyền của hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng; trách nhiệm dân sự của người vận chuyển; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khởi kiện. Vì vậy, Ủy ban TVQH đề nghị QH cho giữ nội dung này như dự thảo Luật.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận