Thẩm định tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh
Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến về rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.
Theo đó, với việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Cục Hàng không VN hướng dẫn Vietravel Airlines hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và thẩm định hồ sơ theo đúng quy định.
Bộ trưởng cũng lưu ý Cục Hàng không VN đặc biệt quan tâm thẩm định tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines cho biết: Vietravel Airlines sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện Giấy phép vận chuyển hàng không và Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) để đủ điều kiện có thể cất cánh vào nửa đầu năm 2021 khi thị trường vận chuyển hàng không được phục hồi sau dịch bệnh”.
Trước đó, hôm 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 457 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.
Với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 700 tỷ đồng, Dự án vận tải hàng không lữ hành Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) có thời gian hoạt động dự án 50 năm.
Vietravel Airlines sẽ xây dựng hãng hàng không có trụ sở tại CHK quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.
Về quy mô, số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án sẽ có 9 tháng thực hiện đầu tư, tính từ khi phê duyệt chủ trương, bắt đầu khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.
Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ Bộ GTVT có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định và cấp phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và khả năng đáp ứng nguồn vốn của Nhà đầu tư;
Giám sát việc phát triển đội tàu bay phải phù hợp với quy hoạch, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, việc bố trí các nguồn lực của nhà đầu tư phát huy năng lực khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Chỉ xem xét lập hãng hàng không mới sau khi thị trường phục hồi hậu Covid-19
Liên quan đến việc thành lập hãng hàng không mới trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Cục Hàng không VN khẩn trương dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không và phát triển bền vững.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi.
Trước đó, nhận định khả năng phục hồi của thị trường, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay: Khả năng phải giữa năm sau thị trường nội địa sẽ khôi phục được bằng 2019. Với thị trường quốc tế, nhanh nhất cũng phải tới hết năm 2021 mới có thể phục hồi.
Theo thông tin của Báo Giao thông, hiện tại, trên thị trường còn Dự án hàng không Cánh Diều (Kite Air) của CTCP Hàng không Thiên Minh đang trong quá trình xin chủ trương lập hãng hàng không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận