Liên quan tới thông tin do lãnh dạo Bộ GD&ĐT đưa ra tại buổi công bố Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 ngày 4/7, Báo Giao thông nhận được khá nhiều bình luận và ý kiến của độc giả.
Đặc biệt là các ý kiến xung quanh thông tin Chính phủ sẽ quy định miễn học phí đối với học sinh trung học phổ thông khi chúng ta công bố Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm.
Bạn đọc Hoàng Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Miễn học phí hết 9 năm học bắt buộc là một quyết định nhân văn. Tôi ủng hộ việc thay đổi giáo trình, thời gian học bắt buộc là 12 năm như hiện nay. Tôi rất mong chờ sự cải cách lần này”.
Bạn đọc Mỹ Duyên (Hải Dương) viết: “Tôi đọc báo thấy nói sẽ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, một số môn học có thể có hai, ba bộ sách cho các trường lựa chọn, điều này cũng rất tiến bộ. Thực tế, thời gian qua, trường Thực nghiệm đã dạy giáo trình riêng và học sinh của họ rất có tư chất, điều đấy cho thấy việc bó buộc theo 1 sách giáo khoa có thể không phù hợp với các phương pháp giảng dạy mới”.
Bạn đọc Hoài An (TP HCM) lại cho rằng, điều đáng quan tâm nhất của Luật Giáo dục sửa đổi là đã quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Chỉ cần học hết lớp 9, sau đó các cháu không có khả năng nghiên cứu, học cao lên tiếp để lấy bằng đại học có thể học nghề ngay và vào đời vững vàng hơn.
Tuy nhiên, có nhiều bạn đọc lo ngại việc thay đổi lớn này của ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tạo ra những thế hệ học sinh liên tục phải chịu thí điểm.
“Điều quan trọng là phải có lộ trình cụ thể, định hướng nhất quán, không kéo dài tình trạng mỗi năm tuyển sinh, thi tốt nghiệp một kiểu như hiện nay, chính giáo viên và phụ huynh cũng chóng mặt với các quy định mới chứ không nói tới các em. Và đừng để bất cứ lứa học sinh nào phải trả giá cho những sai lầm trong khâu tổ chức và hoạch định chính sách của cơ quan quản lý”, bạn đọc Tuấn Khanh nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận