Thời tiết giao mùa, bệnh nhi đến khám các bệnh truyền nhiễm gia tăng |
Trẻ quấy khóc, bỏ ăn
Gần một tuần nay, chị Nguyễn Minh Hồng (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) mất ăn, mất ngủ vì cậu con trai 16 tháng tuổi mệt mỏi, quấy khóc suốt ngày đêm. Thấy miệng con chảy nhiều rãi rớt, có mùi hôi, lại hâm hấp sốt, chị Hồng kiểm tra thấy lợi trong miệng hơi sưng, gần giống biểu hiện trẻ mọc răng nên để con ở nhà theo dõi.
Tuy nhiên, vài ngày sau, cậu con trai tỏ rõ mệt mỏi, quấy khóc, chị Hồng đưa con đi khám. Đến viện, bác sĩ chẩn đoán con chị mắc viêm miệng, viêm lợi cho thuốc bôi và hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng. Chị Hồng cho hay: “Không chỉ con chị mà nhiều đứa trẻ cùng tuổi gần nhà cũng có biểu hiện tương tự. Nghe bác sĩ bảo do virus nên nhiều mẹ lo ngại lây lan thành dịch”.
Tương tự, cô con gái mới hơn 1 tuổi của chị Nguyễn Thanh Loan (Đan Phượng, Hà Nội) cũng sốt nhẹ vài ngày nay với biểu hiện gần như mọc răng. Chị Loan băn khoăn cho hay: “Vì bận quá nên chưa cho con đi khám được nhưng có mẹ mách tình trạng đó là cam miệng, nên tìm mua thuốc cam bôi cho con sẽ nhanh khỏi. Nhưng mình chưa dám thực hiện”.
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Tiến Dũng, chuyên khoa Nhi cho biết: “Đó là bệnh viêm miệng áp-tơ do virus, bệnh có thể lây truyền. Tuy nhiên, các phụ huynh không nên quá lo lắng vì bệnh rất hiếm biến chứng. Các dấu hiệu bệnh thường xuất hiện và kéo dài 5 - 7 ngày và tự khỏi. Khi trẻ có biểu hiện bệnh, nên đưa đi khám để được điều trị kịp thời, tránh kéo dài thời gian bệnh khiến trẻ mệt mỏi, quấy khóc”.
Cũng theo BS. Dũng, bệnh viêm miệng rất dễ nhầm với chẩn đoán tay chân miệng, nhất là trong thời điểm hiện đang vào mùa của bệnh này. Tuy nhiên, với trẻ mắc viêm miệng áp-tơ, ngoài điều trị bằng bôi thuốc, cha mẹ nên chăm sóc, vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên. “Đặc biệt lưu ý, không sử dụng các loại thuốc truyền miệng, các loại lá ngoài dân gian để bôi lên chỗ sưng, viêm của trẻ. Bởi rất dễ khiến trẻ bội nhiễm vết tổn thương, gây ra những biến chứng khó lường”, BS. Dũng khuyến cáo.
Chuyển mùa, lưu ý tay chân miệng và thủy đậu
Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, hiện đang là thời điểm vào mùa các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu. Thời tiết giao mùa, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đến khám các bệnh này có dấu hiệu tăng. Tuy nhiên, phần lớn trẻ đến khám có biểu hiện bệnh nhẹ, chưa gặp bất kỳ trường hợp biến chứng nào do bệnh gây ra, do vậy trẻ được hướng dẫn đưa về điều trị tại nhà.
Điều lưu ý, với các bệnh lây như tay chân miệng, thủy đậu và ngay cả viêm miệng, những dấu hiệu bệnh đầu tiên thường tương tự nhau nên dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán bệnh ban đầu.
Để phòng chống các bệnh lây, nhất là bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Các bậc phụ huynh nên rửa tay trước khi ăn, sau khi mặc, thay tã, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh; Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn; Cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. |
BS. Dũng cho biết, các bệnh lây này cơ bản là bệnh lành tính, thường sẽ tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, với bệnh tay chân miệng và thủy đậu, cần thận trọng trong chăm sóc trẻ để kịp thời phát hiện các biểu hiện biến chứng. Với bệnh tay chân miệng, ngoài các biểu hiện đặc trưng như: Nổi các bóng nước ở tay, chân, miệng, sốt, trẻ mệt mỏi, thì cần lưu ý, khi thấy trẻ sốt cao, co giật, bỏ ăn… cần đưa trẻ nhập viện nhằm tránh biến chứng vào não, tim. Với bệnh thủy đậu, tuyệt đối tránh bội nhiễm ở các nốt phỏng ra, nhằm tránh biến chứng có thể xảy ra viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ…
BS. Dũng cũng lưu ý, tuyệt đối không kiêng kỵ nước và kiêng khem ăn uống với trẻ. Bởi trên thực tế, nhiều trẻ mắc thủy đậu lại kiêng nước quá, không được vệ sinh thường xuyên đã dẫn đến bội nhiễm, gây nên biến chứng đáng tiếc. Việc kiêng khem ăn uống khiến trẻ thiếu dinh dưỡng, xuống sức nhanh càng làm giảm sức đề kháng của trẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận