Theo PGS.BS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, 2 tháng vừa rồi, Trung tâm Hô hấp tiếp nhận nhiều bệnh nhi viêm phổi do nhiễm virus SRV, ngoài ra còn có trẻ nhiễm các vi khuẩn như HIB, phế cầu hay tụ cầu.
Chị V.T.H (mẹ một bệnh nhi trú tại Thái Nguyên) chia sẻ, con chị hiện điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã hơn 2 tuần với chẩn đoán viêm phế quản phổi, suy hô hấp. Trước đó, cả nhà chị đều ho, con nhỏ chỉ chảy nước mũi, lo ngại con lây từ bố mẹ, chị cho con đi khám. Tuy nhiên, sau đó còn xuất hiện ho, sốt, với chẩn đoán viêm phổi, điều trị tại bệnh viện tuyến dưới 7 ngày nhưng bệnh không thuyên giảm nên được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cũng có con đang điều trị tại đây, chị N.M.P (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: Trước khi nhập viện, con có ho, gia đình cho uống siro. Tuy nhiên, sau đó con ho nặng hơn kèm dấu hiệu khó thở, gia đình vội đưa vào viện. Các bác sĩ chẩn đoán con suy hô hấp nhiễm khuẩn nặng, cần điều trị tích cực.
Theo BS Hồng Hanh, khi trẻ nhỏ có dấu hiệu sốt, ho, gia đình nên cho trẻ đi khám để xác định rõ nguyên nhân là do nhiễm khuẩn hay virus, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc. Vì nếu nhiễm khuẩn, trẻ cần dùng kháng sinh sớm nhưng nếu nhiễm virus việc tự ý dùng kháng sinh khiến bệnh của trẻ thêm nặng.
BSCKI.Trần Văn San, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, cũng cho biết: Thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận điều trị một số trẻ dưới 2 tuổi bị viêm phế quản do nhiễm virus RSV với các triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, thở khò khè.
Đặc biệt những trẻ có yếu tố nguy cơ như trẻ sơ sinh, trẻ sinh non khi nhiễm virus RSV có thể bị biến chứng nặng như viêm phế quản phổi, viêm phổi, suy hô hấp, xẹp phổi, ứ khí phổi… phải can thiệp điều trị hỗ trợ bằng thở oxy, thở máy…
Thời điểm giao mùa xuân hè hiện tại là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, trong đó có RSV dễ dàng phát triển, xâm nhập và gây bệnh cho trẻ nhỏ có sức đề kháng non yếu.
Virus RSV gây triệu chứng rất dễ trùng với các bệnh đường hô hấp khác như viêm long đường hô hấp, sốt giống cảm lạnh thông thường, khó để phân biệt. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện chuyển biến nặng như sốt cao, khó thở, ăn kém, ho, môi xanh tím, thở nhanh, mạnh, khò khè nhiều phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, can thiệp điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, tại đây cũng tiếp nhận nhiều trẻ mắc cúm mùa có xu hướng triệu chứng sốt dày với thời gian kéo dài. Có những bệnh nhi mắc cúm dẫn đến bội nhiễm viêm phổi, viêm phế quản cần phải nhập viện điều trị.
Để phòng bệnh, theo khuyến cáo của các bác sĩ nhi khoa, cha mẹ nên lưu ý cho trẻ tiêm phòng các loại vắc xin theo lịch tiêm chủng. Ngoài ra, tránh để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng cúm như hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, nhức đầu…; Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở. thường xuyên vệ sinh tay, mũi, họng hằng ngày sạch sẽ; Có chế độ dinh dưỡng hợp lý nâng cao sức đề kháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận