Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khi thảo luận về Dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được đem ra bàn bạc tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/2.
Dự án Luật này được đánh giá là rất quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế của pháp luật hiện hành.
Trong phiên thảo luận tại Thường vụ Quốc hội ngày 27/2, đa số các ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, tuy nhiên, các đại biểu còn bày tỏ không ít những băn khoăn.
Liên quan đến vấn đề tăng thẩm quyền điều tra cho một số cơ quan như kiểm ngư, thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước, đã có không ít ý kiến trái chiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, vì tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi nên cần bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan trên để huy động sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù như thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán, cũng như giảm tải ở các cơ quan điều tra chuyên trách. Việc cơ quan soạn thảo luật là Bộ Công an đưa ra đề xuất trên là hợp lý.
Tuy nhiên, lại không ít người cho rằng, không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan trên, vì khác với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay có địa bàn hoạt động thường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hoạt động xác minh, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan thuế, UB Chứng khoán nhà nước chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra chuyên trách; Kiểm ngư mặc dù hoạt động trên biển nhưng cũng trên địa bàn này đã có lực lượng Cảnh sát biển hoạt động…
Một vấn đề khác còn gây nhiều tranh cãi trong phiên họp Thường vụ quốc hội kỳ này, đó là việc giao thêm quyền điều tra cho lực lượng công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an...
Nêu quan điểm về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Trần Văn Hiện nhấn mạnh rằng, thực tế, lực lượng công an xã là lực lượng bán chuyên trách, ở nhiều địa phương, trình độ của công an cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.
“Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã sẽ vượt quá khả năng của công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước lại tán thành với đề xuất tăng thêm quyền điều tra cho lực lượng này. Theo ông Phước, giao một số việc cho công an cấp xã là hợp lý.
“Pháp lệnh Công an xã đã ghi rõ và thực tế lực lượng này cũng đang thực hiện một số hoạt động thuộc phạm vi điều tra (bắt quả tang, quản lý hiện trường, lấy lời khai ban đầu; tiếp nhận tự thú)… Việc này không có gì trái với pháp lệnh hiện hành” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu quan điểm.
Giải trình thêm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trên, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nếu được giao điều tra thì các cơ quan kể trên cũng chỉ được giao một số công việc nhất định hoặc vụ án ít nghiêm trọng.
Ngoài ra, đa số ý kiến của các đại biểu đều thống nhất với việc bổ sung cơ quan điều tra cần quán triệt tinh thần “sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận