Y tế

Giáo sư 36 tuổi muốn đưa liệu pháp chữa ung thư Mỹ về Việt Nam

28/08/2019, 06:41

Anh Nguyễn Đăng Hùng hiện là Giáo sư y học, là một trong số ít các nhà khoa học trẻ người Việt được phong hàm Giáo sư tại Mỹ.

img
Giáo sư y khoa trẻ Nguyễn Đăng Hùng say sưa nói về những nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư

“Chuyển giao công nghệ về phương pháp điều trị ung thư mới nhất từ Mỹ về Việt Nam rất khó, nhưng đưa bác sĩ Việt Nam sang để đào tạo rồi trở về ứng dụng cho bệnh nhân ung thư là điều có thể”, Giáo sư y học trẻ tuổi Nguyễn Đăng Hùng đã chia sẻ trong chuyến trở về quê mẹ từ Mỹ vừa qua.

Vợ đi đẻ vẫn vùi đầu với chuột

Là một trong số ít các nhà khoa học trẻ người Việt được phong hàm Giáo sư tại Mỹ, anh Nguyễn Đăng Hùng hiện là Giáo sư y học (Assistant Professor of Medicine) tại trường ĐH Florida (University of Central Florida), Hoa Kỳ. Để đạt được danh hiệu đó là cả một hành trình dài với nhiều thách thức.

Năm 2007, tốt nghiệp đại học Dược Hà Nội, anh được cấp học bổng học tiến sĩ ở Hàn Quốc. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Hàn Quốc, anh sang Mỹ và quyết định tham gia vào nghiên cứu các liệu pháp miễn dịch mới trong điều trị ung thư.

Có lẽ chính “ước mơ tìm ra phương pháp điều trị ung thư mới” đã thôi thúc anh từ chối nhiều lời mới nghiên cứu tại Hàn Quốc, các nước châu Âu để đến với Mỹ, nơi mà theo anh “luôn đi đầu trong các nguyên cứu, ứng dụng điều trị ung thư”. Dự án đầu tiên anh tham gia cùng một nhóm các nhà khoa học khác đó chính là nghiên cứu vaccine phòng ung thư.

Với chàng tiến sĩ trẻ Nguyễn Đăng Hùng, dường như thời gian 24 giờ mỗi ngày là quá ngắn, bởi trong đó, anh đã gắn mình với phòng thí nghiệm (labo) tới 20 giờ. Ăn, ngủ rồi cả đến phút chót vợ vỡ ối nhập viện sinh con, tiến sĩ trẻ vẫn mải miết vùi đầu với chuột. “Đợi anh tiêm nốt cho chuột không lỡ thời gian, rồi anh về ngay nhé”, chị Hương Ly, (vợ Tiến sĩ Hùng) vẫn nhớ như in câu nói của chồng khi chị thông báo phải nhập viện sinh đứa con đầu lòng. Và người đưa chị đi đẻ không phải là anh mà là những người bạn trên đất Mỹ.

Để đến với ước mơ nghiên cứu, cuộc sống gia đình anh Hùng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chị Hương Ly chia sẻ: “Có những lúc, tôi muốn đầu hàng và khuyên anh quay trở về Hàn Quốc vì ở nơi đó cuộc sống, kinh tế thuận lợi cho cả hai vợ chồng và việc nghiên cứu với anh Hùng cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Nhớ nhất giai đoạn tôi gần sinh con cũng là lúc anh Hùng gặp trục trặc trong nghiên cứu, “tối hậu thư” của chủ phòng labo là cắt toàn bộ chế độ bảo hiểm chỉ trong 1 tuần. Lúc ấy trên đất Mỹ, chi phí cho một ca sinh không bảo hiểm là quá sức với gia đình mình”.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chị Hương Ly nói: “Nếu không gặp được những người bạn Mỹ, Hàn Quốc tốt bụng, vợ chồng mình cũng khó vượt qua những khó khăn ấy”.

Sau gần một năm lăn lộn nhưng kết quả không như mong muốn, dự án nghiên cứu về vaccine phòng ngừa ung thư không thành công, anh Hùng lúc đó phải đối mặt với khó khăn: Nếu không có nơi cấp ngân sách cho nghiên cứu, thì một tháng sau đó gia đình anh sẽ phải rời nước Mỹ.

Quyết không từ bỏ mong muốn hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư, TS. Hùng quyết định chuyển hướng nghiên cứu sang liệu pháp ung thư miễn dịch, vốn rất mới khi đó. Anh được Trường ĐH Central Florida (UCF) cấp ngân sách tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy y khoa. Ở đây, anh bắt đầu nghiên cứu làm tăng khả năng chống ung thư của tế bào CAR-T cells và T cells với các ung thư dạng cứng, liệu pháp tế bào trong điều trị ung thư máu và tác dụng của tế bào gốc trong giảm tác hại của ung thư.

Mong mỏi được cống hiến cho quê mẹ

Về kế hoạch dài hơi hơn, GS. Hùng chia sẻ mong muốn có cơ hội đóng góp cho đất nước thông qua chương trình hợp tác chính thức về đào tạo, nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật hoàn toàn miễn phí và thiện nguyện với các bệnh viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các bác sĩ và các nhà khoa học trong nước... Thiết lập một trung tâm nghiên cứu về ung thư miễn dịch với chức năng đào tạo các nhà nghiên cứu tương lai. Trung tâm này sẽ giữ liên kết với các trường đại học và bệnh viện đang nghiên cứu về ung thư để hoàn thành sứ mệnh phát triển liệu pháp ung thư miễn dịch tại Việt Nam.


Theo GS. Nguyễn Đăng Hùng, hiện tại Mỹ, chi phí cho một quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư máu theo liệu pháp CAR-T là khoảng 300 nghìn USD và liệu pháp điều trị bằng ức chế thụ thể PD-1 hoặc CTLA-4 cũng rất đắt đỏ. Hiệu quả của các liệu pháp này được đánh giá khá cao, việc sử dụng liệu pháp CAR-T cells cho bệnh nhân ung thư máu cấp tính đã có đáp ứng rất tốt, bệnh nhân sống thêm được 14-15 năm chưa phát hiện tái phát; liệu pháp điều hòa ức chế ngược tỉ lệ đáp ứng là 50%, liệu pháp truyền tế bào gốc tỉ lệ có đáp ứng khoảng 30%... “Để giảm chi phí và có thể mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân tại Việt Nam, chúng ta nên có một hệ thống điều trị được thiết lập ở Việt Nam”, nhà khoa học trẻ nói.

Hiện tại, GS. Hùng đang trong giai đoạn hoàn tất ba công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn. Công trình nghiên cứu đầu tiên nhằm sản xuất ra các chất ức chế bổ thể di chuyển định hướng và tác động đến tế bào đích. Kết quả của công trình nghiên cứu này đã được mời phát biểu ở Hội nghị Huyết học hàng năm (American Society of Hematology Annual Meeting) của Mỹ vào năm 2017; đồng thời, đây sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu tạo ra 3-4 loại thuốc chống ung thư mới.

Hai công trình nghiên cứu tiếp sau tập trung nghiên cứu về tác động vào chuyển hóa mỡ của tế bào T để tăng cường khả năng chống ung thư và giảm giá thành chi phí của liệu pháp truyền tế bào T, CAR-T và cấy ghép tế bào gốc; nghiên cứu chế tạo tế bào allogeneic CAR-T trong điều trị các bệnh nhân ung thư máu. Hai nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ tạo ra hai loại thuốc chống ung thư mới và cũng sẽ được xuất bản trên các tạp chí khoa học có uy tín thời gian tới.

Hiện, anh cũng chủ trì một labo độc lập nghiên cứu về ung thư tại Mỹ và được sự bảo trợ của Chính phủ Mỹ. Để có được điều này, GS. Nguyễn Đăng Hùng đã kỳ công đặt nhiều tâm huyết để minh chứng, thuyết phục trước hội đồng thẩm định.

Với những thành công bước đầu của mình, vị giáo sư trẻ ấp ủ ước mơ mang về đất mẹ những “thành quả nghiên cứu của mình” để giúp các bệnh nhân ung thư được tiếp cận với kỹ thuật điều trị tiên tiến nhất với giá rẻ.

Ấp ủ ấy đang được anh rốt ráo thực hiện trong chuyến về Việt Nam tháng 6-7 vừa qua, thông qua việc tuyển chọn 2 ứng viên tới Mỹ học sau tiến sĩ, học bổng sẽ do Phòng thí nghiệm Hùng Nguyễn (do anh chủ trì) cấp.

“Tôi đang mong muốn đưa các tiến sĩ Việt Nam tới Mỹ học sau tiến sĩ và nghiên cứu điều trị ung thư trong vòng từ 2-10 năm. Chúng tôi muốn đào tạo hệ thống nhân lực các bác sĩ thay vì chỉ đào tạo cho các bác sĩ về phương pháp điều trị. Bởi phương pháp thì có thể lạc hậu theo thời gian, nhưng nếu có hệ thống nhân lực, thì sẽ làm chủ được việc cập nhật được kỹ thuật y khoa mới để điều trị cho bệnh nhân ung thư Việt Nam. Không chỉ nghiên cứu đào tạo ở Labo Hùng Nguyễn, ứng viên sẽ còn có các phòng labo do các nhà khoa học y sinh gốc Việt khác hỗ trợ”, anh Nguyễn Đăng Hùng cho hay.

Trong hành trình trở về Mỹ vào ngày gần cuối tháng 7 vừa qua, GS. Hùng đã có trong tay 4-5 hồ sơ ứng tuyển, nhưng với anh “không chỉ toàn tài, mà còn cần cái tâm nữa, do vậy, ứng viên được lựa chọn sẽ phải cam kết quay trở lại đất nước để cống hiến sau quá trình đào tạo tại Mỹ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.