Kỳ thi tuyển sinh đại học ảnh hưởng rất lớn tới một người, thậm chí nó còn được xem là một cột mốc mang tính bước ngoặc trong cuộc đời. Khi biết được kết quả thi của mình, có người khóc kẻ cười nhưng liệu có bao nhiêu em học sinh hiểu được hết ý nghĩa của kỳ thi đại học.
Giáo sư Wen Dongmao.
Wen Dongmao là một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, đồng thời là thành viên cốt cán của các dự án được uỷ thác bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, ông đã có một số chia sẻ liên quan tới kỳ thi này và hy vọng rằng các em học sinh lẫn phụ huynh có thể hiểu được ý nghĩa thực sự đằng sau.
“Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, các em học sinh đã có một quá trình học tập vô cùng kỷ luật. Nhờ đó, các em rèn được tính chăm chỉ, nghiêm túc, biết cách sử dụng thời gian hợp lý… Đây đều là những phẩm chất tuyệt vời, đừng vì đậu đại học rồi mà vứt bỏ nó như vứt bỏ những cuốn sách giáo khoa sau khi thi xong.
Sau khi thi đại học xong, liệu có bao nhiêu em vẫn duy trì thói quen ngủ sớm dậy sớm, siêng năng học hành, tự giác lên kế hoạch…
Trên thực tế, tôi thấy có rất nhiều sinh viên không thể thức dậy nổi vào buổi sáng sau khi họ được nhận vào trường đại học. Nếu 4 năm đại học các em vẫn duy trì được tinh thần học tập như những năm cuối cấp, chắc chắn thành tích sẽ rất xuất sắc.
Những thói quen tốt ở trường cấp 3 cần được duy trì ở trường đại học.
Trong thời gian chuẩn bị thi đại học, nhiều cha mẹ không cho con cái sử dụng điện thoại di động vì sợ bị phân tán sự tập trung. Sau khi thi xong, các em có thể sử dụng điện thoại thoải mái, điều đó cho thấy cha mẹ đã tin tưởng các em rất nhiều. Các em cần phải xứng đáng với sự tin tưởng này.
Có người cho rằng, thói quen học tập không tốt, bất cẩn khi thi nên kết quả thi đại học không như ý.
Trên thực tế, đối với một người thực sự thông minh và hiểu biết, kỳ thi tuyển sinh đại học là một trải nghiệm quý giá bất kể thành công hay thất bại. Nếu chúng ta thất bại trong một kỳ thi lớn như kỳ thi tuyển sinh đại học, thất bại đó sẽ để lại những bài học khó quên, thậm chí có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của một người. Nếu bạn thất bại và không rút ra được bài học nào cả cho mình, đó mới là một thất bại thực sự.
Vì vậy, tôi có một lời nhắc nhở quan trọng: Hãy đúc kết cho mình những kinh nghiệm và bài học trong kỳ thi này. Hãy biến kỳ thi đại học trở thành một bài học cần thiết nhất trong cuộc đời của chúng ta. Sự thành bại của kỳ thi tuyển sinh đại học không phải do điểm số quyết định mà do tâm lý của chính chúng ta.
Điều quan trọng các em học sinh cần nhận ra rằng, điểm số không phải là thứ quan trọng nhất trong kỳ thi đại học mà là hãy duy trì những thói quen tốt trong quá trình ôn thi và kéo dài nó cho tới cuối đời.
Các em học sinh nên có thái độ đúng đắn để gắn nguyện vọng học đại học với nguyện vọng lớn của cuộc đời. Các em sẽ quyết định học ngành gì, trường nào sau khi thi đại học xong nhưng ở một mức độ lớn hơn đó là công việc sau này.
Nếu một người có tham vọng thực sự, người đó có thể lập nghiệp dù ở đâu, ở nông thôn hay thành phố, không cần biết họ làm nghề gì, học ngành nào… bởi nó không thể ngăn cản họ tạo ra những thành tựu.
Điều quan trọng nhất trong cuộc sống trước hết là phải có hoài bão, đó chính là động lực bên trong của chúng ta. Có hoài bão thì sau này dù có học đại học hay chuyên ngành nào đi chăng nữa cũng không hối hận. Với hoài bão này, con đường của các em sẽ rộng hơn và có động lực cố gắng nhiều hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận