Xã hội

Giáo sư Thuyết: Cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học

04/08/2014, 07:27

Để xoay chuyển chất lượng giáo dục Đại học (ĐH), Nhà nước cần trao quyền tự chủ hơn nữa cho các trường và các trường phải nâng cao trách nhiệm xã hội.

GS. Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
GS. Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.


Giáo sư phát biểu rằng quyền tự chủ chưa là bước ngoặt cho các trường ĐH. Vậy có thể hiểu giáo dục ĐH chưa đột phá là do vẫn đang chịu sự kiểm soát quá chặt chẽ?


Vừa qua các trường đại học đã bắt đầu được giao tự chủ về mặt học thuật như tự quyết định chương trình đào tạo, tự quyết định tuyển sinh, cấp bằng. Đó là bước tiến trong tư duy quản trị ĐH. Nhưng nó vẫn chưa tạo ra bước đột phá vì quyền tự chủ vẫn bị hạn chế. Ngay cả sứ mạng của các trường ĐH cũng không phải do họ quyết định. Lý do là việc phân tầng các trường ĐH trong đó ĐH nghiên cứu được đứng đầu, ĐH ứng dụng đứng thứ hai và thứ ba mới là thực hành. Cách phân tầng này đem lại quyền lợi khác nhau giữa các trường nên những ai muốn mở ĐH thực hành cũng không muốn làm bởi vì quyền lợi thấp... Mặt khác, cũng phải thừa nhận nhiều trường chưa đủ năng lực và cũng chưa sẵn sàng cho tự chủ. Nhà nước chưa dám buông bởi một phần tư duy bao cấp và một phần lo các trường làm hỏng việc, làm ẩu.

Theo Giáo  sư, đâu là yếu tố có vai trò xoay chuyển chất lượng giáo dục ĐH trong thời điểm này?


Dù gì thì Nhà nước cũng phải giao quyền tự chủ cho các trường để tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ĐH nhưng không có nghĩa các trường không phải chịu trách nhiệm xã hội, chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quyết định của mình. Các trường phải công khai minh bạch tài chính, công khai điều kiện đào tạo, tiêu chuẩn đầu ra, khả năng hoà nhập và thị trường lao động của sinh viên trường mình và chịu trách nhiệm sản phẩm của mình trước xã hội thì lúc đấy có thể nhận được quyền tự chủ. Tự chủ có hai mặt, một mặt anh được quyền nhưng mặt kia anh phải có trách nhiệm, để xã hội sàng lọc, nếu kém sẽ bị loại chứ không phải cứ đứng lì ra, đổ tại lý do này, lý do kia, ăn vạ Nhà nước là không được.
 

Tăng chất lượng giáo dục Đại học đang là vấn đề cấp thiết
Tăng chất lượng giáo dục Đại học đang là vấn đề cấp thiết

GS. Ngô Bảo Châu chỉ ra điểm yếu của giáo dục ĐH ở chính quy trình xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy và nghiên cứu đi ngược với thế giới. Ông có đồng tình với nhận định này không?


Tôi hoàn toàn đồng tình và trong báo cáo tại hội thảo này của tôi ngẫu nhiên cũng trùng với ý kiến của GS. Châu. Ở các trường ĐH phương Tây rất hiếm khi một sinh viên tốt nghiệp ĐH lại được trường đó đào tạo tiếp sau ĐH mà phải đào tạo ở trường khác để lấy nguồn thông tin mới, lấy phong cách làm việc mới. Cán bộ giảng dạy cũng vậy, họ tuyển từ rất nhiều nguồn trên thế giới chứ không phải như trường của mình chỉ tuyển sinh viên do mình đào tạo ra. Vì nếu làm như vậy thì tư duy sẽ không mới, chưa kể thày cô cho điểm con cháu mình cao lên để giữ lại trường. 

Tuy nhiên ngay tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cũng thổ lộ rằng, ngay cả người có vị trí đứng đầu hai ngành khoa học và giáo dục cũng không thể ký mức lương cho GS. Châu. Điều này dẫn đến nghi ngờ rằng không dễ dàng xoay chuyển nền giáo dục ĐH dù có thể chỉ rõ điểm yếu của nó?


Ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng có tính tượng trưng thôi, rằng thẩm quyền của ngay các vị đứng đầu cấp Bộ cũng có giới hạn chưa nói đến thẩm quyền của các trường ĐH. Các trường ĐH phải có quyền tự chủ về nhân sự, anh mời Giáo sư nào, anh trả lương bao nhiêu thì đấy là quyền của nhà trường nhưng ở nước mình lại chưa được giao tự chủ, nhất là về mặt tài chính và nhân sự nên mình chưa quyết được.

Cảm ơn Giáo sư!

Xuân An (Thực hiện)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.