Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số |
Nguy cơ tấn công hạ tầng giao thông công cộng
Vụ khủng bố tàu điện ngầm tại St. Petersburg xảy ra vào tối 3/4, theo giờ Việt Nam không chỉ gây ra thảm họa đẫm máu mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của người dân khi di chuyển trên các phương tiện công cộng tại Nga.
Cô Maria Ilyina, 30 tuổi, đứng tại nơi đặt nến tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ tấn công, gần khu vực hiện trường cho biết: “Tôi rất sợ phải đi tàu điện. Trước đây, tôi nghĩ những chuyện khủng bố như vậy sẽ không bao giờ xảy ra tại St. Petersburg nhưng bây giờ TP của chúng tôi đã bị đe dọa”. Nhiều cư dân mạng khác tại Nga cũng chia sẻ những dòng cảm xúc như “sợ hãi phải đi tàu điện, xe buýt, máy bay...”; Có người viết: “Ngày mai, tôi sẽ ở nhà, không tới trường nữa vì tôi rất sợ phải đi tàu điện”.
Thực tế, từ lâu, Nga đã đối mặt với nhiều mối đe dọa khủng bố, nhất là nhằm vào hạ tầng giao thông. Lật lại lịch sử, có thể thấy, Nga không ít lần chứng kiến khủng bố xảy ra trên các phương tiện hạ tầng sân bay, ga tàu... Năm 2013 xảy ra vụ tấn công khi những kẻ đánh bom liều chết giết hại 31 người trong các cuộc tấn công liên hoàn tại nhà ga và xe buýt điện ở Volgograd.
Trước đó, năm 2011, sân bay bận rộn nhất nước Nga Domodedovo tại Thủ đô Moscow rúng động vì vụ đánh bom khiến 35 người thiệt mạng. Năm 2010, 38 người thiệt mạng trong vụ tấn công tàu điện ngầm do 2 kẻ đánh bom liều chết là nữ thực hiện. Năm 2009, phiến quân Nhà nước Hồi giáo đến từ North Caucasus đánh bom con tàu Nevsky trên đường từ Moscow tới St.Petersburg khiến 27 người thiệt mạng...
Maria Dubovikova, bình luận viên chính trị, nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Trung Đông cho biết: Trong khi Moscow là mục tiêu mà khủng bố khó có thể nhắm tới thì St. Petersburg lại là mục tiêu vô cùng dễ tổn thương, một phần vì sự chủ quan của chính quyền địa phương. Khủng bố không ít lần nhắm tới thành phố này. Mặc dù St. Petersburg đã được trang bị những hệ thống theo dõi và kiểm soát mới nhất nhưng vẫn có lỗ hổng cho phép những kẻ tấn công đột nhập, gây án.
Tờ USA Today dẫn lời nhiều chuyên gia an ninh nhận định, tàu điện ngầm trở thành mục tiêu dễ dàng bị đánh bom khủng bố vì có rất nhiều cửa và lượng khách đông đúc. Ông John Poncy, chuyên gia an ninh, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Densus cho biết: “Điều đáng sợ nhất, đó là các vụ tấn công hiện nay được thực hiện mà không cần chỉ đạo từ tổ chức khủng bố al-Qaeda. Thời nay, những kẻ cực đoan tu luyện chủ nghĩa khủng bố ngay tại phòng khách ở nhà”. Tham chiếu với tình hình tại Mỹ, ông Poncy cũng cảnh báo: “Tôi rất không muốn phải nói điều này nhưng sớm muộn hệ thống tàu điện ngầm tại Mỹ cũng có thể trở thành mục tiêu bị tấn công”.
IS là chủ mưu?
Đến chiều cùng ngày, cơ quan chức năng Nga tiếp tục điều tra vụ tấn công với khả năng khủng bố nhưng không loại trừ tất cả những khả năng khác. Nhiều hãng thông tấn trên thế giới bao gồm CNN, Guardian dẫn thông tin từ cơ quan tình báo Kyrgyzstan xác định danh tính nghi phạm vụ tấn công là Akbarjon Djalilov, người Kyrgyzstan, sinh năm 1995.
Theo Guardian, nghi phạm đã sống tại Nga 6 năm nay. Kênh Ngôi Sao của Nga đăng tải nhiều hình ảnh hiện trường vụ đánh bom cho thấy, nhiều khả năng nghi phạm Akbarjon chết không toàn thây. Trong đó, một bức chụp được phần đầu của một người đàn ông được cho là của Akbarjon.
Mặc dù chưa tổ chức nào tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ đó là âm mưu của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Thực tế, ngày 4/4, những kẻ ủng hộ IS đã tổ chức ăn mừng và chia sẻ hình ảnh vụ tấn công tại ga tàu điện ngầm. Chỉ vài ngày trước khi xảy ra cuộc tấn công đẫm máu, IS đã phát tán rộng rãi nhiều hình ảnh ông Putin bị bắn, hay sự sụp đổ của Điện Kremlin với thông điệp: “Chúng tôi sẽ đốt cháy Nga”. Một số hình ảnh trên các diễn đàn của IS cho thấy, vụ nổ là để trả đũa việc Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại IS và các nhóm khủng bố khác trong cuộc nội chiến Syria.
CNN dẫn lời dẫn ông Leo Tolstoy, cựu binh phục vụ trong trung đoàn pháo binh vùng Caucasus, tác giả cuốn sách The Cossacks nghi ngờ khả năng phiến quân người Chechnya đứng sau vụ tấn công. Nhóm người này từng gây ra nhiều vụ khủng bố tại Nga như vụ bắt cóc con tin năm 2002, vụ bắt hàng trăm sinh viên làm con tin tại Beslan năm 2004. Thời gian gần đây, các cơ quan an ninh Nga nhiều lần cảnh báo, có những người Chechnya rời Nga để sang Syria gia nhập IS, sau đó nhận nhiệm vụ trở về Nga, chờ thời cơ tấn công khủng bố.
Không có nạn nhân người Việt trong vụ khủng bố tại Nga Chiều 4/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết phản ứng của Việt Nam về vụ khủng bố tại Nga. Trong tuyên bố, bà Hằng cho biết Việt Nam hết sức bàng hoàng khi nhận được thông tin liên quan đến vụ đánh bom tại thành phố St. Petersburg ngày 3/4/2017 khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương. Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố này và gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Nga cùng gia đình những nạn nhân của vụ tấn công, đồng thời, Việt Nam tin tưởng rằng những kẻ gây ra tội ác này sẽ sớm bị trừng trị thích đáng. Theo bà Hằng, cho đến nay chưa có công dân Việt Nam là nạn nhân của vụ tấn công này. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tiếp tục theo dõi sát tình hình, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đối với những công dân Việt Nam gặp khó khăn. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận