Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế
Quảng Ninh vừa tổ chức loạt sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh (30/10/1963-30/10/2023). Sau 60 năm thành lập, từ một tỉnh khó khăn, Quảng Ninh vươn mình thành một cực tăng trưởng ở phía bắc Việt Nam với nhiều đột phá về cơ sở hạ tầng.
Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Ninh nhớ lại: Trước năm 1996, Quảng Ninh là địa bàn xa xôi, cách trở không chỉ vì khoảng cách địa lý, mà còn bởi hệ thống hạ tầng giao thông bị chia cắt giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh khác.
"Xác định nút thắt giao thông gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội, từ sau năm 1996, Quảng Ninh đã huy động tối đa nguồn lực đầu tư để đầu tư cho các công trình GTVT", ông Minh cho hay.
Kết quả là, chỉ trong 3 năm đầu nhiệm kỳ 1996-2000, Quảng Ninh đã đầu tư trên 3.000 tỷ đồng xây dựng và hoàn thành hàng loạt công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống ngầm tràn dọc tuyến quốc lộ 18A và quốc lộ 18C từ TP Hạ Long đến phía đông của tỉnh đã được thay thế bằng các cây cầu. Đường bộ từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố cũng được nhựa hóa.
Năm 2006, cầu Bãi Cháy được khánh thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông nội đô TP Hạ Long và nối thông toàn bộ quốc lộ 18A, trục giao thông huyết mạch của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Giai đoạn 2008-2010, Quảng Ninh đã dành nguồn lực thực hiện nâng cấp quốc lộ 18A đoạn từ Mông Dương đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", Quảng Ninh đã chủ động đề xuất và được Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn lực, thực hiện dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tự đứng ra làm đường cao tốc và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác.
Chỉ riêng năm năm 2018, Quảng Ninh đã đồng loạt đưa vào khai thác chuỗi dự án giao thông trọng điểm. Đó là cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... Qua đó giúp Quảng Ninh chính thức tháo gỡ điểm nghẽn, vươn ra khu vực và thế giới bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Tiếp nối những thành công về phát triển hạ tầng giao thông, năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Đặc biệt, ngày 1/9/2022, Quảng Ninh chính thức đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với chiều dài hơn 80km - mảnh ghép cuối cùng trong chuỗi cao tốc dọc tỉnh có chiều dài 176km, bằng 16,83% tổng chiều dài các tuyến cao tốc toàn quốc.
Để thúc đẩy phát triển ở các vùng miền, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện và ở cấp thôn. Đến nay, 100% các trục đường ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo của Quảng Ninh đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội…
"Những đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông chính là nền tảng, là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp", ông Minh khẳng định.
Khẳng định vị thế "đầu tàu" phát triển của khu vực phía Bắc
Ghi nhận sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh, năm 2022, trong chuyến thăm, làm việc tại Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: "Nhìn tổng thể, từ một tỉnh còn yếu kém phải dựa vào hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã "vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc".
"Về Quảng Ninh hôm nay chúng ta đều nhận thấy, từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền tới hải đảo tràn ngập sức sống mới, khí thế mới với tầm vóc mới, tạo niềm tin vững bước đi tới tương lai", đây là đánh giá của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh vừa được tổ chức ngày 28/10.
Sự thành công của Quảng Ninh trong những năm qua được thể hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế…
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 4 thành phố, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt cao trong nhiều năm gần đây. 7 năm liên tục (2016-2022), Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số. Trong đó năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28. GRDP bình quân đầu người hiện nay của Quảng Ninh đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía Bắc.
Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2022 của Quảng Ninh đạt trên 156.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 117.800 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 48.300 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; tỷ trọng chi đầu tư tăng lên, đạt khoảng 57-58% tổng ngân sách.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách ở Quảng Ninh đạt trên 475.200 tỷ đồng, trong đó FDI đạt 2,15 tỷ USD, tăng bình quân 54%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 267.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,684 tỷ USD...
Hiện nay, Quảng Ninh có hơn 17.590 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 381.000 tỷ đồng; hơn 400 HTX đang hoạt động và trên 210 tổ hợp tác, với tổng vốn đăng ký hoạt động trên 1.180 tỷ đồng.
Quảng Ninh cũng đã trở thành địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ hai giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Trong 10 năm liền (từ năm 2013 đến năm 2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, trong đó, 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân về chỉ số PCI...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận