Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Nam - Ảnh: TTXVN |
Sáng qua (26/3), phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam (sự kiện trọng tâm nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1997-2017) và 42 năm giải phóng Quảng Nam (1975-2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tỉnh cần phát huy lợi thế giao thông kết nối, đánh thức tiềm năng để thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Quảng Nam không đơn thuần là mảnh đất địa linh nhân kiệt mà còn nằm ở khu vực thông thương thuận lợi. Ngoài việc thuộc nhóm địa phương có diện tích lớn (trên 12.000 km2), tỉnh có nguồn tài nguyên rừng vô giá, tiềm năng lâm sản, dược liệu quý hiếm như: Nấm lim xanh, quế Trà My.... Để Quảng Nam thực sự cất cánh, theo Thủ tướng trước hết là chú trọng kết nối giao thông, phát huy nội lực, đánh thức các tiềm năng di sản, tài nguyên thiên nhiên sẵn có để tạo sự hấp dẫn, kêu gọi các nhà đầu tư. “Không có khu vực nào có 2 sân bay, 2 cảng biển lớn 2 đầu (tính cả Đà Nẵng - PV). Chúng ta đi trên đường ven biển bạt ngàn hàng vạn hecta, giao thông thuận lợi trên bến, dưới thuyền. Cơ sở hạ tầng Quảng Nam xếp thứ 14/63 tỉnh thành”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ luôn cam kết với nhà đầu tư trong và ngoài nước về giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tối đa lạm phát, xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn kinh doanh cho nhà đầu tư trong nhiều năm sau. Trước sự chứng kiến của Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu đầu tư trên nhiều lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp, phát triển đô thị, du lịch, đào tạo và nông nghiệp công nghệ cao, ký kết hợp tác chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp khai thác và chế biến khí cho hơn 24 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, với 125 km bờ biển, 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận cùng các danh thắng nổi tiếng, nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông, vị trí chiến lược của Quảng Nam tạo nên khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Quảng Nam là một trong số ít các địa phương trong cả nước có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, CHK, cảng biển và giao thông đường thủy nội địa.
Thống kê UBND tỉnh Quảng Nam, sau 20 năm tái lập tỉnh (1997-2017), tỉnh có khoảng 3,85 nghìn doanh nghiệp đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư thực hiện 50,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 32% tổng vốn đầu tư xã hội. Tỉnh xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động 8 khu công nghiệp, hơn 55 cụm công nghiệp, 19 làng nghề… Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng BQL khu kinh tế mở Chu Lai cho biết: Năm 2016, đơn vị đã cấp phép 11 dự án với tổng vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, khu này có tổng số 118 dự án được cấp phép (tổng vốn đầu tư hơn 2,1 tỷ USD). Hiện 74 dự án đi vào hoạt động.
Trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, Quảng Nam khánh thành đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của tỉnh. Ngày 24/3, cầu Giao Thủy nối đôi bờ sông Thu Bồn của bà con huyện Đại Lộc, Duy Xuyên được khánh thành với tổng mức đầu tư 474 tỷ đồng. Trước đó, Quảng Nam thông xe đường ĐT 610 nối huyện Duy Xuyên - Nông Sơn.
TRƯỜNG HẢI KHỞI CÔNG NHÀ MÁY MAZDA 12.000 TỶ ĐỒNG Chiều 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Khởi công nhà máy sản xuất và lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda tại khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải của Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO). Theo đó, nhà máy có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1: 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng (tương đương 520 triệu USD) được xây dựng trên diện tích 35ha (trong đó hơn 12ha nhà xưởng). Dự kiến, tháng 4/2018, nhà máy này sẽ chính thức hoàn thành và đưa vào hoạt động. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO cho hay: Với quyết tâm và năng lực hiện có cùng với chính sách đúng đắn, hợp lý của Nhà nước thì THACO vẫn có thể duy trì, phát triển sản xuất lắp ráp ô tô theo chiến lược đã đề ra của Chính phủ và Bộ Công thương. Hiện THACO từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ và đạt tỷ lệ nội địa hoá hơn 50% đối với xe buýt; từ 30-35% đối với xe tải. THACO đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ nội địa hoá lên 40%, tiến đến xuất khẩu ngược lại sang các nước ASEAN. Thống kê, sau 5 năm THACO hợp tác với Mazda đầu tư, xây dựng nhà máy Vina Mazda (2011-2016), nhà máy đã bán ra hơn 70.000 xe Mazda. Riêng năm 2016 đạt hơn 30.000 xe. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận