TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao - Ảnh: Trần Hùng |
Sự phát triển kinh tế - xã hội đã đưa đến cho TP Hồ Chí Minh một nguồn ngân sách khá lớn đầu tư hạ tầng giao thông so với các địa phương khác. Và khi hạ tầng giao thông được đầu tư, nó trở thành động lực để thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm với nhiều đô thị lớn, hiện đại khác trong khu vực.
Giao thông thúc kinh tế phát triển
Những ngày tháng Tư lịch sử, căn nhà của ông Nguyễn Thành Chơn ở số 57 đường Cao Thắng, Q3, TP Hồ Chí Minh khá nhộn nhịp. Ông Chơn nguyên là Phó bí thư Thành ủy đầu tiên của TP Sài Gòn - Chợ Lớn. Trò chuyện với PV Báo Giao thông, ký ức của ông về những ngày cách đây 40 năm khi mới vào tiếp quản Sài Gòn lại một lần nữa trào dâng. Ông kể: “Hồi đó Sài Gòn được ví là “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng thực ra là một đô thị phục vụ chiến tranh, phục vụ bộ máy ngụy quyền. Đường nhựa chủ yếu ở nội thị, vùng ven phục vụ đi lại của người dân hầu như vẫn là đường đất”.
“Ai mà dám mơ đến một ngày thành phố có những đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, hầm Thủ Thiêm, rồi cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương… Năm 1975, đi từ Dầu Giây vào Sài Gòn mất gần cả ngày trời, giờ chỉ đưa đầy một tiếng đồng hồ, sướng quá còn gì”, nguyên Phó Bí thư Thành ủy nói.
"Chiếc áo đô thị hiện nay đã quá chật với hơn 10 triệu dân. Những hệ lụy đã bắt đầu phát sinh. Cần có những chính sách rất riêng và đặc trưng để TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển xứng tầm với những đô thị lớn khác trên thế giới”. TS Trần Du Lịch |
Là người sống ở Sài Gòn từ những năm 1960 đến nay, có mặt ở miền Nam vào thời khắc đất nước thống nhất, Tiến sĩ Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đánh giá: Nếu sau năm 1975 và bây giờ nhìn lại, tôi thấy bộ mặt thành phố đã có thay đổi rất căn bản. Sự hình thành, phát triển các khu đô thị mới, các tuyến đường vành đai đã mở rộng quy mô TP từ khoảng 140km2 lên trên 300km2. Ngoài những đô thị mới như: Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, TP đã chỉnh trang những kênh rạch như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tân Hóa - Lò Gốm… Biến những khu nhà ổ chuột, đầy tệ nạn trong chế độ trước ở quận 4, Miếu Nổi… thành những khu đô thị khang trang, sầm uất.
Giao thông phát triển đã tác động đến kinh tế, xã hội. Nếu như trước năm 1975, Sài Gòn là nơi tiêu thụ sản phẩm của chiến tranh thì sau 1975 và hiện đã trở thành đô thị sản xuất, cung cấp hàng hóa lớn nhất cả nước. “Có những lúc giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; 25% tổng doanh thu thương mại của cả nước. Nếu năm 1986 thành phố đóng góp khoảng 13% GPD của cả nước thì hiện nay là 21% và đóng góp 1/3 vào ngân sách chung”, Tiến sĩ Trần Du Lịch dẫn chứng.
Khu vực cầu vượt Cát Lái quận 2 - Ảnh: Trần Hùng |
Đường lớn đã mở
PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh chia sự phát triển của thành phố thành ba giai đoạn. Từ sau giải phóng đến năm 1990, lúc đó cùng với cả nước, thành phố chủ yếu lo “chạy gạo” cho dân. Từ 1991 đến 2000, bắt đầu mở rộng những tuyến đường nội thị, liên huyện như Tỉnh lộ 15 về Nhà Bè, Tỉnh lộ 10 về Bình Chánh, Tỉnh lộ 6,7,8 về Củ Chi. Hoàn chỉnh nút giao thông Phú Lâm, Hàng Xanh…Khoảng 10 năm đầu của thế kỷ 21, thành phố đã mở rộng các trục xuyên tâm như: Đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Và các đường Vành đai 2, xa lộ Quốc lộ 1, các tuyến đường cao tốc. “Nói 40 năm giải phóng nhưng đã mất 15 năm đầu khó khăn. Những gì mà thành phố làm được như ngày hôm nay theo tôi là một sự tiến bộ vượt bậc”, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa nói.
TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước có hệ thống tàu điện ngầm (Metro). Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với tổng chiều dài 19,7km, tổng mức đầu tư 2,49 tỷ USD. Tuyến này khởi công từ năm 2008 và đang được triển khai tích cực để kịp hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2018. Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đã được khởi công từ năm 2010 và sẽ đưa vào sử dụng sau tuyến metro số 1 mấy năm. Ngoài ra, theo quy hoạch TP Hồ Chí Minh sẽ có 6 tuyến metro, kết nối trung tâm Thành phố với các khu vực lân cận. |
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, nhớ lại ngay từ những năm đầu thập niên 1990, khi mới hết lo “chạy gạo” cho dân, lãnh đạo thành phố đã nghĩ đến những chủ trương xã hội hóa để đầu tư hạ tầng giao thông vì vốn ngân sách lúc nào cũng thiếu. Việc xã hội hóa theo hình thức BOT đã đưa đến cho thành phố những con đường rộng đến 10 làn xe như: Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn, cầu Rạch Chiếc. Việc đổi đất lấy hạ tầng không chỉ đưa đến một khu đô thị rất “tây” như Phú Mỹ Hưng mà còn cả một đại lộ Nguyễn Văn Linh bề thế. Những chủ trương này không lâu sau đã nhân rộng ra cả nước. “Đây có thể nói là một sự đóng góp tuyệt vời của thành phố về mặt chủ trương chính sách trong đầu tư hạ tầng giao thông”, ông Tài nói.
Theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của thành phố, các tuyến đường Vành đai số 2, số 3, số 4 cũng được xây dựng hoàn chỉnh. Cùng với đó là cao tốc Bến Lức - Long Thành, trục TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (theo Quốc lộ 13); trục Quốc lộ 1K - Bình Phước; trục TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài; trục TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ... sẽ kết nối TPHCM với các đô thị xung quanh.
Sông Sài Gòn cũng sẽ có thêm nhiều cây cầu mới được bắc qua. Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bắt đầu nên hình hài của một “Phố Đông” hiện đại tầm cỡ khu vực. Ở khu vực nội thị sẽ xây dựng 6 tuyến metro cùng với hệ thống tramway (xe lửa công cộng) vận tải hành khách khối lượng lớn. Hiện tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang tích cực triển khai thi công và sẽ hoàn thành vào năm 2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận