Đánh giá trên được các đại biểu nhấn mạnh tại hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, giai đoạn 2023 - 2025, tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 18/8.
Khánh Hòa và Đắk Lắk là hai địa phương hội tụ nhiều yếu tố để liên kết phát triển du lịch với đặc điểm văn hóa mang bản sắc riêng biệt, lễ hội đặc sắc, sản phẩm du lịch đặc trưng đa dạng. Trong đó, Khánh Hòa với thế mạnh du lịch biển, đảo với chuỗi các bãi biển hấp dẫn trải dài, vịnh biển đẹp, các khu nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế, sản phẩm du lịch biển đa dạng và chất lượng.
Trao biên bản ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk
Đắk Lắk mạnh về du lịch sinh thái núi rừng với nhiều khu, điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng, cảnh quan hùng vĩ, những khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đặc sắc, bạt ngàn và thơ mộng.
Cùng với đó, cả hai địa phương này đều phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bổ trợ khác như: du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch chữa bệnh, du lịch mạo hiểm…
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, cùng với tiềm năng, lợi thế về du lịch thì giao thông là cầu nối để du lịch Khánh Hoà có điều kiện kết nối với du lịch Đắk Lắk. Nhất là khi cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột đang được đầu tư xây dựng.
“Trong những năm tới, khi cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động sẽ tạo bước đột phá trong lĩnh vực giao thông cũng như ngành du lịch của hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.
Vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của hai địa phương cần có những phương án, kế hoạch, các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn… để đáp ứng nhu cầu khi số lượng du khách tăng đột biến”, ông Lê Hữu Hoàng nói.
Phương tiện phục vụ khởi công cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột.
Hiện nay, ở hai tỉnh, nhiều doanh nghiệp tận dụng sự thuận lợi về hạ tầng giao thông để mở các tour hấp dẫn. Ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ lữ hành Bazan Xanh cho rằng, TP Buôn Mê Thuột (thủ phủ tỉnh Đắk Lắk) là đầu mối của những tuyến quốc lộ 14, quốc lộ 26. Còn đường bay Buôn Ma Thuột đi một số nơi cũng rất thuận lợi.
“Nhắc đến Đắk Lắk người ta nghĩ đến cồng chiêng, nhà dài, cà phê. Còn TP Nha Trang là thành phố cát trắng, biển xanh hấp dẫn chờ đợi khám phá.
Vì vậy, tour du lịch theo lộ trình bắt đầu từ đón khách ở sân bay Buôn Ma Thuột, khách sẽ được giao lưu cồng chiêng, chèo thuyền vượt thác, thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên,...
Sau đó, du khách sẽ di chuyển về TP Nha Trang, đi dạo phố, ăn hải sản, tắm bùn, du thuyền ngắm hoàng hôn, đi thăm Tháp Bà Ponagar. Sau khi thưởng thức văn hoá, sản vật ở Nha Trang, du khách sẽ ra sân bay Cam Ranh và kết thúc chuyến đi đầy thú vị”, ông Đức cho biết.
Tạo sự đột phá du lịch hai địa phương
Tại hội nghị, bà H’Yim Kđoh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, với tiềm năng lợi thế, sự hợp tác với Khánh Hoà sẽ giúp du khách đến với Đắk Lắk nhiều hơn. Hai tỉnh sẽ có sự tương hỗ trong cách làm du lịch, huy động người dân và doanh nghiệp cùng đầu tư vào du lịch.
“Qua sự hợp tác này, Đắk Lắk sẽ có kinh nghiệm xây dựng kế hoạch dài hơi để khai thác các lợi thế. Đắc Lắc cũng sẽ quan tâm hơn vào đầu tư sản phẩm du lịch, phương tiện để du khách (trong đó có khách quốc tế) từ Khánh Hoà lên Đắc Lắc thuận tiện hơn, ngày một nhiều hơn tạo đột phá về du lịch cho Đắk Lắk”, bà H’Yim Kđoh nói.
Giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội nghị hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Khánh Hòa với Đắk Lắk.
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hoà Hoàng Văn Vinh, hai địa phương tận dụng tốt hơn nữa về những đặc điểm về điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên khác biệt.
Hai tỉnh thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp tiến hành kết nối, khai thác lại các tuyến/ điểm du lịch, khôi phục lại các chuỗi liên kết du lịch (vận chuyển - lữ hành - lưu trú - địa điểm ăn uống, vui chơi giải trí) theo tiêu chí “Một chuyến đi hai điểm đến”, phát triển thương hiệu du lịch “Rừng và Biển” theo hướng “xanh và an toàn”.
Hiện nay Quốc lộ 26 con đường nối du lịch (hai chiều) giữa Khánh Hoà với Đắk Lắk.
Thống kê từ Sở Du lịch Khánh Hòa, trong 7 tháng đầu năm, lượng khách du lịch lưu trú tại Khánh Hòa ước đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 175,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 995 nghìn lượt; khách nội địa ước đạt hơn 3 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 19.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Đắc Lắk đã đón hơn 650.000 lượt khách, tăng hơn 21% so cùng kỳ. Tổng thu từ ngành du lịch toàn tỉnh ước đạt 515,3 tỉ đồng, tăng hơn 30% so cùng kỳ 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận