Hàng loạt dự án trọng điểm được triển khai
Những ngày cuối năm 2021, Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, tổ chức Lễ triển khai thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp QL1A, đoạn từ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Quang cảnh lễ ra quân thi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư trên 1.680 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng trên 960 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 19,8km (đoạn qua tỉnh Hậu Giang dài 8,9 km; đoạn qua tỉnh Sóc Trăng dài 10,9 km).
Quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; bề rộng nền đường 20 mét gồm 4 làn xe chạy; mở rộng và đầu tư mới 5 cầu trên toàn tuyến phù hợp với khổ đường. Thời gian thi công dự kiến trong 1 năm, hoàn thành vào tháng 12/2022.
Trước đó, Ban Quản lý Dự án 7 và các đơn vị có liên quan cũng đã tổ chức lễ ra quân thi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí 1.725,889 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 1.205,2 tỷ đồng.
Tổng chiều dài tuyến này khoảng 14,3 km, quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế đạt 80 km/h, bề rộng nền đường 12 mét gồm 2 làn xe chạy, đầu tư 10 cầu mới trên toàn tuyến. Thời gian thi công dự kiến trong vòng 1 năm, hoàn thành vào tháng 12/2022.
Trước đó nữa, trong tháng 12/2021, Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang khởi công dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, tổng vốn 1.335 tỷ đồng dự kiến hoàn thành sau 2 năm.
Tuyến kênh này dài 28,5 km, đi qua huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Công trình được người Pháp cho đào thủ công năm 1876, nối sông Tiền và Vàm Cỏ, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây ngắn nhất.
Mỗi ngày, khoảng 1.800 tàu tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn đi qua tuyến kênh này, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, sạt lở hai bên bờ. 6 năm trước, kênh được nâng cấp giai đoạn 1, kinh phí hơn 780 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều tàu thuyền đi qua đây, bờ kênh xảy ra hàng trăm điểm sạt lở, ảnh hưởng hơn 2.000 hộ dân.
Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, tổng vốn 1.335 tỷ đồng dự kiến hoàn thành sau 2 năm.
Dự án sẽ nạo vét, mở rộng luồng đường thủy gần 10 km, xây công trình bảo vệ bờ nam kênh, cầu và đường đi qua các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo. Đoạn luồng sau cải tạo sâu hơn 3,5 mét, rộng 50 mét giúp tàu thuyền di chuyển thuận lợi.
Ngoài ra, cũng trong tháng 12 vừa qua, Ban Quản lý dự án hàng hải (Bộ GTVT) đã khởi công dự án luồng tàu biển lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, với kinh phí gần 2.600 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước, thực hiện giai đoạn năm 2021-2023…
Giao thông mở đường cho phát triển
Tại miền Tây, ngoài những dự án nói trên còn có nhiều cao tốc được xúc tiến, triển khai xây dựng như đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1, với chiều dài tuyến khoảng 22,97 km, tổng mức đầu tư 4.826,23 tỷ đồng, bằng hình thức đầu tư công. Thời gian thực hiện dự án khoảng 2 năm và hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong năm 2023.
Ngoài ra còn có tuyến cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến vốn đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng, hoàn thành năm 2026. Cao tốc trục ngang thứ 2 dài 155 km Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành sau 3 năm…
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, ngành GTVT đã giành nhiều nguồn lực để hoàn thành đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng và đưa vào khai thác. Đến nay, một “bộ xương sống huyết mạch” của vùng ĐBSCL đang định hình cho một chặng đường phát triển trù phú.
Tháng 11/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước được hoàn thành, trình Hội đồng thẩm định.
Tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyên Anh
Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị chủ trì (Bộ KH&ĐT) và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt. Giai đoạn tới đây, từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị rà soát, cập nhật đầy đủ các Quy hoạch hạ tầng GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm các quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa) vào quy hoạch vùng ĐBSCL.
Cụ thể, ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Trước mắt ngay trong thời gian từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Sóc Trăng - Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (khoảng 400 km).
Đồng thời, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận