Xã hội

Giao tổ dân phố tự quản vỉa hè

04/04/2017, 09:31

Tới đây, nên giao việc quản lý, đảm bảo thông thoáng vỉa hè trên từng tuyến đường, dãy phố đến các khối phố...

6

Vỉa hè có diện tích rộng, có thể cho phép sử dụng để kinh doanh và giao cho tổ dân phố quản lý (Trong ảnh: Vỉa hè đường Xã Đàn, Hà Nội) - Ảnh: Zing.vn

Tới đây, nên giao việc quản lý, đảm bảo thông thoáng vỉa hè trên từng tuyến đường, dãy phố đến các khối phố, khu dân cư. Hiện nay, các khối phố, khu dân cư đều có tổ bảo vệ dân phố, các đoàn thể cơ sở, trưởng các khu dân cư, khối phố... nên rất thuận lợi trong tuyên truyền, vận động, nhắc nhở việc chấp hành của người dân.

Nên cho phép sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh

Việc ra quân lập lại trật tự đô thị, trật tự vỉa hè đang được triển khai rầm rộ, nếu xét đến cùng cũng là vì người dân. Do đó, bên cạnh những ý kiến dư luận ủng hộ, vẫn còn những ý kiến chưa thực sự “tâm phục, khẩu phục” với nhiều lý do khác nhau.

Mục đích, ý nghĩa của việc lập lại trật tự vỉa hè là đảm bảo đường thông, hè thoáng, lẽ ra ai cũng nên ủng hộ. Tuy nhiên, cách làm thế nào cho hiệu quả, bền vững, hợp tình, hợp lý mới là quan trọng. Bởi, nếu chỉ có sự ra quân, vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, rồi chiểu theo quy định này, quy định kia một cách cứng nhắc thì chưa đủ. Điều cốt lõi nhất phải làm sao để huy động được vai trò của cộng đồng, ý thức tự quản, ý thức chấp hành, hưởng ứng thực hiện của người dân mới quan trọng. Khi người dân đã tự ý thức, không cần đến cơ quan chức năng mà tự người dân trong cộng đồng đã bảo ban, nhắc nhở nhau chấp hành.

Có thể nói, việc lập lại trật tự đô thị, trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè là việc cần làm và phải làm một cách thường xuyên, liên tục. Song, sẽ không có biện pháp nào hữu hiệu hơn là việc người dân tự ý thức, tuyên truyền, nhắc nhở, bảo ban nhau cùng chấp hành, hình thành nếp văn hóa. Lúc đó, người không chấp hành sẽ trở nên lạc lõng với cộng đồng”.

Chúng ta đều biết, vỉa hè sinh ra cũng là để phục vụ đời sống của người dân nói chung chứ không riêng gì người đi bộ. Do đó, cần có góc nhìn bao quát, tổng thể và cách làm phù hợp. Có như vậy mới tạo được sức lan tỏa, sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo người dân.

Theo đó, cần xem xét cụ thể đối với vỉa hè của từng tuyến phố để có biện pháp lâu dài, ổn định. Nếu vỉa hè có diện tích đủ rộng, có thể quy định rõ cho phép sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh và phải có sự đăng ký, quản lý, thu phí của cơ quan chức năng. Cách làm này thực ra một số địa phương đã áp dụng. Qua đây, vừa đảm bảo trật tự, vừa tạo điều kiện cho người dân làm ăn sinh sống, đồng thời thu được thuế, lệ phí để tái đầu tư nâng cấp vỉa hè. Còn đối với những vỉa hè quá chật hẹp, kiên quyết tháo dỡ để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người đi bộ. Để có một quy định chung thống nhất thì vấn đề “cho sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh” cần được đưa ra bàn bạc, thống nhất ban hành thành nghị quyết của HĐND các cấp, từ thành phố đến các quận, huyện.

Giao tổ dân phố tự quản

Khi vỉa hè đủ rộng, căn cứ vào thực tế giữa nền đường, nền nhà và nhu cầu sinh hoạt của người dân cần quy định rõ, chỉ giới xây dựng được phép đua ban công rộng bao nhiêu, giới hạn của bậc tam cấp là bao nhiêu. Việc này phải được thực hiện khi xin cấp phép xây dựng công trình. Khi công trình được tiến hành, cần có sự giám sát, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Nếu người dân chưa hiểu, chưa rõ, cơ quan chức năng cần giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành. Đừng để đến khi công trình đã tồn tại một thời gian rồi mới ra quân cưỡng chế. Suy đến cùng, tiền bạc bỏ ra cho lực lượng làm nhiệm vụ, tiền bạc xây dựng các công trình lấn chiếm đó cũng đều là tiền của người dân. Nếu như được nhắc nhở, chấn chỉnh ngay từ lúc mới khởi công thì đâu có chuyện mất công, mất của như hôm nay...

Rồi khi bậc tam cấp đã bị cưỡng chế, phá bỏ nhưng vì nhu cầu sinh hoạt, kế mưu sinh vẫn là một thực tế hiển hiện nên người dân sẽ chế ra những bậc tam cấp cơ động khác để sử dụng đã khiến cho vỉa hè càng thêm nhôm nhoam không theo một quy cách nào. Vì thế, cần có cách làm bài bản, dài hơi, bền vững, hợp lý, hợp tình.

Mặt khác, trước khi cưỡng chế, tháo dỡ cần có thông báo thời gian hạn định để người dân tự giác chấp hành. Bởi, rất nhiều người cũng muốn tận dụng lại những nguyên vật liệu đó để làm việc khác. Còn khi chủ công trình cố tình chây ỳ, không chấp hành sẽ kiên quyết cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định.

Xét đến cùng, pháp luật hay quy định nào cũng xuất phát từ thực tiễn, do con người đặt ra để mong muốn kỷ cương đất nước được giữ vững, người dân có hành lang pháp luật rõ ràng để thực hiện. Nhưng đôi khi quy định còn vênh với thực tiễn thì cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp cũng là điều bình thường.

Cùng với những biện pháp trên, cần giao việc quản lý, đảm bảo thông thoáng vỉa hè trên từng tuyến đường, dãy phố đến các khối phố, khu dân cư. Hiện nay, tại các khối phố, khu dân cư đều có tổ bảo vệ dân phố, rồi các đoàn thể cơ sở, trưởng các khu dân cư, khối phố... nên sẽ rất thuận lợi trọng việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở việc chấp hành của người dân. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời của các lực lượng chức năng khi có các hiện tượng lấn chiếm mới phát sinh.

Với những cách làm đồng bộ trên, tin rằng vỉa hè sẽ được đảm bảo thông thoáng, mỹ quan một cách bền vững, hoạt động đúng công năng của nó và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng thực hiện của đông đảo người dân, thiết thực góp phần vào việc chống ùn tắc giao thông đô thị.

Độc giả lên tiếng

Bình luận về bài viết “Muốn thuê vỉa hè, phải đấu thầu công khai” đăng trên baogiaothong.vn ngày 29/3, một độc giả tên là Quy bày tỏ quan điểm: Lẽ ra chính quyền nên tính toán cho dân thuê trước, còn lại diện tích không được thuê mà vi phạm hãy tháo dỡ sẽ đỡ tốn kém của dân. Các địa phương khác cần rút kinh nghiệm lên phương án, kế hoạch cho dân thuê và chỉ tháo dỡ phần vi phạm. Ví dụ, những nhà xây cao hơn vỉa hè, bậc tam cấp lấn chiếm để vào nhà nhưng nay chính quyền cho thuê họ sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê và giữ lại bậc tam cấp ấy, còn những phần nào vi phạm họ tháo dỡ, vậy đỡ tốn tiền của dân không chứ.

Độc giả tên Tư Doãn lại cho rằng, chưa dẹp xong vỉa hè lại bàn chuyện cho sử dụng. Đã dẹp thì dẹp tất. Quan điểm rõ ràng thế này: Vỉa hè là để đi. Ai kinh doanh buôn bán phải dành diện tích trong nhà mà để xe, hoặc thuê chỗ khác để xe, không dùng vỉa hè. Nếu cho thuê vỉa hè thì tính giá bằng giá cho thuê đất mặt tiền của căn nhà đó. Kiểu làm nửa vời của ta thêm 100 năm nữa có khi quay về nông thôn hóa chứ Singapore gì?

T.Anh (Ghi)

Hoàng Việt Thịnh

(Số 17B/5, đường Trần Quang Khải, khối Trần Quang Khải II, phường Chi Lăng,
TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. ĐT: 091 2618688)

dien-dan-300x90-0602

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.