Các cuộc giao tranh bằng vũ khí hạng nặng vẫn diễn ra tại miền Đông Ukraine |
Giao tranh đẫm máu ở Ukraine
Hôm nay (22/3), các cuộc đấu pháo dữ dội đã diễn ra tại sân bay thành phố Donetsk thuộc miền Đông Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ thông tin thương vong. Nhưng trong các cuộc xung đột 24 giờ qua, 2 binh sỹ quân chính phủ và 1 dân thường thiệt mạng, 7 người khác bị thương.
Các giám sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng xác nhận có giao tranh bằng vũ khí hạng nặng tại miền Đông Ukraine, bất chấp tuyên bố rút các loại vũ khí này của các bên. OSCE vẫn nhìn thấy các vũ khí hạng nặng tại Luhansk và Donetsk.
Trước đó, giới chức Nga cáo buộc quân chính phủ chưa tuân thủ triệt để thoả thuận rút các vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến. Cáo buộc này dựa trên một đoạn video của hãng tin Reuters, trong đó cho thấy tiểu đoàn quân chính phủ Azov của Ukraine sử dụng pháo tự hành D-30 122mm có tầm bắn 22 km tại làng Shirokino, gần Mariupol; tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc.
Đan Mạch tuyên bố không sợ vũ khí hạt nhân của Nga
Đại sứ Nga tại Đan Mạch Mikhail Vanin vừa gây xôn xao khi tuyên bố hải quân của Đan Mạch sẽ phải nhận các đòn tấn công hủy diệt của tên lửa hạt nhân Nga nếu nước này tham gia vào lá chắn tên lửa của NATO. Lời đe dọa của Đại sứ Nga lập tức gây ra phản ứng giận dữ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đan Mạch, bà Mette Gjerskov, cho biết những lời bình luận của ông Vanin là “mang tính đe dọa và không cần thiết” bởi vì chương trình lá chắn tên lửa chỉ đơn giản là “hệ thống cảnh báo” và không gây hại cho Nga.
“Nhưng bình luận của ông Đại sứ Nga Vanin không thể thay sự thật là chúng tôi không hề sợ nước Nga”, bà Gjerskov tuyên bố.
Ông Holger K. Nielsen, người phát ngôn về vấn đề quốc phòng cho đảng Nhân dân xã hội chủ nghĩa Đan Mạch, gọi những lời bình luận của Đại sứ Nga là “điên rồ”.
IS dọa giết 100 quân nhân Mỹ
Lầu năm góc Mỹ đang tiến hành điều tra vụ tổ chức Hồi giáo (IS) đăng tải trên mạng thông tin danh tính, địa chỉ và các bức ảnh của 100 quân nhân Mỹ, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ IS nhanh chóng tiêu diệt 100 binh sĩ này.
Trong đoạn thông tin được đăng tải, một nhóm tự xưng là "Đơn vị Tin tặc của IS" tuyên bố đã đột nhập nhiều máy chủ quân sự, cơ sở dữ liệu và email quân sự Mỹ. Chúng cáo buộc 100 quân nhân mỹ đã tham gia sứ mệnh chống IS của Mỹ.
Số quân nhân Mỹ bị đe dọa sẽ được tư vấn để kiểm tra các thông tin lưu trữ trực tuyến của họ và điều chỉnh các biện pháp bảo mật.
Đan Mạch đưa Charlie Hebdo vào sách giáo khoa?
Cũng liên quan đến Đan Mạch, báo Mỹ cho biết nước này đã đề xuất phương án đưa vụ thảm sát tại tòa soạn châm biếm Charlie Hebdo ở Paris và hình ảnh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed vào trong chương trình sách giáo khoa dạy học sinh.
Theo tờ Washington Post, các lãnh đạo đảng đối lập tại Đan Mạch đã đồng thuận đưa những hình ảnh biếm họa gây tranh cãi được phát hành lần đầu tiên trên tờ Jyllands-Posten vào chương trình sách giáo khoa giảng dạy trong trường học. Trong đó, cả Đảng Nhân dân Bảo thủ và Đảng Nhân dân Đan Mạch đều lên tiếng ủng hộ đề xuất trên.
Theo Đảng Nhân dân Bảo thủ, các giáo viên trong trường có thể tự do lựa chọn nên hay không in những hình ảnh biếm họa vào sách giáo khoa và dạy trong tiết học lịch sử. Còn Đảng Nhân dân Đan Mạch thì cho rằng việc giảng dạy kèm hình ảnh biếm họa cần được thực hiện và coi như một phần của giáo dục tín ngưỡng.
Thực tế, trong những năm qua, một số trường học tại Đan Mạch đã đưa hình ảnh biếm họa vào chương trình giảng dạy cho học sinh cấp hai song không phải bắt buộc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận