Y tế

Giáp Tết, cha mẹ cần lưu tâm những điều này để con trẻ không gặp nạn

08/01/2020, 16:13

Cuối năm, liên tiếp các vụ tai nạn đáng tiếc xảy đến với trẻ nhỏ. Dù giáp Tết bận rộn, cha mẹ cần lưu tâm những điều này để con trẻ an toàn.

img
Trẻ rách lưỡi vì tai nạn sinh hoạt

Trẻ liên tục gặp nạn nhập viện

Ngày 8/1/2020, BV Nhi đồng Thành phố (Tp. Hồ Chí Minh) thông tin, trưa ngày 7/1, bé H.T.A. (4 tuổi, trú tại Tân Tạo, Bình Chánh, Tp.HCM) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn từ gia đình. Ba mẹ bé A cho biết, bé đã ngậm chơi rồi nuốt cục pin Con Ó kích thước khoảng 4 cm vào miệng, sau nuốt bé báo cho ba biết nên cả nhà tức tốc đưa con đến ngay khoa cấp cứu BV.

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy cục pin nằm lọt thỏm trong dạ dày của bé. Quá trình nội soi, do viên pin nặng nên theo trọng lực nằm sâu dưới phần thấp phình vị, bác sĩ Lộc đã đặt sonde dạ dày liên tục hút bớt dịch tiết, thức ăn cũ mới dễ dàng gắp thành công viên pin ra ngoài. May mắn do được phát hiện và đưa ra ngoài sớm nên bé không bị biến chứng, sức khỏe ổn định.

Tối 06/01/2020, tại Trung tâm Sản Nhi, BV ĐK Phú Thọ, các bác sĩ Khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi bị tổn thương khá nghiêm trọng do tai nạn sinh hoạt.

Bệnh nhi M.M.N (19 tháng tuổi, ở Yên Lập – Phú Thọ) được chuyển tuyến từ Trung tâm y tế địa phương với vết thương vùng lưỡi. Theo người nhà bệnh nhi cho biết bé tự chơi đùa, vập ngã nên răng cắn vào lưỡi, vết thương chảy rất nhiều máu. Sau khi được sơ cứu tại Trung tâm y tế địa phương, bệnh nhi được chuyển đến Trung tâm Sản Nhi. Tại đây, các bác sỹ tiếp tục xử trí vết thương, gây mê và khâu tạo hình phục hồi vết thương.

Trường hợp bệnh nhi thứ 2 là cháu H.V.T (5 tuổi, tại Phù Ninh – Phú Thọ) vào viện trong tình trạng có dị vật bẩn cắm trên vùng trán và chảy nhiều máu.

Người nhà bệnh nhi cho biết trẻ cầm que tự chơi đùa và ngã khiến que đâm vào trán, gây ra thương tích. Bệnh nhi được bác sỹ xử trí rút dị vật, cầm máu và khâu thẩm mỹ vết thương dài 4cm. Đối với bệnh nhi T. cần được thay băng hằng ngày, theo dõi vết thương và hướng dẫn gia đình cho tiêm phòng uốn ván, sau một 1 tuần có thể cắt chỉ.

Cha mẹ cần lưu ý gì?

BS CK1 Lê Đức Lộc, khoa Tiêu Hóa, BV trực tiếp nội soi cho bé A chia sẻ, nếu không nội soi kịp thời, pin sẽ gây bỏng điện và hóa chất làm loét lòng dạ dày của bé. Viên pin sẽ tiếp tục đi xuống đường ruột có khả năng gây tắc ruột, bỏng đường tiêu hóa và nhiễm độc máu... Khi ấy bệnh nhi có thể phải trải qua nhiều ca phẫu thuật phức tạp và tốn kém hơn.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần cảnh giác với những vật dụng nhỏ như: các loại pin cúc, pin điện thoại... thường chứa các nguyên tố độc hại như cadimi, thủy ngân.

"Cha mẹ hãy luôn luôn kiểm tra đồ chơi và thiết bị trẻ em của để đảm bảo rằng các khe cắm pin đã bị khoá trong và an toàn. Giữ tất cả các mặt hàng pin dài, pin đồng xu có kích thước nhỏ, dễ nuốt cách xa trẻ nhỏ. Vứt bỏ pin cũ ngay lập tức, đừng để chúng nằm trong tầm với của trẻ. Cho vào nơi quy định riêng của gia đình, tuyệt đối không cho chung rác thải khác. Nếu bạn nghi ngờ rằng con bạn đã nuốt một viên pin, gọi cấp cứu và đưa bé vào viện cấp cứu ngay", BS. Lộc khuyến cáo.

Còn theo BSCKI. Điêu Tài Thu, Trưởng khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt, hai trường trên nằm trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị thương tích do tai nạn sinh hoạt mà các bác sỹ của Trung tâm tiếp nhận. Những tai nạn thường gặp nhất là thương tích do ngã, tai nạn cắt, đâm do vật sắc nhọn (dao, kéo, đũa, que…), tai nạn do bỏng, sặc… Do vậy, dù cuối năm, giáp Tết bận bịu cỡ nào, cha mẹ cần chú ý cẩn thận trong quá trình chăm sóc trẻ, sát sao khi trẻ chơi đùa, đặc biệt không để trẻ vừa nô đùa vừa cầm đồ vật sắc nhọn để tránh những tổn thương đáng tiếc có thể xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.