Giá trị giao dịch hàng trăm tỷ đồng/chợ mỗi ngày
Trên địa bàn TP HCM hiện có 3 chợ đầu mối lớn nhất gồm chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), Hóc Môn (huyện Hóc Môn) và nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức). Trong đó, chợ đầu mối Thủ Đức cung cấp nguồn hàng rau củ quả; Hàng gia cầm, gia súc tập trung ở chợ đầu mối Hóc Môn. Riêng chợ đầu mối Bình Điền được coi là chợ đầu mối đa ngành lớn nhất với nguồn thủy hải sản phục vụ 80% nhu cầu của TP HCM và các tỉnh miền Nam, miền Tây Nam bộ.
Bà Trần Thị Thuý Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết: Hiện, chợ Bình Điền có 15.000 thương nhân với tổng lượng hàng hóa kinh doanh, lưu chuyển trung bình 2.500 - 2.700 tấn/ngày. Vào dịp cao điểm như 30/4, 2/9, tết Dương Lịch, Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa có thể tăng từ 2 - 5 lần tương đương 5.000 - 10.000 tấn/ngày.
Cũng theo bà Liên, hiện toàn bộ TP HCM và toàn khu vực miền Nam nói riêng, 80% nguồn hàng thủy hải sản được lấy từ chợ đầu mối Bình Điền. Đây là mặt hàng có giá trị cao nên tổng lượng tiền luân chuyển trung bình khoảng 120 - 150 tỷ đồng/ngày.
Những ngày cao điểm nguồn hàng tăng lên 3 - 5 lần, đồng nghĩa với việc lượng tiền giao dịch tại chợ đầu mối Bình Điền có thể lên tới 500 - 700 tỷ đồng/ngày. “Có những người trước đây còn không biết giao dịch ngân hàng là gì, nay việc kinh doanh ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn”, bà Liên nói.
Cũng giữ một vị trí quan trọng trong việc cung cấp nhu cầu rau, củ quả cho TP mỗi ngày là chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, trung bình một ngày chợ đầu mối Thủ Đức cung cấp ra thị trường khoảng 3.500 tấn trái cây, rau, củ quả tươi, đáp ứng 50 - 60% nhu cầu rau, củ, quả cho toàn TP HCM. Vào những ngày cao điểm như dịp lễ, Tết số lượng hàng hóa giao dịch trước đó có thể tăng gấp đôi, thậm chí còn nhiều hơn nữa.
Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thế nào?
“Với quy mô lớn như vậy, thị trường sẽ thế nào nếu nguồn cung bị dứt?”. Trả lời câu hỏi này của PV Báo Giao thông, bà Trần Thị Thúy Liên, cho hay, việc bị dứt nguồn hàng có lẽ sẽ không xảy ra. Các thương nhân buôn bán sỉ, nên họ phải lấy hàng từ nhiều nơi khác nhau. Chẳng hạn rau, củ quả không chỉ lấy từ Đà Lạt, Lâm Đồng, miền Tây mà tùy vào thời tiết, khí hậu từng vùng để lựa chọn.
Chẳng hạn, dịp Tết cần một lượng rau lớn từ ngoài Bắc chuyển vào. Tuy vậy, nguồn hàng cũng có lúc bị giảm do bão hoặc dịch bệnh. Việc nguồn hàng ít đi sẽ khiến giá bán từ nhà vườn nâng lên, kéo theo giá đến tay người tiêu dùng tăng.
Hay như với đại dịch tả lợn châu Phi, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, lượng thịt lợn tuy không bị ngắt hẳn, nhưng nguồn hàng ít đi và giá ngày tăng cao. Để tiếp tục phục vụ nhu cầu và ổn định kinh doanh, các thương nhân sẽ tăng cường thêm các mặt hàng khác thay cho thịt lợn.
Nhưng với một chợ đầu mối có quy mô lớn, việc vận hành và quản lý an toàn thực phẩm sẽ thế nào?
Theo bà Liên, mỗi ngày trung bình có khoảng 30.000 người giao dịch tại chợ Bình Điền - tương đương với dân số ở 1 phường. Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng 5.000 xe tải ra vào suốt ngày đêm và lượng tiền mặt giao dịch rất lớn.
“Mọi xe tải chở các loại mặt hàng vào đầu chợ phải được kiểm tra rất chặt chẽ như giấy tờ, xuất xứ, nguồn hàng, mặt hàng và các tiêu chí khác. Tại chợ có Ban ATVSTP của TP làm việc 24/24h. Hàng đêm, các mặt hàng đều được đi kiểm tra và kiểm tra ngẫu nhiên.
Ban ATVSTP cũng có những báo cáo, nghiên cứu dựa trên đặc thù của từng sản phẩm để kiểm tra. Chẳng hạn nếu thời tiết mưa nhiều nấm thường bị thối, sản phẩm để giữ được lâu sẽ bị phun thuốc. Những ngày này mặt hàng nấm sẽ bị kiểm tra rất khắt khe. Ngoài ra, Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền còn thành lập một tổ kiểm tra riêng, nhằm quản lý tốt nhất chất lượng an toàn thực phẩm nguồn hàng”, bà Liên cho hay.
Nơi nuôi dưỡng nhiều đại gia ngầm
Nhiều thương nhân tại chợ đầu mối, mặc dù bên ngoài trông rất giản dị, ngày ngày vẫn loanh quanh với con cá, con tôm nhưng họ đều là những đại gia ngầm trong ngành thủy, hải sản.
Thương nhân Lê Văn Giàu (Thương hiệu Giàu Dứng) cho biết, trước đây ông là tiểu thương tự kinh doanh buôn bán, sau đó chuyển về chợ Bình Điền. Sau một thời gian kinh doanh, từ 4 vựa, nay ông đã có 8 vựa kinh doanh thủy, hải sản. Ông chủ thương hiệu “Vựa Năm Kiên” cho hay, trước đây do cũng buôn bán tự do, sau 5 - 7 năm về chợ Bình Điền, sản lượng hàng hóa kinh doanh đã tăng gấp 5 lần so với trước đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận