Là “siêu ứng dụng” với hàng loạt tính năng và dịch vụ như: Shopping, gọi xe, đặt thức ăn, tin tức, dịch vụ ngân hàng, cổng thanh toán, game… hàng chục triệu người dùng Zalo giờ mới ngã ngửa VNG - “cha đẻ” của Zalo không thèm xin cấp phép hoạt động mạng xã hội.
Thu hồi tên miền: Mọi tính năng bị ảnh hưởng
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, tới thời điểm ngày 26/7, đơn vị này vẫn chưa nhận được thông tin chính thức cũng như hồ sơ Zalo xin cấp phép hoạt động mạng xã hội.
Trước đó, ngày 27/6, Thanh tra Sở TT&TT TP HCM đã gửi văn bản yêu cầu các nhà đăng ký và quản lý tên miền tại Việt Nam dừng cung cấp hai tên miền là Zalo.vn và Zalo.me thuộc sở hữu của Công ty VNG trước ngày 19/7 do hoạt động mạng xã hội nhưng không xin phép. Văn bản nói trên cũng đi kèm quyết định xử phạt hành chính với VNG. Tuy nhiên, tới nay, cả hai tên miền này vẫn hoạt động và có giao diện tải về ứng dụng hoặc dùng trực tiếp trên trình duyệt web.
Lý giải thực trạng trên, một lãnh đạo Thanh tra Sở TT&TT TP HCM cho biết: “Sau khi Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt, Công ty VNG đã có báo cáo với Bộ TT&TT về vấn đề này, đồng thời cam kết thực hiện việc đăng ký hoạt động. Vì vậy, Sở TT&TT đã tạm dừng việc thu hồi tên miền, tạo điều kiện để VNG khắc phục và hoàn thiện các thủ tục đăng ký”.
Khi PV Báo Giao thông đặt câu hỏi về thời hạn buộc Công ty VNG thực hiện các thủ tục đăng ký hoạt động, vị lãnh đạo cho biết: “Đến đầu tháng 8 Công ty VNG không thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy định, chúng tôi buộc phải thu hồi hai tên miền của Zalo”.
Việc Zalo không đăng ký hoạt động mạng xã hội đã được phát hiện từ năm 2018, Thanh tra Sở cũng đã xử phạt, nhưng vì sao vẫn để tên miền này hoạt động trong suốt một năm qua mà không xử lý? Trả lời câu hỏi này, vị lãnh đạo cơ quan Thanh tra Sở cho biết: Cơ quan quản lý đã tạo điều kiện, thời gian để Zalo kịp thời bổ sung các giấy tờ cấp phép cần thiết nhưng họ vẫn không chấp hành nên mới có văn bản xử phạt lần thứ hai và biện pháp bổ sung là thu hồi tên miền. “Việc thực hiện các thủ tục xin phép hoạt động mạng xã hội không hề ảnh hưởng gì đến hoạt động của Zalo, nhưng không hiểu sao họ không làm mà cũng không có bất kỳ phản hồi gì”, vị này nói.
Không giống như các thông tin dự báo trước đây, ông này khẳng định khi thu hồi 2 tên miền zalo.vn mà zalo.me, tất cả các tính năng của Zalo chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng: “Lúc đó việc sử dụng app Zalo trên điện thoại để gửi tin nhắn, hình ảnh, gọi… cũng sẽ không thực hiện được”.
Siêu ứng dụng Zalo - phải điều tra việc sử dụng, bảo mật thông tin
Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) công bố vào đầu năm 2019: Zalo có gần 47 triệu người dùng với thời gian sử dụng là 2,12 giờ/ngày. Nếu kê khai chi tiết, hiện nay mỗi ngày, trên Zalo, người dùng gửi và nhận gần 1 tỷ tin nhắn, 50 triệu phút gọi và 45 triệu tấm hình. Với kết quả này, tại Việt Nam, Zalo chỉ đứng sau Facebook với thời gian sử dụng 3,55 giờ/ngày và 60 triệu người dùng và YouTube là 2,65 giờ/ngày với 50 triệu người dùng. Tuy nhiên, thông tin từ phía Zalo lại cho biết, ứng dụng này đã đạt trên 100 triệu người tải về và đăng kí sử dụng, vượt mặt cả Facebook.
Xuất phát điểm là một ứng dụng OTT về truyền thông (nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet) 7 năm trước, Zalo giờ đây đã trở thành “siêu ứng dụng” với hàng loạt tính năng và dịch vụ như: Shopping, gọi xe, đặt thức ăn, tin tức, dịch vụ ngân hàng, cổng thanh toán, game…
Đáng chú ý, không chỉ dành cho cá nhân và doanh nghiệp, từ năm 2018 tới nay, Zalo còn được chính quyền của gần 30 tỉnh, thành trên cả nước hợp tác mở cổng thủ tục hành chính công. Bắc Ninh là địa phương đầu tiên sử dụng Zalo là kênh giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp và điều hành nội bộ. Theo đó, người dân Bắc Ninh có thể tra cứu và nhận kết quả gần 2.000 thủ tục ngay trên Zalo, bao gồm: Nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy đăng ký sử dụng đất, giấy phép xây dựng, đăng ký bổ sung hộ tịch, sổ hộ khẩu, thậm chí có thể nhận kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại. Ngoài ra, còn có kênh thông tin chỉ đạo điều hành nội bộ tỉnh trên Zalo, có tính năng thông báo cho cán bộ, công chức, viên chức khi có văn bản đến cần xử lý, văn bản chờ phê duyệt, lịch họp…
Trước tầm siêu ảnh hưởng của Zalo, trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia truyền thông chỉ ra hàng loạt mối lo ngại rủi ro về bảo mật thông tin từ ứng dụng này. “Trên thế giới có rất nhiều ứng dụng OTT tương tự Zalo như Viber, Line, Skype… xuất phát điểm từ số điện thoại của người dùng, mang tính chất riêng tư rất cao. Có thể vì lý do này, các nước có những quy định khống chế chặt chẽ nên OTT không có cơ hội phát triển thành mạng xã hội. Chỉ riêng tại Việt Nam, Zalo mới có “đất” để phát triển thành mạng xã hội, hoạt động rầm rộ song tới nay mọi người mới ngã ngửa khi biết hoạt động không phép”, vị chuyên gia nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện Việt Nam chưa có điều khoản nào về bảo mật cơ sở dữ liệu trên mạng xã hội. “Tới bây giờ không ai biết giới hạn Zalo đã đi tới đâu, họ lấy thông tin gì của người dùng và sử dụng ra sao… Không ai kiểm soát dữ liệu này được sử dụng ra sao, liệu có được chuyển ra nước ngoài hay không? Tất cả đều chưa từng được khai báo với cơ quan chức năng”, vị chuyên gia nói và đặt vấn đề: “Tại sao hoạt động không phép to đùng mà vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài? Các cơ quan chức năng cần phải mở cuộc điều tra làm rõ việc Zalo sử dụng dữ liệu, bảo mật thông tin như thế nào?”.
Vì sao Zalo trì hoãn đăng ký giấy phép mạng xã hội?
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, nhân viên phụ trách lĩnh vực an ninh cộng đồng mạng của BKAV, ứng dụng OTT là thuật ngữ để chỉ những ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng internet mà không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp vào. Trong khi đó, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau… và nhiều tính năng khác.
“Các trang mạng xã hội phải đăng ký giấy phép hoạt động còn OTT thì không, nhà cung cấp dịch vụ chỉ cần đăng ký bản quyền nếu muốn. Luật An ninh mạng cũng không đề cập tới ứng dụng. Đây có thể là lý do vì sao Zalo dù đã hoạt động như một mạng xã hội nhưng lại không muốn đăng ký giấy phép mạng xã hội”, ông Cường nhận định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, tới nay có khoảng 465 mạng xã hội được cấp phép hoạt động và chịu sự quản lý của cơ quan này.
Liên quan tới ứng dụng trên mạng xã hội, bà Huyền cho rằng, dù không có quy định cũng như cơ quan đầu mối quản lý riêng, song khi ứng dụng cung cấp dịch vụ nào thì phải tuân thủ các quy định pháp lý liên quan lĩnh vực đó. “Ứng dụng bản chất là một dạng website cũng có địa chỉ IP, được thiết kế tối ưu hóa để sử dụng trên điện thoại. Trong luật không có khái niệm nào chung chung về ứng dụng mà không liên quan tới dịch vụ nào cả. Khi sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng, nhà cung cấp phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan. Chẳng hạn Zalo có dịch vụ thương mại điện tử thì phải tuân theo quy định pháp lý trong lĩnh vực thương mại điện tử chứ không thể nói họ chỉ là một ứng dụng”, bà Huyền dẫn giải.
Trở lại câu chuyện xử phạt Zalo, bà Huyền cho biết: “Tính tới thời điểm này, các cơ quan quản lý vẫn đang làm mọi biện pháp thực thi quyết định xử lý chứ chưa phải kết thúc”.
Zalo phớt lờ dư luận
Tính tới thời điểm này, Zalo vẫn chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào liên quan tới hoạt động mạng xã hội không phép. Trong những ngày qua, PV Báo Giao thông đã nhiều lần đặt vấn đề với lãnh đạo VNG cũng như bộ phận truyền thông của Zalo song không hề có câu trả lời.
Zalo thuộc sở hữu doanh nghiệp Trung Quốc?
Trước những đồn đoán về việc Tencent, một tập đoàn Trung Quốc nắm giữ phần lớn cổ phần tại VNG, năm 2012, Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh khẳng định: “VNG là công ty Việt Nam với tỉ lệ cổ phần kiểm soát luôn luôn là các cá nhân và tổ chức Việt Nam”. Tuy nhiên, VNG không đề cập đến số cổ phần mà Tencent cũng như các cổ đông khác đang nắm giữ.
Theo báo cáo thường niên năm 2018 của VNG, Lau Chi Ping Martin là một trong 5 thành viên HĐQT. Vị này cũng là đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Tencent. Trong thành viên Ban Giám đốc VNG cũng xuất hiện ông Johnny Shen Hao mang chức danh Phó tổng Giám đốc thường trực. Trước đó, Shen Hao là Giám đốc M&A của Tencent.
Mối quan hệ giữa VNG với Tencent chỉ duy nhất một lần xuất hiện trong báo cáo tài chính tại phần thuyết minh về các nghiệp vụ với các bên liên quan. Theo đó, VNG có trả phí tư vấn kỹ thuật cho Tencent Hoidings Limited.
Hoàng Ngân
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận