Bạn cần biết

Giật mình sản phụ tự sinh con “thuận tự nhiên”

07/03/2018, 07:14

Những ngày qua, câu chuyện “thai sản thuận tự nhiên” được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

12

Người mẹ chia sẻ về “thai sản thuận tự nhiên” trên Facebook

Truyền tai “thai sản thuận tự nhiên”

Mới đây, thông qua mạng xã hội, một người mẹ tại Hưng Yên đã chia sẻ “chiến tích” trong sinh để thuận tự nhiên của mình. Cụ thể, chị đã ăn chay trong thai kỳ, tự sinh con ở nhà, tự đỡ đẻ, không chích ngừa, không cắt rốn, da kề da liên tục 4 giờ sau sinh và em bé đã tự tìm ti mẹ sau 30 phút được sinh ra. Người mẹ này cũng cho hay, vào ngày thứ 6, trẻ sơ sinh tự rụng rốn và “việc sinh theo tự nhiên này giúp mình cảm thấy không còn sợ đẻ”.

Từ chia sẻ về chiến tích thai sản thuận tự nhiên này, ngay lập tức nổ ra tranh luận trái chiều trên mạng xã hội. Số ý kiến ủng hộ thì đả phá việc can thiệp từ bác sỹ, từ nguy cơ mang đủ thứ bệnh do sinh mổ, như trẻ dễ mắc hen suyễn, tiểu đường tuýp 1, tim mạch hay ung thư…

Còn ngược lại thì lên tiếng cảnh báo, thậm chí đả phá coi sản phụ kể trên là bà mẹ phát cuồng. Các ý kiến này phân tích rằng, nước ngoài người ta sinh ở nhà đầy nhưng có sự trợ giúp của bác sĩ và y tá, có cả ê-kíp cấp cứu để nếu xảy ra sự cố gì thì chưa đầy 5 phút sau sản phụ sẽ lên bàn mổ cấp cứu ngay”. Hay, “ở bệnh viện có bác sĩ, có nhân viên y tế còn nguy hiểm huống chi tự đẻ ở nhà, thật là sợ hãi”.

Theo BS. Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ, BV Phụ sản Hà Nội cho rằng: Các bà mẹ nên cẩn thận khi quyết định điều gì đó là sự ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí là sinh mạng của người mẹ và trẻ sơ sinh. Có hẳn chuyên ngành bác sĩ sản khoa không có nghĩa là người ta thay thế cho việc đẻ của chị em, nhưng họ theo dõi, hỗ trợ chứ không thể để đẻ một cách hoang dã như vậy được. Cách thức này là rất mạo hiểm và phi khoa học.

Phản khoa học

Sau khi xem cách sinh thuận tự nhiên đang được nhiều mẹ chia sẻ, BS. Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM nhận định: “Chỉ nhìn vào hình ảnh em bé nằm cạnh bánh nhau thai đã đầy rẫy nguy cơ nhiễm trùng. Hiện, sau khi sinh, trẻ thường được kẹp rốn bằng kẹp y tế an toàn chứ không thể để nguyên bánh nhau bên cạnh như vậy. Bởi, bánh nhau sau khi được đưa ra khỏi bụng mẹ có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, dễ trở thành ổ vi khuẩn và có thể thông qua dây rốn gây nhiễm khuẩn cho trẻ”.

Chiều 6/3, Bộ Y tế đã phát đi khuyến cáo về vụ thai phụ tự sinh con ở nhà là hành vi hết sức nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành phố thông tin, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc có liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tăng cường công tác quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh tại các địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ như trường hợp nêu trên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân tại địa phương đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế, đặc biệt, tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và em bé.

Ngoài ra, với thai phụ ăn chay cũng không được khuyến khích, việc không tiêm phòng càng nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm uốn ván sơ sinh rất lớn. Trong khi đó, đây là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ở trẻ em. Ngoài ra, bệnh uốn ván cũng có thể xảy ra cho chính các bà mẹ trong quá trình sinh đẻ nếu cuộc đẻ không được đảm bảo vô trùng. Bệnh uốn ván sơ sinh hay gặp ở vùng miền núi, vùng nông thôn nơi có tỷ lệ đẻ tại nhà cao, đẻ và chăm sóc rốn không đảm bảo. Đó là lý do mà ngành Y tế khuyến cáo thai phụ cần tiêm phòng uốn ván...

Còn BS. Khải cho biết, việc người mẹ tự sinh con sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, thậm chí là tính mạng của cả mẹ và con. Đó là tình trạng ngạt ở trẻ, bởi trong quá trình sinh sản có nhiều bất chắc không thể lường trước được. Nếu xảy ra hiện tượng ngạt mà trẻ không được cán bộ y tế cấp cứu kịp thời thì tính mạng trẻ bị đe dọa. Thứ nữa là hiện tượng chảy máu (băng huyết) ở người mẹ. Đây là 1 trong 5 tai biến sản khoa có tỷ lệ gây tử vong cho người mẹ cao nhất. “Có 5 tai biến sản khoa phổ biến như băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, uốn ván dây rốn, tiền sản giật, nhiễm khuẩn sau sinh. Với 5 tai biến này thì ở bệnh viện cũng có thể xảy ra chứ chưa nói là tự sinh trong điều kiện vô khuẩn kém”, ông Khải cho biết.

“Với cách chia sẻ như bà mẹ trên, cả thai kỳ không đi siêu âm, không thể biết các chỉ số của con, các dị tật của con thì tự sinh càng nguy cơ nhiều hơn. Y học hiện đại đang nỗ lực phát triển, trong đó có cả sản khoa nhằm hạn chế tối đa tai biến trong sản khoa thì việc “tuyên truyền, khuyến khích” sinh đẻ thuận tự nhiên như vậy là phản khoa học”, BS. Khải khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.