Ông Tám Bình bên những bức hình Bác Hồ được đặt ở bàn thờ từ nhiều năm nay |
Đất cù lao nhớ Bác
Địa điểm tụ họp là ngôi nhà sàn bằng gỗ của lão nông Trần Thanh Phong (90 tuổi, ngụ ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), bí danh là ông Tám Bình. Ai có con cá, trái bầu, bó rau, con gà... sẵn trong vườn nhà mình thì mang đến hùn vào nấu mâm cơm cúng Bác.
Bên ấm trà chiều trên đất cù lao mơn mởn cây xanh trái ngọt, ông Tám Bình nhắc lại niềm khát khao của mình trong những năm qua là làm sao có tiền xây nhà thờ Bác khang trang, ấm cúng hơn. Trước đây, nơi thờ Bác Hồ được đặt trên gác gỗ trong ngôi nhà cấp bốn, nhỏ hẹp của ông. Năm tháng mưa gió bào mòn khiến những tấm ván gỗ đã bị mối, mọt tàn phá trong khi sức khỏe của ông cũng ngày một yếu. Bởi thế nguyện vọng lớn nhất của ông là xây dựng ngôi nhà khang trang tưởng nhớ Bác Hồ cho ấm cúng.
Chuyện chỉ có thế nhưng ông ấp ủ hơn chục năm trời và mãi đến năm nay mới thực hiện được. Nói đến đây ông tươi cười: “Ngôi nhà thờ Bác Hồ được xây dựng từ tháng 5/2014 và chờ làm đường đi vào, xây cổng Tân Phong nữa là xong. Đám giỗ năm nay sẽ đông, vui hơn vì ngôi nhà mới có chỗ cho bà con xung quanh về cúng Bác và ôn cổ tri tân”.
Ngôi nhà được xây dựng tường kiên cố với tổng diện tích trên 45m2, mái lợp ngói, nền lát gạch men. Phía giữa nhà ông Bình cho xây dựng một bậc thờ tam cấp, cao hơn 1,6m, rộng 1,5m. Phía trong bậc tam cấp là bức tường được thiết kế hình ngôi sao năm cánh, trong đó có nhiều hoa văn, văn hóa tượng trưng cho 54 dân tộc anh em và bản đồ Việt Nam.
Ông Tám Bình giải thích về bậc tam cấp: “Phía trên để thờ thân sinh của Bác Hồ, cụ Nguyễn Sinh Sắc; cấp thứ hai để thờ Bác Hồ và cấp thứ ba thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các anh hùng liệt sĩ...
Tuổi trẻ oanh liệt
Nhớ lại thời kỳ đất nước bị kẻ thù xâm lược, ông Tám Bình kể thời còn trai trẻ, ông đã tham gia với lực lượng thanh niên Tiền Phong đứng lên cướp chính quyền ở xã ngay thời điểm Cách mạng tháng Tám bùng lên ở Vĩnh Long. Đến năm 1955, Huyện uỷ Chợ Lách điều ông về làm Bí thư Chi bộ xã, lúc đó Chi bộ có ba người. Khí thế Đồng Khởi Bến Tre ngút trời, lan đến Tân Phong, lực lượng chính trị của ta nổi dậy tấn công địch và ông chính là người chỉ huy đấu tranh.
Cuối năm 1960, ông bị giặc bắt đưa về Vĩnh Long rồi vào khám Chí Hoà. Vào giữa năm 1964, Tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền ở Sài Gòn, thả tù chính trị. Ông là một trong những tù nhân được thả. Khi ra tù, ông về cù lao Tân Phong tiếp tục làm Bí thư Chi bộ xã, lãnh đạo quần chúng tiếp tục chiến đấu. Sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, ông được rút về Đồng Tháp Mười hoạt động, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng ông vào làm việc ở Nông hội tỉnh Tiền Giang, đến năm 1979 thì về hưu.
Về nghỉ nhưng ông Tám Bình vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào do địa phương phát động, trong đó có việc xây dựng trạm truyền thanh ấp Tân Thiện. Ông là người trong suốt 20 năm qua quản lý, tiếp âm đài T.Ư, tỉnh, huyện và cả phát thanh nhưng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các thông tin nói về địa phương ấp Tân Thạnh đều đặn được lên sóng đài “ông Tám”.
Lòng dân Tân Phong với Bác
Như bao người dân ở cù lao Tân Phong, ông Bình cũng thờ Bác trên bàn thờ gia tiên suốt mấy chục năm qua. Tuy nhiên, trong lòng ông lúc nào cũng thôi thúc ý nghĩ phải làm cho được một nơi thờ Bác thật trang trọng và riêng biệt để con cháu và bà con lối xóm có nơi tưởng nhớ chung.
Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu dành dụm lương hưu rồi viết thư “xin” Huyện ủy được xây gác thờ Bác. Ông nghĩ, làm nơi thờ Bác trên cao vừa là sự trang trọng, vừa có thể đề phòng lũ lụt, nước dâng cao… Chờ hoài không thấy Huyện ủy cho phép, ông Bình viết thư lần 2.
Lần này, Bí thư Huyện ủy cho xe xuống mời ông lên huyện nói chuyện. Bí thư Huyện ủy nói “cho” thì không dám, vì từ trước tới nay chưa có tiền lệ... Cuối buổi nói chuyện, Bí thư Huyện uỷ cho biết, lãnh đạo huyện rất hoan nghênh tấm lòng của ông và bà con đối với Bác. Tuy không dám “cho” nhưng cũng không cấm tình cảm và tấm lòng của nhân dân với Bác.
Ông Bình trở về cù lao bàn với những lão nông có uy tín trong ấp. Ai cũng vui mừng biểu quyết, ông liền báo cáo với cấp uỷ xã Tân Phong, trước khi cùng các cụ phụ lão lập gác thờ Bác ngay tại nhà mình. Ông lấy tiền của 4 đầu lương (lương hưu, gia đình Liệt sĩ, thương binh, tù đày) gom góp lại để xây dựng gác thờ. Lúc đó, gác được xây dựng hai tầng bằng gỗ, diện tích mỗi tầng khoảng 20m2, nằm sát căn nhà nhỏ đơn sơ của ông. Tầng trên, ông Tám dùng làm nơi thờ Bác Hồ và hai cụ thân sinh của Bác, cũng là nơi trưng bày, lưu giữ nhiều hình ảnh, sách, hiện vật về Bác Hồ. Tầng dưới dùng làm nơi tiếp khách.
Gác thờ được “khánh thành” ngày 2/9/1998. Ông cùng các cụ cao niên trên cù lao tổ chức lễ giỗ Bác trang trọng nhưng gọn nhẹ. Không ngờ, bà con trong ấp biết chuyện, họ rủ nhau kéo tới nhà ông đông nghịt. Trước hàng trăm người, ông trịnh trọng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, rồi lấy Di chúc của Bác đọc cho bà con nghe. Từ đó đến nay, cứ đến dịp 2/9 thì người dân trên cù lao lại tập trung về nhà ông làm giỗ Bác.
Ông Tám không muốn bà con cúng heo, gà tốn kém, không phù hợp với phong cách giản dị, tiết kiệm của Bác Hồ. Ông đề nghị bà con đến như đi dự giỗ của cha mình, chỉ cần tấm lòng thôi... Thế nhưng, những bậc cao niên trong xã cho rằng có được cuộc sống ấm no như hôm nay là nhờ ơn Bác. Giỗ Bác cũng như giỗ cha, phải tổ chức cho đúng truyền thống, cúng heo, gà cũng là để cho bà con chung vui trong ngày nhớ Bác. Hơn nữa, heo gà cũng là sản vật “cây nhà lá vườn”, không phải tốn tiền mua. Nhìn con cháu ấm no, chắc anh linh Bác sẽ không quở phạt, trách móc... Ý dân là vậy, nên ông Tám Bình đành phải nghe theo.
Bởi thế liên tục 15 năm qua, cứ gần tới dịp 2/9 là người dân cù lao Tân Phong, kể cả những người con xa xứ, cũng kéo nhau về nhà ông Tám Bình cúng giỗ Bác Hồ. Điều thú vị là bà con xứ cù lao này hình thành nếp sống đẹp mà ai cũng khen đó là ai có con cháu hiếu thuận, học giỏi, thành đạt nên người... đều đến trước bàn thờ Bác Hồ tại nhà ông Tám để “báo công”. Ai tìm được tài liệu liên quan đến Bác cũng đem về góp cho “bảo tàng” nhỏ về Bác Hồ mà ông Tám Bình bỏ công sức gầy dựng... Chính vì thế mà ở “bảo tàng” này đã có gần chục tiêu bản về tượng Bác trong đó có bức tượng bằng gỗ mật rất quý hiếm. Riêng ảnh của Bác lên tới hàng trăm. Bên cạnh đó là hơn 100 đầu sách viết về Bác được ông Tám trưng bày trang trọng trong tủ sách.
Nhờ những tư liệu về Bác ở “bảo tàng” nhà ông Tám mà các cháu học sinh nhỏ trên cù lao đã làm bài dự thi tìm hiểu về Bác Hồ đạt kết quả tốt cấp huyện và tỉnh. Ở cù lao Tân Phong, nhiều cặp trai gái khi kết hôn cũng đến lạy trước bàn thờ Bác. Đặc biệt có tấm bản đồ in hình Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhiều câu thơ ca ngợi Bác, đất nước, Đại tướng...
Có thể nói ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, hiện tại tóc đã bạc, chân đã run, nhưng mỗi khi nói về Bác, lão nông Trần Thanh Bình như khỏe hơn, hào hứng hơn. Ông bồi hồi kể: “Hồi Bác mất, tôi ở Đồng Tháp Mười, cơ quan làm truy điệu, ai cũng để tang Bác, tôi khóc nhiều lắm”.
Tiễn tôi qua phà về lại bên kia sông Tiền, ông Tám nói: “Ước mơ lớn nhất của tôi lúc này là được một lần ra viếng Lăng Bác. Nhưng, tuổi đã cao quá rồi, không biết có còn đủ sức khỏe để đi hay không. Biết là khó nhưng tôi cũng dành dụm tiền con cháu cho để nuôi hy vọng một lần được viếng Lăng Bác”.
Hải Đường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận