Giờ trái đất là khoảng thời gian nào trong ngày?
Giờ Trái đất là sự kiện quốc tế thường niên do Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund) khởi xướng. Sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên năm 2007 tại Sydney (Australia) và lan tỏa đến hầu hết các quốc gia với hàng nghìn thành phố lớn trên thế giới tham gia.
Hoạt động nổi bật nhất của chiến dịch Giờ Trái đất là sự kiện các cơ quan, công sở, cơ sở kinh doanh và hộ gia đình tham gia tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút (từ 20h30 đến 21h30 giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm.
Sở dĩ sự kiện Giờ Trái đất được tổ chức vào cuối tháng 3 hằng năm bởi vì đây là khoảng thời gian của Mùa Xuân và Mùa Thu, điểm phân trong bán cầu bắc và phía nam tương ứng, cho phép thời gian mặt trời lặn gần trùng hợp ngẫu nhiên trong cả hai bán cầu, qua đó đảm bảo tác động trực quan nhất cho sự kiện toàn cầu “tắt đèn”.
Năm 2007, số người tham gia sự kiện này tại thành phố Sydney của Úc là khoảng 2 triệu người. Tuy nhiên, đến năm 2019 vừa qua, đã có 188 quốc và và vùng lãnh thổ, hơn 7.000 thành phố trên thế giới tham gia Giờ Trái Đất và hơn 2 tỷ lượt tương tác trên các kênh mạng xã hội.
Ý nghĩa của giờ trái đất là gì?
Sự kiện Giờ Trái đất có ý nghĩa đặc biệt là khuyến khích một cộng đồng toàn cầu liên kết với nhau để chia sẻ những cơ hội và thách thức của việc tạo ra một thế giới phát triển bền vững. Mọi người cùng nhau tắt những thiết bị điện không cần thiết thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường thiên nhiên.
Bên cạnh đó, chiến dịch Giờ Trái Đất cũng góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giảm thiểu khí thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Giờ Trái đất 2020 sẽ diễn ra từ 20h30’ đến 21h30’ thứ 7, ngày 28/3/2020. Chủ đề của năm nay chuyển trọng tâm từ “Biến đổi khí hậu” sang “Mất đa dạng sinh học”.
Với sự tiêu dùng gia tăng chưa từng có, dẫn đến gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng năng lượng, đất, nước... Điều này đã làm suy kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên, thay đổi các môi trường sống trên trái đất, góp phần gây ra sự mất đa dạng sinh học trên diện rộng.
Giờ Trái đất 2020 kêu gọi sự cam kết của Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hành động nhằm đảo chiều những tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Các hoạt động của chương trình góp phần thúc đẩy những sáng kiến thay đổi hành vi tiêu dùng như tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng đồ nhựa và nói không với tiêu thụ động vật hoang dã... Qua đó, cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Bên cạnh đó, các quốc gia cần chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống dân sinh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức trực tuyến để quảng bá, tuyên truyền chủ đề, thông điệp Giờ Trái đất về ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ môi trường; phát triển năng lượng sạch, thân thiện môi trường...
Giờ trái đất ở Việt Nam diễn ra như thế nào?
Việt Nam bắt đầu tham gia sự kiện Giờ Trái đất từ năm 2009, với nhiều hoạt động hưởng ứng rất đa dạng. Không chỉ kêu gọi tắt đèn trong thời gian 60 phút nhằm vận động tiết kiệm điện, mà còn vận động tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa, không sử dụng các sản phẩm hoang dã bất hợp pháp.
Trong thời gian 60 phút tắt đèn của Giờ Trái đất 2019, cả nước đã tiết kiệm được 492.000 kWh, tương đương giảm phát thải khí nhà kính hơn 425 tấn CO2.
Năm 2020, với mục tiêu xã hội hóa các hoạt động về truyền thông trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam sẽ là đơn vị đầu mối thực hiện các hoạt động của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 tại Việt Nam, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò là cơ quan bảo trợ cho Chiến dịch.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sẽ không tổ chức các hoạt động đông người như đạp xe cổ động hay Đêm sự kiện tắt đèn Giờ Trái đất tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Thay vào đó là các hoạt động tuyên truyền online, như đăng tải thông điệp, hình ảnh, video trên các website và mạng xã hội, chạy chữ tại các màn hình… đến hết tháng 3/2020.
Tại TP.HCM và Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, kết hợp lồng ghép với các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất 2020, vận động cán bộ công nhân viên tham gia hưởng ứng tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 thứ Bảy, ngày 28/3/2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận