Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời ông Ma Chunlei, một quan chức cấp cao Thượng Hải công khai thừa nhận, chính quyền thành phố đã xử lý kém trong đợt dịch mới và chấp nhận mọi lời chỉ trích từ người dân.
Ông Ma thừa nhận, giới chức địa phương đã không hiểu đầy đủ về đặc tính lây nhiễm nhanh và âm thầm của Omicron, không làm tốt công tác chuẩn bị trước xu hướng lây nhiễm tăng nhanh.
Theo ông Ma, chính quyền địa phương không triển khai một số biện pháp ngăn chặn và kiểm soát cần thiết đồng thời chưa thực sự thấu hiểu để đảm bảo người dân trong khu vực bị phong tỏa được tiếp cận đầy đủ nhu yếu phẩm.
Nhân viên thành phố chuyển nhu yếu phẩm tới người dân ở khu vực bị phong tỏa. Ảnh -
“Chúng tôi xin chân thành nhận mọi lời chỉ trích và đang nỗ lực hết sức để cải thiện tình hình”, theo ông Ma.
Trong ngày thứ 4 (31/3) phong tỏa nhanh khu vực phía Đông và Nam sông Hoàng Phố, trung tâm tài chính Trung Quốc với 25 triệu dân vẫn tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm cao trong đó có 355 ca Covid-19 có triệu chứng và 5.298 ca lây nhiễm trong cộng đồng không có triệu chứng.
Do tình trạng trì trệ nguồn cung y tế, thiếu lương thực thực phẩm cơ bản, người dân địa phương đã lên mạng xã hội bày tỏ sự thất vọng và tha thiết kêu gọi giúp đỡ. Trong đó, một số bệnh nhân chỉ trích vì họ không được chẩn đoán bệnh kịp thời, một số người phải chờ rất lâu mới được điều trị do khu vực sinh sống nằm trong vùng phong tỏa.
Ông Wu Jinglei, Giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải thừa nhận người dân gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận chăm sóc y tế nhưng nguồn y tế hiện tại không thể đáp ứng tất cả nhu cầu người bệnh.
“Dịch vụ cấp cứu đang chịu áp lực rất lớn”, ông Wu cho biết.
“Dù chúng tôi đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để tăng công suất và tăng số lượng xe cấp cứu lên gần 50% và tăng cường gấp 3 lượng nhân lực nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả bệnh nhân”, cũng theo vị Giám đốc.
Ông Wu giải thích thêm, Ủy ban này đã và đang phân bổ nguồn lực y tế để hỗ trợ nhu cầu hằng ngày cho các bệnh nhân chạy thận trong khu vực bị phong tỏa.
Các bác sĩ cũng đã được khuyến cáo kê đơn điều trị trong thời gian lên tới 3 tháng để hạn chế số lần nhân viên y tế phải lui tới nhà bệnh nhân.
Giai đoạn phong tỏa thứ nhất (từ ngày 28/3 đến 1/4) đang ảnh hưởng tới 5,7 triệu dân. Giai đoạn thứ 2, ảnh hưởng tới khu vực phía Tây sông Hoàng Phố bắt đầu từ ngày 1/4 cho tới chiều 5/4.
Tuy nhiên do số ca nhiễm mới theo ngày ghi nhận ở khu vực ngoài cơ sở cách ly rất cao đồng nghĩa khả năng có chuỗi lây nhiễm mới nên nhiều người lo ngại giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải sẽ còn kéo dài.
Ông Liu Bin, Phó Giám đốc Ủy ban Vận tải thành phố cho biết, một số tuyến tàu điện ngầm ở khu vực phía Đông và Nam sông Hoàng Phố sẽ chưa thể hoạt động trở lại trong ngày 31/3 - thời điểm dự kiến sẽ kết thúc phong tỏa giai đoạn 1.
Chưa kể, từ ngày mai khi phía Tây sông Hoàng Phố bắt đầu bước vào giai đoạn phong tỏa, toàn bộ các tuyến tàu điện ngầm tới phía Tây Thượng Hải sẽ tạm dừng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận