Theo mô tả của bản thiết kế trên fanpage của chương trình, “để lột tả hết ý nghĩa của trang phục này, người trình diễn cần một phong thái trang trọng, với một thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu thể hiện cái tâm, lòng thành bằng cách thắp 3 cây nhang để vái và xá 3 cái. Sau đó, người trình diễn xoay lưng lại phía sau để giúp người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn thờ”.
Mặc dù, phía tác giả bản thiết kế đã lên tiếng cho biết, bản thân chỉ nghĩ tới tính tích cực về nét đẹp thờ cúng của người Việt, cũng nhưng thừa nhận bản thiết kế này còn thiếu chỉn chu vì anh không có nhiều thời gian, nhưng thiết kế “Bàn thờ” đã gây tranh cãi gay gắt. Bên cạnh một số ý kiến khen ngợi ý tưởng táo bạo và sáng tạo của tác giả thiết kế, phần đông lại cho rằng, thiết kế này khá phản cảm. Bởi lẽ, bàn thờ là nơi tâm linh của người Việt, là tín ngưỡng nên không thể mang ra để làm thiết kế trang phục, làm mất thuần phong mỹ tục.
Ai cũng biết, ngành thời trang muốn phát triển phải đi kèm sự sáng tạo. Những bộ sưu tập mới, phong cách thời trang mới liên tục được ra mắt đưa thời trang Việt vươn xa hơn. Thế nhưng, sáng tạo ở mức độ nào lại là điều đáng nói. Trên thực tế, đã có không ít những sáng tạo vô bờ bến của các nhà thiết kế từng khiến công chúng giật mình. Tiêu biểu, trang phục “Bánh mỳ” của H’hen Niê diện đi tham gia Miss Universe 2018 từng gây tranh cãi kịch liệt. Hay gần đây, trang phục hở hang của Ngọc Trinh diện ở thảm đỏ Cannes cũng khiến cô bị dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích nặng nề.
Có thể nói, khi sáng tạo đi kèm táo bạo mà thiếu hiểu biết sẽ khiến những bộ trang phục trở thành phản cảm. Sự thiếu hiểu biết ấy có thể là về văn hóa truyền thống, những giá trị về thẩm mỹ sẽ biến sản phẩm trở thành cái gai trong mắt công chúng. Các sáng tạo quá đà vì bất cứ lý do nào, có thể muốn gây chú ý hoặc khát khao được nổi tiếng mà bỏ qua các giá trị văn hóa cổ truyền thì sớm muộn cũng sẽ bị “tẩy chay”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận