Đó là trải lòng của doanh nhân Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến về chặng đường chèo lái doanh nghiệp (DN) qua khủng hoảng...
Cặp chống gù - bảo vệ lưng bé tới trường
Nghe bạn bè mách, chị Lê Hồng Phương (trú tại Điện Biên Phủ, quận Phú Nhuận, TP HCM) phải nhờ một người bạn làm việc và sinh sống tại Nhật mua giúp, gửi về Việt Nam cho con trai lớn một chiếc cặp da thật hiệu Benettion, giá 400 USD. Ngoài tính năng chống gù, chiếc cặp được quảng cáo còn là thiết bị hỗ trợ bé khi té ngửa không chấn thương lưng, khi xuống nước sẽ thành chiếc phao cứu hộ…
Tuy nhiên, mẫu cặp này chỉ có một ngăn lớn. Các bé xếp sách vở và dụng cụ học tập vào đó dễ bị xê dịch lộn xộn, phải “nhồi” đầy chặt mới có thể cố định sách vở; không có ngăn nhỏ bên ngoài để đồ lặt vặt như chai nước uống. Nhưng bất tiện nhất là phần khóa nằm dưới đáy cặp. Khi bé mở phải bật ra cả tấm da dày và nặng.
“Tôi từng chứng kiến con loay hoay vất vả với tấm da và cái khóa. Thậm chí, có lần giằng mạnh, bé bị cả cái khóa bật vào cằm, đau điếng. Đó là lý do tới đứa con thứ hai thì tôi quyết định mua cặp chống gù trong nước cho bé sử dụng”, chị Phương nói.
Sản phẩm trong nước được chị Phương nhắc tới là cặp chống gù của Công ty May túi xách Minh Tiến (Miti) với giá bán trung bình chỉ 300 - 400 nghìn đồng/chiếc. Chị Phương phân tích: Cặp chống gù của Miti có chất liệu phù hợp với thời tiết (vải nhẹ, trời mưa mau khô, nắng thì thoáng mát); Thiết kế từ to ngang chuyển hẹp, dài nên đáy tì đúng vị trí khung xương chậu, lại gọn gàng, đồ đạc bên trong không bị xô lệch. Đặc biệt, cặp có thanh trợ lực chống đỡ cột sống cong theo chiều cong sinh lý của cột sống (BPS - hệ thống bảo vệ cột sống) để dàn đều lực theo lưng…
Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Miti - DN duy nhất trong nước sản xuất cặp chống gù cho biết: Theo nghiên cứu, tại Việt Nam tật cong vẹo cột sống chiếm từ 15 - 25% các bệnh học đường thường gặp phải ở trẻ em, nguyên nhân chủ yếu do mang vác quá nặng hoặc tư thế ngồi không đúng cách. Với các em học sinh, có vô vàn lý do: Chỉ cần cài quai lệch về một bên; hay khóa bị hư, hay sách vở bên trong xô lệch… Trong khi đó, sản phẩm cặp chống gù nhập ngoại hiện rất đắt, giá trung bình 6 - 8 triệu đồng/chiếc. Đó là lý do khiến ông bắt tay nghiên cứu, sản xuất sản phẩm này. Từ khi tung ra thị trường cuối năm 2017 đến nay, cặp chống gù của Miti được người tiêu dùng đón nhận với sức tiêu thụ khoảng 100.000 sản phẩm/năm.
Từ bác sĩ Nhi thành ông chủ thương hiệu túi xách
Ít ai biết rằng, trước khi khởi nghiệp cặp, túi xách, ông chủ Miti vốn là một bác sĩ chuyên khoa Nhi và những kiến thức về y học đã góp phần quan trọng giúp ông nghiên cứu, sản xuất thành công sản phẩm cặp chống gù. Ông Kiên chia sẻ: “Ngành y mang lại cho tôi tư duy: Phải coi trọng sức khoẻ người sử dụng và đó là yêu cầu đầu tiên cho mỗi sản phẩm chúng tôi làm ra. Không riêng các em học sinh, đến giờ chúng tôi đã ứng dụng hệ thống BPS - đã đăng ký bảo hộ bằng sáng chế - trên rất nhiều sản phẩm dành cho người lớn”.
Nhớ lại hành trình khởi nghiệp, ông Kiên cho hay: Gia đình có một xưởng sản xuất túi nữ Minh Tiến, mang tên của mẹ - cũng là thợ may chính của xưởng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Tây Nguyên, về công tác tại BV Chợ Rẫy, tưởng chừng sẽ gắn bó với ngành y, nhưng rồi nhìn cảnh ba mẹ, các em vất vả, nhiều hôm cả nhà làm tới 1 - 2h sáng không kịp hàng, ông Kiên quyết định xin nghỉ về phụ giúp gia đình. Trong đầu ông khi ấy luôn nung nấu suy nghĩ, phải làm sao để ba mẹ, các em bớt cực.
Việc đầu tiên khi tiếp quản cơ sở gia đình, ông Kiên cho ba “nghỉ việc” để mình tự đi mua vật tư, cắt hàng cho thợ làm. Từ một bác sỹ, ông Kiên dần tham gia mọi khâu, từ sản xuất đến chào hàng. Việc thứ hai ông quyết là đổi toàn bộ máy móc sang dây chuyền công nghiệp, từ 4 - 5 máy lên 20 máy sau một năm. Rồi tuyển thêm công nhân và “lôi” anh em họ hàng ở quê (Quế Võ, Bắc Ninh) vào làm việc ở xưởng.
“Hồi đó, mỗi năm, lợi nhuận đủ mua một cái nhà và xưởng cứ mở rộng dần theo cách đó. Mỗi năm một dây chuyền sản xuất mới ra đời. Hai ngôi nhà cũ của gia đình tôi ở quận 8 hiện vẫn giữ lại làm kỷ niệm”, ông Kiên kể.
Tuy nhiên, sau một thời gian trực tiếp đi phân phối (chủ yếu ở chợ Bến Thành, chợ Lớn, An Đông…), phát hiện người bán hàng thường giựt thương hiệu Miti, gắn mác ngoại vào, ông chủ xưởng túi bắt đầu nghĩ đến việc làm thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối cho DN mình.
Bà Trần Thị Thanh Hương, chủ nhà 579 đường Cách Mạng Tháng Tám, nơi Miti mở cửa hàng đầu tiên nhớ lại: Thời điểm những năm 2000, cư dân khu vực này còn thưa thớt, nên ban đầu cửa hàng cũng khó khăn. “Tôi nhớ có tháng công ty phải dùng tín phiếu thanh toán tiền thuê mặt bằng. Nhưng cậu Kiên chịu xoay xở lắm, từ đầu tư thiết kế cửa hàng, sát sao chỉ bảo nhân viên bán hàng, rồi thay đổi mẫu mã, sản phẩm. Từ túi xách nữ, bán thêm cặp học sinh, giờ thì ba lô, vali đủ cả. Thương hiệu Miti giờ nhiều người biết đến, hệ thống phân phối mở ra khắp nơi”, bà Hương nói.
Chia sẻ quyết định mở rộng sản xuất cặp học sinh, ông Nguyễn Trí Kiên cho biết: Túi xách phải thay đổi mẫu mã liên tục, nhất là sau này, khi “hàng Tàu” tràn vào thị trường. Trong khi cặp học sinh quan trọng là bền, giá cả hợp lý.
Ngay khi bước chân vào thị trường cặp học sinh, Miti đã chọn sản xuất và đi đầu thị trường về sản phẩm cặp siêu nhẹ (trung bình chỉ nặng 0,8kg/chiếc). Ông chủ khi ấy phải mày mò, sáng chế, đặt hàng một nhà máy ở Đài Loan lựa chọn nguyên liệu nhựa xốp, khóa đổi từ sắt sang nhựa nhưng phải là loại nhựa nguyên sinh, không dễ gãy. Nhờ vậy, hàng mới ra đã bán rất chạy và xu hướng cặp siêu nhẹ đã được nhiều DN học theo.
Từ một xưởng may 4 - 5 máy của gia đình, Miti nhanh chóng phát triển thành Công ty TNHH Cặp túi xách Minh Tiến. Ngoài xưởng chính khoảng 400 công nhân, Miti còn có thệ thống chân rết may ở ngoài với tổng số 1.000 công nhân. Hệ thống phân phối của Miti đã mở rộng ra 60 cửa hàng, hơn 400 đại lý trên toàn quốc...
Đi qua hai “cơn bão”
Để khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, tôi giảm bớt hệ thống cửa hàng, giảm chi phí, tăng cường bán online. Khi doanh số tăng, tôi chú tâm hơn quản lý tài chính, dòng tiền để hạn chế thất thoát (lúc trước làm nhiều, rơi rụng nhiều). Đặc biệt, tôi mày mò sáng tạo những giá trị gia tăng cho sản phẩm, mà chiếc cặp chống gù là một ví dụ… Tôi cũng thay đổi tư duy: Sản phẩm không nhất thiết chỉ phân phối ở Việt Nam mà có thể bán đi khắp thế giới…
Ông Nguyễn Trí Kiên
Nhưng con đường đưa Miti đến ngày hôm nay không bằng phẳng như vậy. Trước khi ra đời sản phẩm cặp chống gù, DN này đã từng phải trải qua một giai đoạn “đen tối”, tưởng chừng như không gượng dậy. Cuộc khủng hoảng của Miti bắt đầu quãng 2009 - 2010, do bị hai “cơn bão” ập đến cùng lúc với ông chủ là kinh tế lao đao và hôn nhân tan vỡ.
Vị doanh nhân nhớ lại: Thời điểm còn ăn nên làm ra, vợ chồng ông đầu tư rất nhiều vào đất đai, nhưng một nửa nguồn vốn là vay ngân hàng. Đúng lúc kinh tế khủng hoảng, vợ chồng ông cũng đưa nhau ra tòa. Tài sản phải chia đôi, dòng tiền cho sản xuất vốn đã eo hẹp lại càng thiếu hụt. Chi phí thuê mặt bằng thời điểm đó vẫn rất cao, trong khi hàng bán ra chậm, vốn liếng lại kẹt trong bất động sản, nợ ngân hàng vẫn phải trả… “Doanh nhân cũng là một con người. DN lại lệ thuộc vào người đứng đầu. Tôi khi đó tiền bạc “giật gấu vá vai”, tinh thần suy sụp, dẫn đến trầm cảm. Tình trạng thê thảm đó kéo dài mất 4 - 5 năm”, ông Kiên nhớ lại.
Rồi chính sự vững vàng của ba cô con gái nhỏ đã góp phần kéo vị doanh nhân ra khỏi “vũng lầy” đó. Tình yêu thương con và ý thức trách nhiệm với hàng nghìn công nhân của nhà máy đã khiến ông Kiên quyết tâm thay đổi. “Muốn cứu gia đình, cứu DN phải cứu mình trước”, ý nghĩ ấy đã thôi thúc vị doanh nhân tìm đến các khóa học chữa lành, đặc biệt là chữa lành do tổn thương trong hôn nhân. Ông dần bình tâm trở lại, bắt tay khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Ông cũng đầu tư học thêm các khóa học về quản trị DN, quản trị tài chính, marketing...
Để hiện thực hóa mục tiêu bán hàng đi khắp thế giới, Miti đã bắt tay xây dựng một xưởng sản xuất 20.000 m2 mới ở Tân Trung, Gò Công, Tiền Giang. Ông Kiên khoe, từ khi chuẩn bị xây xưởng, đối tác ở Mỹ đã liên tục đốc thúc tiến độ để dồn cho đơn hàng. Dự kiến, cuối năm 2019, xưởng này đi vào hoạt động, quy mô khoảng 600 công nhân. Sản phẩm ra lò đầu tiên là vali nhựa, ba lô xuất khẩu, rồi tiến tới sản xuất cặp chống gù phục vụ tiêu dùng nội địa…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận