Đến làng đào Nhật Tân những ngày này, ngắm hàng nghìn gốc đào khoe nụ trong tiết trời se lạnh xen lẫn mưa phùn, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được mùa xuân đang đến rất gần. Người làng Nhật Tân lại hối hả, tất bật làm những công việc cuối cùng của một năm “đánh bạc với giời”, mong Tết này khá hơn năm ngoái.
Biểu tượng của người Hà Nội
Từ lâu, đào Nhật Tân (được trồng ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã nổi tiếng với vẻ đẹp riêng có, trở thành thương hiệu, biểu tượng của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến, xuân về. Trong mỗi cơ quan công sở hay nhà dân, sự hiện diện của một gốc đào, cành đào Nhật Tân mang tới niềm vui, sự phấn chấn và những cảm xúc rất riêng. Tiếng thơm của đào Nhật Tân càng bay xa hơn khi xuất hiện trên những nẻo đường ra Bắc vào Nam, thậm chí cả trên những chuyến bay đến với những người con xa xứ.
Không ai nhớ rõ đào Nhật Tân có từ bao giờ. Nhưng theo câu chuyện mà các bậc cao niên ở Nhật Tân vẫn thường kể lại cho con cháu, vào năm 1789, sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, các bô lão trong làng đã dâng lên nhà vua một cành đào, là biểu tượng của phường Nhật Chiêu lúc bấy giờ (nay là phường Nhật Tân). Vì thế, có thể khẳng định hoa đào Nhật Tân đã có từ hàng trăm năm trước.
Thuở trước, hoa đào Nhật Tân chỉ được trồng tại Dinh đào thuộc thôn Hoa Đình nay là tổ 19, khu dân cư số 5, phường Nhật Tân. Sang thập niên 80 của thế kỷ XX, hoa đào được trồng chủ yếu tại cánh đồng Nhật Tân. Cùng với quá trình đô thị hóa, đến nay, đào Nhật Tân dần chuyển ra khu vực bãi bồi và được trồng ổn định từ đó đến nay.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, hiện nay, phường Nhật Tân có diện tích đất tự nhiên là 342,34ha, trong đó đất nông nghiệp là 140,41ha, đất phi nông nghiệp là 191,352ha và đất chưa sử dụng là 9,465ha. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp đang nằm phía ngoài đê giáp sông Hồng là nơi tập trung trồng hoa đào truyền thống của 690 hộ với 1.144 xã viên. Diện tích xã viên đang canh tác là 92,7ha, trong đó diện tích trồng đào là 57ha, còn lại là diện tích trồng hoa tươi các loại và quất cảnh.
“Hiện nay, các hộ làm nghề truyền thống trồng hoa đào Nhật Tân rất quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín, thương hiệu, bản sắc riêng của hoa đào Nhật Tân. Sản phẩm hoa đào truyền thống vì thế ngày càng có uy tín, được nhiều người biết đến. Đời sống thu nhập của bà con cũng tốt hơn, trung bình mỗi người khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Số hộ làm ăn khá giả ngày một tăng”, ông Trường nói và thông tin thêm, hoa đào Nhật Tân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2008.
Thổi hồn vào hoa
Dưới bàn tay tài hoa và khéo léo của mình, người Nhật Tân đã ghép mắt phôi đào bích vào gốc đào quả để tạo ra cây đào lai gốc khoẻ, mà hoa vẫn đẹp, đều.
Đặc biệt hơn, người Nhật Tân đã thành công trong lai ghép gốc đào cổ thụ được đôn, đánh vận chuyển từ rừng về với đào bích để tạo nên những cây thế và tiểu cảnh bonsai đáp ứng được mọi nhu cầu chơi và thưởng thức hoa của người Hà Nội từ cao cấp đến bình dân.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, năm 2016, do thời tiết thuận lợi, cả làng nghề truyền thống Nhật Tân được mùa. Những vườn đào, vườn quất đẹp như tranh vẽ. Người dân cứ ngỡ sẽ có cái Tết tươm tất, vậy nhưng sức mua giảm, họ lại rơi vào thảm cảnh “được mùa, mất giá”. Năm đó, đã hết Tết những vườn đào, vườn quất vẫn còn gần như y nguyên. Người dân Nhật Tân phải tự tay chặt bỏ những cành đào bích, đào phai đỏ rực mà không khỏi xót xa.
Chủ vườn đào Xuân Hải là ông Nguyễn Xuân Hải (52 tuổi, người gốc phường Nhật Tân) cho biết, người sành chơi đào chỉ cần nhìn đào Nhật Tân là biết ngay vì có những đặc điểm nổi trội mà đào các vùng khác không thể có: Bông hoa to, cánh dày, sắc đỏ thắm và rất tươi, dăm mập.
Giới thiệu các loại đào ở Nhật Tân, ông Hải chia sẻ, đầu tiên phải kể tới đào thế cổ thụ. Đây là loại đào được người Nhật Tân công phu lai ghép từ gốc của đào rừng với mắt của đào bích Nhật Tân để tạo nên những sản phẩm đẹp, hoa tươi, thời gian sử dụng dài ngày.
Đào thế bonsai là những cây đào cổ, cây đào già, có gốc và thân cây khẳng khiu, mốc meo. Trên cây lại có những cành nhỏ vươn ra với vài mầm lá xanh, những bông hoa đào hồng điểm xuyết. Giá trị cây đào tùy thuộc vào niềm đam mê của khách và sự thăng hoa của người làm vườn, từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng.
Đào Thất Thốn là dòng đào quý tộc khó trồng, khó chăm sóc, đặc biệt là công đoạn hãm cho đào nở hoa đúng Tết. Dòng đào này kén người chơi và phải là người thực sự sành điệu nhưng cũng đồng thời phải có tiềm lực về kinh tế thì mới dám bỏ tiền ra mua. Đào Thất Thốn được mệnh danh là “đào tiến vua” cũng là vì thế.
Bên cạnh đó là đào tự nhiên. Dòng đào cành này phải từ 3- 4 năm mới được thu hoạch bởi phải tạo vết sần, tạo vẻ cằn cỗi, tuy nhiên dòng đào này lại thích ứng cho mọi người chơi đào từ bình dân đến sang trọng.
Cuối cùng là đào tán tròn chính thống của Nhật Tân. Nếu cành to, đẹp thì có giá tiền triệu, nhưng cành nhỏ có thể chỉ từ vài chục nghìn đồng.
“Do đặc thù của hoa đào, loại hoa chủ yếu dựa vào yếu tố thời tiết nên 100% hộ làm nghề không sử dụng các loại hóa chất để hãm hoa hay kích thích cho hoa nở. Vì nếu sử dụng, khi cắt cành ra khỏi thân, nụ hoa sẽ hơi có màu tím và không nở được, hoa sẽ quắt lại không căng cánh, tái bông, khách chơi hoa dù không sành cũng dễ dàng nhận thấy”, ông Hải cho hay.
“Đánh bạc với giời”
Cũng là một người dân gốc ở Nhật Tân, ông Nguyễn Xuân Sửu (48 tuổi) cho hay, gia đình đã có nhiều đời trồng đào. Theo ông Sửu, ngoài màu sắc của hoa, đào Nhật Tân còn có những điểm khác biệt so với đào ở những nơi khác nữa là cách chăm sóc và cắt tỉa. Mỗi cây đào thế đều có dáng, có thần thái đạt đến độ tinh xảo. Bởi thế mà mỗi độ xuân về, khách tìm đến Nhật Tân mua, đặt đào ngày một đông. “Người sành chơi đào bao giờ cũng phải đi xem trước 1 tháng, khi đến vườn người chơi sẽ chọn theo ý thích của mình, chứ nếu cận Tết sẽ không còn đào đẹp”, ông Sửu chia sẻ.
Ông Trần Tiến Dũng (55 tuổi, chủ vườn Tiến Dũng) cho biết, với nghề trồng đào này, thu nhập của gia đình ông được khoảng 10 triệu đồng mỗi người/tháng. Tuy nhiên, người Nhật Tân vẫn hay nói vui với nhau, trồng đào cũng như là “đánh bạc với giời”, lúc nào cũng xác định 50/50. Bởi nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đã có những năm, cả làng phải cắt bỏ đào vứt đi bởi hoa nở sớm trước Tết cả tháng trời.
Chia sẻ bí quyết chăm đào, ông Dũng kể, để trồng, chăm sóc một cây đào để cận Tết nở hoa, cũng rất vất vả và nhiều công phu tỉ mỉ. Vì vậy, người trồng đào phải yêu nghề, có tâm với nghề mới thành công.
Để trồng được một gốc đào to, đẹp diện tích đất cũng phải rất rộng.
Đầu tiên là phải tìm gốc, uốn gốc, sau đó sẽ ghép mắt đào. Khi ghép mắt đào nên chọn tiết xuân, khoảng tháng 2, tháng 3, mắt đào mới khỏe. Ghép xong, nếu thành công thì khoảng 15 ngày sau mắt sẽ đâm chồi. Việc này đòi hỏi rất công phu, bởi có khi mắt đào lúc đầu ghép rất đẹp, nhưng thân đào kém nên về sau nụ không bật được coi như hỏng.
Tiếp đó, người trồng phải chịu khó thăm nom thường xuyên, biết được khả năng phát triển của cây. Nhưng nếu chăm kỹ quá có khi đào lại hỏng bởi cây dễ bị úng nước. “Mỗi nhà đều có bí quyết riêng, nhưng đã là đào Nhật Tân thì yên tâm về độ sành chơi!”, ông Dũng tự hào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận