Xuồng đưa đoàn công tác và đồ tiếp tế vào hải đăng Đá Tây |
Vượt 1.300 hải lý (tương đương khoảng 2.400km), chúng tôi đến thăm 13 ngọn hải đăng (trên 9 đảo và 4 nhà giàn DK1) ở Trường Sa. Những ngày ăn ở cùng các công nhân vận hành đèn biển, chúng tôi cảm nhận được phần nào những gian khổ, hy sinh thầm lặng của những người bảo vệ an toàn hàng hải và góp phần giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài 1: Vượt khó, bám biển đốt đèn giữa trùng khơi
Công nhân làm việc trên các đảo đèn thiếu thốn đủ bề, vào mùa khô, thiếu nước ngọt trầm trọng, các anh chi li từng gáo nước trong sinh hoạt. Tuy nhiên, điều đó chưa thấm tháp bằng nỗi nhớ nhà da diết... được các công nhân đèn biển khỏa lấp bằng những việc làm hết sức bình dị: Trồng và chăm sóc rau xanh.
Trạm trưởng Trịnh Văn Nguyên ôm đàn say sưa hát |
Hát vang trên hải đăng Đá Tây
Sau hai ngày hành hải với tốc độ trung bình khoảng 6,7 hải lý/h, lúc 8h sáng 25/4, tàu Hải Đăng 05 đã đưa đoàn chúng tôi đến đảo Đá Tây và thả neo ở cách xa hòn đảo khoảng 1 hải lý. Từ bờ biển Vũng Tàu tới đây, chúng tôi đã vượt khoảng 300 hải lý (tương đương hơn 555km). Đây là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình đi tiếp tế 13 trạm hải đăng Trường Sa.
Đá Tây là đảo chìm với 3 điểm đảo A, B, C được xây dựng trên vùng nước nông.
Gọi là đảo đèn, nhưng nền của ngọn hải đăng nơi đây chỉ cách mép nước vài chục centimet. Một căn nhà khung sắt rộng chừng 10m2 là nơi ăn uống, sinh hoạt của các công nhân canh hải đăng Đá Tây. Nhà chật, các công nhân nhà đèn phải đứng nhường chỗ ngồi cho khách. Trong niềm vui được đón những vị khách đặc biệt từ đất liền ra thăm, Trạm trưởng Trịnh Văn Nguyên (SN 1970, quê hải Phòng) ôm đàn hát bài Thuyền và biển. Những vị khách cũng đáp lại bằng: Mắt biển, Gần lắm Trường Sa… với niềm xúc động dạt dào. Chúng tôi hát mà khóe mắt ai cũng cay cay!
Trong chuyến công tác này, đoàn kiểm tra của Tổng công ty BĐATHH miền Nam đã thống nhất việc đề xuất tiến hành sửa chữa lớn, nâng cấp toàn bộ công trình hải đăng Đá Tây. Trong đó, có hạng mục như: Xây thêm bể chứa nước ngọt, bổ sung hạng mục sửa chữa nhà vệ sinh. Ngoài ra, sẽ xây dựng phương án lắp cầu phao nổi để thuận tiện cho canô tiếp cận… Hải đăng Đá Lát hiện hữu do Viện Nghiên cứu thiết kế cơ khí GTVT thiết kế và thi công. Theo thông tin từ Tổng công ty BĐATHH miền Nam, dự án xây hải đăng thay thế đang được Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN thẩm định và phê duyệt. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2018, hoàn thành trong năm 2019. |
Hải đăng Đá Tây được xây dựng từ hàng chục năm trước, đến nay lớp sơn của toàn bộ công trình đã bị bong tróc. Quan sát nhà đèn, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều vết nứt tại các cột, trần nhà, một số vị trí có hiện tượng ngấm nước, nhà vệ sinh không còn sử dụng được, dung tích bể nước sinh hoạt rất nhỏ…
Anh Trịnh Văn Nguyên cho hay, vì nền tầng dưới thấp nên mùa sóng gió, nước biển thường xuyên tràn vào nhà. Vào mùa khô, các công nhân trạm đèn thiếu nước ngọt trầm trọng. Bởi vậy, các anh chi li từng gáo nước trong sinh hoạt. Tắm giặt thì xuống biển, chỉ dội lại nước ngọt qua loa. Ngay như nước thải sinh hoạt, các anh cũng phải hứng lại để tưới rau. Tiết kiệm là vậy, nhưng không hiếm lần “đứt bữa” phải chạy xuồng đến bộ đội xin nước ngọt.
Khi chúng tôi hỏi chuyện nhà vệ sinh không dùng được, các anh sống thế nào? Anh Nguyên chỉ cười gượng và “đánh lạc hướng” bằng việc dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau. Sau này, trên hành trình, chúng tôi tình cờ nghe “lỏm” được câu chuyện thú vị liên quan đến cái nhà vệ sinh ở hải đăng Đá Tây. Đó là, một lần, một đoàn công tác có cả những phụ nữ ghé thăm hải đăng này. Quá “mót” đi vệ sinh, một chị đành phải lội biển rồi ngồi sụp xuống nước, mặc cho những ánh mắt của nhiều nam giới đang nhìn về phía mình…
Để cải thiện đời sống, những công nhân Đá Tây đã tận dụng góc khuất ở tầng trên của trạm đèn để trồng rau. Nguyên liệu và hạt giống thì được tàu Hải Đăng 05 mang từ đất liền ra. Các anh đổ đất vào các ô được ngăn bằng gạch ống, phủ nilon kín mít để ngăn nước biển, ngăn không khí mặn xâm hại. Nhờ được dày công chăm sóc mỗi ngày, các luống cải bẹ, xà lách, bầu đất, rau muống… nơi đây xanh non mơn mởn.
“Cá tôm có thể đi kiếm để cải thiện bữa ăn, nhưng anh em thường thiếu rau xanh. Mỗi lần tàu ra, lượng rau, củ, quả chỉ dùng được trong một thời gian ngắn vì việc bảo quản rất khó khăn. Hơn nữa, được chăm sóc những luống rau, chúng tôi như có cảm giác ở đất liền, đỡ nhớ nhà hơn”, anh Phạm Ngọc Quý, công nhân hải đăng Đá Tây chia sẻ.
Anh Quý cũng cho hay, trạm hải đăng này tọa lạc trên đảo chìm ngay sát mép nước, xung quanh là biển cả nên thường xuyên chịu sóng gió khắc nhiệt, có rất ít những ngày bình yên. Dù được trang bị tủ sách, báo, có ti vi, dàn máy karaoke để giải trí nhưng khó khỏa lấp được nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Những lúc như thế, anh và các đồng nghiệp thường gọi điện về cốt là được nghe giọng nói của người thân, động viên vợ, nhắc nhở các con chăm chỉ học hành…
“Dù khó khăn, gian khổ thế nào thì anh em công nhân trạm đèn Đá Tây vẫn luôn đồng cam cộng khổ để vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, anh Trịnh Văn Nguyên khẳng định.
Công nhân hải đăng Đá Lát chăm sóc vườn rau |
Thót tim trên đỉnh đèn Đá Lát
Chiều 27/4, rời Đá Tây, tàu Hải Đăng 05 đưa chúng tôi đến đảo Đá Lát sau gần 2,5 giờ vượt 15 hải lý (gần 28km), tàu chúng tôi thả neo cách hải đăng Đá Lát chừng 1,5 hải lý, chuẩn bị tiếp tế hải đăng này…
Anh Nguyễn Văn Tâm, cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo (thuộc Tổng công ty BĐATHH miền Nam) cho biết, hải đăng Đá Lát được xây dựng năm 1994, cao 42m. Khu vực đảo Đá Lát có rạn san hô trải dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, trên vùng diện tích rộng gần 10km2. Ngọn hải đăng nằm cách đơn vị hải quân gần 1 hải lý, được xây trên rạn san hô nên khi tiếp tế, tàu phải neo đậu ở ngoài và dùng xuồng máy để trung chuyển người, hàng hóa, thiết bị…
Lại gần trạm đèn, chúng tôi bất ngờ vì sự xuống cấp, từ chân đến ngọn hải đăng bị gỉ đỏ. Nền của nhà đèn ngay sát mép nước nên mỗi khi có con sóng vỗ mạnh là nước lùa qua. Để khắc phục thiếu rau xanh, các công nhân đã dùng nhiều cọc gỗ, cọc thép gia cố thành một khu “vườn treo” để trồng rau.
Anh Đỗ Trường Xuân, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đá Lát cho biết, ở đây cái gì cũng thiếu, đặc biệt là rau xanh và nước ngọt. Nhưng nỗi lo lớn nhất là sự xuống cấp của toàn bộ công trình. “Vì nhiệm vụ thiêng liêng, chúng tôi sẵn sàng đối mặt với khó khăn, gian khổ để bảo đảm cho ánh sáng đèn vận hành 24/24h. Nhưng chúng tôi rất lo công trình xuống cấp nếu không được kịp thời sửa chữa”, anh Xuân trăn trở.
Từ khu phòng ở của các công nhân nhà đèn, chúng tôi phải rón rén leo cầu thang lên sân thượng, bởi nhiều chỗ lan can không còn, bê tông bị nứt, vỡ để lộ ra những cốt sắt đã gỉ mục. Từ sân thượng lên tới đỉnh đèn cao gần 30m có các cột sắt và thanh giằng. Tất thảy đều đã hoen gỉ, nhiều đoạn bị mục rỗng, công nhân nhà đèn phải dùng nhiều thanh gỗ “bó bột”… Chờ anh Nguyễn Minh Thành, nhân viên Công ty Thiết bị báo hiệu hàng hải miền Nam lên kiểm tra thiết bị xuống, tôi xin được leo lên đỉnh đèn để “thực mục sở thị”. Mỗi bước lên cao, tôi càng cảm nhận rõ sự rung lắc của tháp đèn. Lên đến lưng chừng thì gió rít làm khối sắt gỉ mục rung lắc liên hồi.
Anh Nguyễn Công Chính (SN 1975, quê Tiền Hải, Thái Bình) cho biết, anh có thâm niên 7 năm làm công nhân canh đèn biển, từng công tác ở nhiều hải đăng trên quần đảo Trường Sa nhưng không nơi đâu hạ tầng xuống cấp như hải đăng Đá Lát. Trạm đã quá nát mà sóng gió quá nhiều. Đêm đêm gió thổi mạnh, các anh nằm nhưng không dám ngủ…
Trong chuyến đi này, đoàn công tác của Tổng công ty BĐATHH miền Nam ghi nhận sự xuống cấp và thống nhất, cần có phương án cấp thiết để bảo đảm an toàn tính mạng cho các công nhân trạm đèn Đá Lát. Theo đó, phương án đưa ra khả thi nhất là trong khi chờ xây đèn mới, sẽ di dời toàn bộ công nhân sang bộ đội.
“Trong khi chờ xây dựng đèn mới, chúng ta nên nhờ đơn vị Hải quân hỗ trợ, cho toàn bộ công nhân rút về bên đó trước mùa mưa bão. Phải triển khai phương án ngay, không để anh em gặp nguy hiểm”, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận