Thời sự Quốc tế

Giữa lúc căng thẳng, Mỹ điều trinh sát cơ "Thần Biển" ra Eo biển Đài Loan

25/06/2022, 08:37

Mỹ điều một trinh sát cơ bay qua Eo biển Đài Loan, chứng minh cam kết Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Ngày 24/6, hãng tin Sputnik dẫn thông tin từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) cho biết, trinh sát cơ P-8A Poseidon (Thần Biển) của Hải quân Mỹ đã bay dọc Eo biển Đài Loan để chứng minh cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Thông báo nêu rõ: “Mỹ sẽ tiếp tục đưa máy bay, tàu hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm Eo biển Đài Loan. Qua việc hoạt động trong Eo biển Đài Loan theo luật pháp quốc tế, Mỹ sẽ nâng cao quyền hàng hải và tự do của tất cả các quốc gia trong khu vực”.

Trung Quốc chưa chính thức phản ứng trước thông tin trên.

img

Ảnh minh hoạ trinh sát cơ P-8A Poseidon

Eo biển Đài Loan ngăn cách Trung Quốc đại lục với đảo Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần của nước này và tuyên bố sẽ thống nhất bằng mọi cách kể cả sử dụng vũ lực.

Mỹ đã công nhận tính hợp pháp của Chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh vào năm 1979, đồng thuận với chính sách “Một Trung Quốc” nhưng vẫn tiếp tục hậu thuẫn Đài Loan qua các kênh không chính thức.

Đầu tháng này, vấn đề Đài Loan lại gây nên làn sóng tranh cãi gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố: Eo biển Đài Loan là tuyến đường biển quốc tế, đồng nghĩa Eo biển Đài Loan là khu vực biển các phương tiện có thể tự do đi lại theo luật pháp quốc tế.

Ông Ned Price nói thêm, thế giới có lợi ích ràng buộc trong việc duy trì hoà bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan. Chúng tôi coi đây là trọng tâm đối với an ninh, thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Đài Loan là một phần không thể xâm phạm của lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với Eo biển Đài Loan”.

Ông Uông cho rằng: "Việc một số quốc gia gọi Eo biển Đài Loan là “vùng biển quốc tế”, tìm cái cớ thao túng một số vấn đề liên quan tới Đài Loan, đe doạ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, là hành vi sai lầm. Chúng tôi kiên quyết phản đối”.

Vài năm gần đây, Mỹ đã tăng cường đáng kể hoạt động của máy bay do thám và trinh sát cơ như Poseidon trên các vùng biển như Biển Hoa Đông, Biển Đông. Poseidon là một phiên bản của máy bay Boeing 737, có thể mang theo một số radar, thiết bị giám sát phát hiện tàu thuyền trên mặt nước và phương tiện ngầm, chở theo nhiều loại vũ khí có thể huỷ diệt các phương tiện này.

Đầu tháng 6, hoạt động của Poisedon P-8A trên Biển Đông cũng là vấn đề khiến Australia và Trung Quốc tranh cãi, chỉ trích lẫn nhau.

Bộ Quốc phòng Australia cáo buộc tiêm kích J-16 Trung Quốc bay cắt mặt trinh sát cơ P-8A của không quân Australia ở khoảng cách rất gần khi phương tiện này hoạt động trên Biển Đông ngày 26/5.

Theo thông tin từ Australia, tiêm kích J-16 đã phóng mồi bẫy gây nhiễu gồm nhiều sợi nhôm mảnh. Chiếc P-8A đã hút phải số sợi nhôm này vào động cơ và phải quay về căn cứ.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nói rằng máy bay P-8A Australia đã đến gần cái mà Trung Quốc tự nhận là "không phận" tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ông Đàm nói rằng lực lượng Trung Quốc "đã phát cảnh báo để xua đuổi" máy bay Australia.

Song, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định sự việc xảy ra ở không phận quốc tế trên Biển Đông.

Liên quan tới sự việc này, trong cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và những quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO)".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi các bên "không làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế".

"Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", bà Hằng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.