Mất quá nhiều thời gian để tăng cường sản xuất vũ khí
Trong cuộc phỏng vấn với The Kiev Independent cuối tháng 12, ông Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine hy vọng Ukraine sẽ nhận được nhiều hơn nữa viện trợ tài chính và quân sự từ các nước đồng minh, bao gồm Mỹ và EU.
Tuy nhiên, ông hoài nghi về khả năng mở rộng sản xuất; quân sự của những nước này.
Ngoại trưởng Ukraine cho rằng, châu Âu không biết cách tiến hành chiến tranh và ngành công nghiệp vũ khí tại châu Âu không phải là ngành nổi trội nhất.
“Thật không may những người bạn của chúng ta dành quá nhiều thời gian cân nhắc về cách thức và thời điểm mở rộng sản xuất vũ khí”, Ngoại trưởng Ukraine nói.
"Châu Âu rõ ràng có lợi thế về công nghệ, nhưng vấn đề là phải mở rộng quy mô sản xuất với công nghệ đó. Sẽ là không đủ cho Ukraine nếu tình hình sản xuất quân sự không thay đổi, và Nga sẽ đi trước chúng tôi", Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine nói.
Theo ông Kuleba, Nga đã đẩy mạnh ngành công nghiệp quốc phòng lên mức cao nhất, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông chỉ trích phương Tây vì "chủ nghĩa bảo hộ" nên cản trở các hoạt động sản xuất quân sự.
"Giải pháp là phải tạo ra mối liên kết nhất định giữa tất cả các ngành công nghiệp quốc phòng của EU, Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng quan điểm, tạo ra chỉnh thể hoạt động thống nhất", ông Kuleba nói nhưng thừa nhận điều này hết sức khó khăn do lo ngại về sở hữu trí tuệ và an ninh.
EU, Mỹ chật vật tìm nguồn viện trợ cho Ukraine
Ngoại trưởng Ukraine đưa ra bình luận trên giữa lúc chính phủ Hoa Kỳ cạn kiệt nguồn tài trợ và chỉ có thể dành cho Ukraine gói viện trợ cuối cùng trị giá 250 triệu USD mà không cần thông qua Quốc hội.
Từ đầu chiến dịch quân sự tới nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine nhưng sau khi đảng Cộng hòa nắm quyền Hạ viện, Mỹ chưa phê duyệt bất kỳ khoản viện trợ mới.
Tổng thống Biden đã yêu cầu thêm 61 tỷ USD cho Ukraine, nhưng đảng Cộng hòa vẫn phủ quyết với lý do cần phải thắt chặt an ninh biên giới với Mexico.
Đối mặt với sự phản đối từ Quốc hội, Nhà Trắng đã cố gắng viện trợ thêm cho Ukraine dưới dạng chương trình hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và tạo việc làm, nhưng không thành.
Washington cũng thúc đẩy xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng tại Ukraine, bất chấp mối đe dọa từ các cuộc tấn công giữa tâm điểm xung đột.
Trong khi đó, viện trợ quân sự cho Ukraine giảm dần khi kho vũ khí của các quốc gia phương Tây ủng hộ Kiev bắt đầu cạn kiệt.
Về phía EU, hồi tháng 3, EU không thể tăng cường sản xuất quốc phòng để cung cấp 1 triệu viên đạn cho Ukraine. Một số nước thành viên EU như Hungary cũng đã phủ quyết gói viện trợ 55 tỷ USD cho Ukraine vào đầu tháng 12.
Ukraine và NATO đã nhiều lần cảnh báo về việc cấp thiết tăng cường sản xuất vũ khí để đối phó với Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Thực tế, EU đã gửi cho Kiev ít nhất gần 30 tỷ USD kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng vào tháng 2/2022.
Tháng 10 vừa qua, khi kho dự trữ đạn dược của NATO bắt đầu cạn kiệt, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Aleksandr Kamyshin đã bày tỏ quan ngại rằng, “tất cả năng lực trên toàn thế giới” để sản xuất vũ khí và đạn dược sẽ không thể đáp ứng nhu cầu quân sự của Ukraine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận