Hạ tầng

Giữa năm 2020 làm xong đường trên cao Mai Dịch - cầu Thăng Long

05/01/2018, 07:27

Dự án cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 TP.Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng.

15

Cầu cạn khi đưa vào khai thác được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc cho tuyến đường Phạm Văn Đồng (Trong ảnh: Người dân leo lên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng để di chuyển vào giờ cao điểm) - Ảnh: K.Linh

Xóa điểm đen ùn tắc cửa ngõ Thủ đô

Án ngữ ngay cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng) giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối trung tâm TP Hà Nội với sân bay Nội Bài. Được khai thác với bốn làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp, bề rộng mặt đường trung bình khoảng 24,7m. Tuy nhiên, với sự gia tăng đột biến lượng phương tiện trong những năm qua, tuyến đường Phạm Văn Đồng đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là các khung giờ cao điểm, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người tham gia giao thông. Cảnh tượng hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau, nhích từng đoạn một trong nhiều giờ đồng hồ diễn ra hàng ngày đã quá quen thuộc với mỗi chủ phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Đường vành đai 3, TP Hà Nội có chiều dài khoảng 65km, kết nối cầu Thăng Long - Mai Dịch - Thanh Xuân - Bắc Linh Đàm - Pháp Vân - cầu Thanh Trì - Sài Đồng - cầu Phù Đổng - Ninh Hiệp - Đông Anh - Nam Hồng - đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Tuyến đường này có vai trò rất quan trọng trong hệ thống giao thông của TP Hà Nội và các khu vực phụ cận, tuyến đường vừa phục vụ giao thông nội đô, giao thông liên vùng, vừa kết nối các đường giao thông huyết mạch như: QL1, QL5, QL18, cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, cao tốc Láng - Hòa Lạc, cao tốc Thăng Long - Nội Bài, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội.

Để xóa điểm đen ùn tắc này, ngay từ đầu năm 2012, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 353 cho phép lập dự án đầu tư công trình xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3, TP Hà Nội và giao Ban QLDA Thăng Long thực hiện. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đến nay, các thủ tục để triển khai dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã hoàn thành, đáp ứng các điều kiện để triển khai thi công đúng quy định của dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Theo đó, dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng, gồm: Hơn 4.523 tỷ đồng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và gần 820 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

“Đây là công trình có quy mô lớn và mang nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình hữu nghị, hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ kết nối liên hoàn với đường vành đai 3 trên cao từ Linh Đàm - Mai Dịch đến cầu Thăng Long, kết nối giao thông từ nội đô đi sân bay Nội Bài và liên kết các khu công nghiệp lớn của Hà Nội, kết nối các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc qua bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát về phía Nam để vận chuyển lượng lớn hành khách, hàng hóa giữa khu vực Bắc và Nam sông Hồng”, ông Roãn nói.

Cũng theo ông Roãn, việc xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long còn góp phần quan trọng phát triển hạ tầng giao thông và giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như: Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn...

Hoàn thành thi công trong 28 tháng

Ông Phạm Anh Tú, Trưởng phòng QLDA1 (PMU Thăng Long) cho biết, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được xây dựng dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng mở rộng. Điểm đầu Km 0+130, phía bắc cầu vượt Mai Dịch; điểm cuối Km 5+497,72, phía Nam cầu Thăng Long. Dự án có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,60m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4m. Về quy mô, dự án được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h.

Cũng theo ông Tú, dự án được chia thành hai gói thầu thi công xây lắp. Trong đó, gói thầu số 1 - xây dựng đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế (Km 0+130 - Km 2+812,50) do Liên danh Sumitomo Mitsui Construction Co., Ltd và Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 thi công, thời gian hoàn thành hợp đồng 28 tháng. Gói thầu số 2 - Xây dựng đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long (Km 2+812,50 - Km 5+497,72) do Liên danh Tokyu Construction Co., Ltd và Taisei Corporation thi công, thời gian hoàn thành hợp đồng 28 tháng.

“Ngay sau khi tổ chức triển khai xây dựng, với vai trò là đại diện chủ đầu tư, Ban QLDA Thăng Long sẽ yêu cầu các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để triển khai thi công dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, mỹ thuật, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn liên danh các nhà thầu thường xuyên chủ động trao đổi công việc để có những giải pháp kịp thời, sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác, góp phần giải tỏa ách tắc, phục vụ việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, an toàn hơn”, ông Tú chia sẻ.

Cần phải nói thêm, PMU Thăng Long hiện đang là một trong những Ban QLDA có quy mô lớn, có năng lực và kinh nghiệm nhất của Bộ GTVT trong công tác quản lý, triển khai các dự án giao thông sử dụng nguồn vốn ODA. Trước đó, đơn vị này cũng được Bộ GTVT “chọn mặt gửi vàng” khi được giao nhiệm vụ làm đại diện chủ đầu tư của dự án đường vành đai 3 giai đoạn 2 (đoạn Mai Dịch - Bắc Linh Đàm) đã hoàn thành thông xe và đưa vào khai thác từ cuối năm 2012, góp phần rất lớn trong việc giải tỏa ách tắc cho giao thông Thủ đô từ cầu Thanh Trì đến nút giao Mai Dịch…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.