Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Kế |
Gia cảnh khốn khó
Đã 3 đêm rồi, ông Kế không ngủ vì quá xúc động khi gặp được người thân, bạn bè sau gần 40 năm xa cách. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy, ông không giấu nỗi lo âu muộn phiền khi nghĩ đến cuộc sống những ngày tiếp theo.
Ông Kế tâm sự: “Không thể tả được cảm xúc khi được sum họp người thân, được sống dưới mái nhà thân thuộc, trong tình cảm gia đình, làng xóm. Nhưng khổ nỗi cứ nghĩ đến mẹ, tôi không khỏi lo âu, nay mai không một đồng tiền bát gạo thì hai mẹ con sẽ sống thế nào. Tôi chưa tính được phải làm để mưu sinh, để không trở thành gánh nặng cho mẹ, cho anh em họ hàng”.
Được biết, gia đình ông Kế thuộc diện vô cùng khó khăn ở địa phương. Sinh ra trong gia đình có 7 anh em, ông Kế là con đầu, nhưng khi vừa lớn lên ông đã nhập ngũ rồi mất tích cho đến nay. Sau khi chồng mất, một mình bà Hẩy (mẹ ông Kế) phải lam lũ nuôi các con lớn khôn nên người. Hoàn cảnh bi đát hơn khi người em trai sau ông Kế lại là thương binh hạng B, cô em gái út cũng bị kẻ xấu lừa bán đi Trung Quốc và mất tích đã lâu.
Suốt nhiều năm qua, bà Hẩy, mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn phải lam lũ đồng ruộng kiếm bữa cháo, bữa rau qua ngày.
Nhìn cậu con trai bao nhiêu năm xa cách trở về, cụ Hẩy thấy vừa mừng vừa đau đớn. Mỗi khi nghe con kể về tháng ngày lam lũ nơi đất khách quê người, lòng cụ lại quặn thắt từng cơn. “Bây giờ nó về ở với tôi rồi. Nhưng thương con chẳng biết làm gì hơn ngoài những lời động viên. Giờ tôi già, tuổi cao sức yếu cũng chẳng làm được gì để giúp con. Nó đi từ đó cho đến nay nên chẳng có vợ con gì, nghĩ cũng tội thân cho con”, cụ Hẩy nghẹn ngào tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Chính (hàng xóm) chia sẻ: “Nhìn anh ấy trở về, chúng tôi vui lắm, nhưng hoàn cảnh gia đình của anh ấy cũng rất khó khăn. Cũng vì khó khăn mà suốt từng ấy năm gia đình không có tiền để đi tìm hài cốt. Mong sao anh ấy sớm bắt nhịp với cuộc sống, làm lại từ đầu để mẹ con được yên vui những ngày tháng còn lại”.
Nghĩ về những tháng ngày tiếp theo, ông Kế tỏ rau buồn, lo lắng |
Mong sớm bắt nhịp cuộc sống
Sáng 4/10, sau 3 ngày từ khi ông Kế trở về, đại diện chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi động viên, đồng thời hỗ trợ gia đình 50kg gạo và nhiều vật dụng cá nhân. Đây là giải pháp trước mắt để giúp ông Kế có điều kiện hòa nhập, sinh hoạt, sớm bắt nhịp trở lại với cuộc sống. Ngoài ra, ông Kế cũng được người thân trong gia đình dạy cách nhận biết các mệnh giá của tờ tiền Việt vì 39 năm qua ông không hề tiếp xúc với tiền Việt.
Trao đổi với PV Báo Giao Thông, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Quảng Xương cho biết: “Huyện đã nhận được thông báo từ lãnh đạo xã Quảng Tân. Trước mắt, huyện tham mưu cho lãnh đạo địa phương sớm hoàn tất các thủ tục để có hướng xử lý đối với trường hợp của ông Kế. Việc đầu tiên, đó là phối hợp với cơ quan công an xác minh con người, nhân thân, gia đình, kiểm tra các giấy tờ tùy thân liên quan. Sau đó báo cáo lên huyện để cùng tìm hướng giải quyết”.
“Sau khi xác minh cụ thể, nếu còn giấy tờ liên quan sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng làm chế độ thương bệnh binh cho ông Kế. Huyện cũng hướng dẫn lãnh đạo xã làm việc này sớm nhất có thể”, bà Thu thông tin thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận