Lo ngại trước đợt bùng phát dịch Covid-19 trong thời gian gần đây tại Trung Quốc và thiếu dữ liệu chính thức về tình hình lây lan virus tại Trung Quốc, một số quốc gia trên thế giới bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản đã yêu cầu xét nghiệm Covid-19 hoặc chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính với du khách từ Trung Quốc.
Các quốc gia đưa ra quy định trên sau khi Trung Quốc thông báo mở lại biên giới từ ngày 8/1/2023 sau 3 năm đóng cửa biên giới, thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bỏ yêu cầu cách ly đối với du khách nội địa từ ngày 8/1, chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48h trước khi khởi hành.
Trước phản ứng trên từ một số quốc gia, ngày 29/12, Thời báo Hoàn cầu - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài viết chỉ trích những biện pháp giới hạn trên là "không có cơ sở", “phân biệt đối xử” với ý định phá hoại nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 suốt 3 năm qua của Trung Quốc cũng như tấn công hệ thống của quốc gia này.
Sân bay tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh - EPA-EFE
Ngày 29/12, Italy kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu siết chặt quy định kiểm dịch Covid-19 đối với du khách từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha cho biết chưa thấy cần thiết phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới trong khi Áo nhấn mạnh lợi ích kinh tế khi du khách Trung Quốc quay trở lại châu Âu. Theo thống kê, chi tiêu trên toàn cầu của du khách Trung Quốc trị giá hơn 250 tỷ USD/năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Mỹ đã nêu quan ngại về thiếu dữ liệu chính thức về tình hình lây lan virus tại Trung Quốc và số ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở Trung Quốc có thể dẫn đến sự phát triển các biến thể mới của virus.
Phản hồi trước việc Mỹ và Nhật Bản siết quy định kiểm dịch Covid-19 với du khách từ Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh tin tưởng rằng biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 của các quốc gia nên dựa trên dữ liệu khoa học và nên được áp dụng như nhau với người dân từ tất cả quốc gia trên thế giới mà không gây ảnh hưởng tới hoạt động đi lại bình thường, hợp tác và trao đổi giữa người với người.
Ông Uông hy vọng tất cả quốc gia trên thế giới thực hiện cách tiếp cận dựa trên khoa học trong công tác ứng phó với dịch Covid-19, hợp tác nhằm đảm bảo hoạt động đi lại xuyên biên giới an toàn, duy trì ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, đóng góp vào tinh thần đoàn kết quốc tế trong công tác chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch.
Phản hồi trước lo ngại của một số quốc gia về việc đợt bùng phát dịch gần đây có thể dẫn tới phát triển các biến thể mới của virus tại Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một chuyên gia tham gia công tác theo dõi biến thể virus corona tại Trung Quốc cho biết dù quốc gia này đã ngừng công bố số ca mắc Covid-19 hàng ngày nhưng các nhà khoa học không hề dừng theo dõi sự lây lan của các biến thể virus tại Trung Quốc và không để xảy ra tình trạng xuất hiện biến thể mới mà không được báo cáo.
Chuyên gia giấu tên cho biết bệnh viện tại Trung Quốc thu thập mẫu bệnh phẩm từ các ca mắc Covid-19 có triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng rồi chuyển cho Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc. “Trong những tuần gần đây, chúng tôi đã theo dõi hàng nghìn mẫu bệnh phẩm nhưng không phát hiện biến thể Delta hay bất cứ biến thể mới nào”, chuyên gia cho hay.
“Trung Quốc, cũng như những khu vực khác trên thế giới, đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, nếu chúng tôi phát hiện biến thể virus mới, thì không có lý do gì chúng tôi lại che giấu và không cảnh báo cộng đồng”, chuyên gia cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận