Quản lý

Gỡ khó cấp GPLX ô tô cho người khuyết tật

17/07/2017, 09:31

Việc đào tạo cấp GPLX ô tô số tự động hạng B1 cho người khuyết tật, nhiều địa phương cho rằng còn vướng mắc...

20

Người khuyết tật có cơ hội được cấp GPLX nếu sức khỏe đảm bảo - Ảnh: Tạ Tôn

Sức khỏe tốt sẽ được cấp GPLX hạng B1

Anh Đoàn Công Mạnh (35 tuổi, Hà Nội) nguyên là vận động viên khuyết tật tham dự Para Games 2011. Anh bị khuyết tật bên tay phải nhưng thuộc diện nhẹ. Sau quá trình nỗ lực phấn đấu, anh Mạnh đã mua được ô tô riêng để tiện đi lại. “Thế nhưng, mỗi khi lái ô tô ra đường thấy CSGT là tôi lại sợ, tìm cách né tránh vì không có bằng lái”, anh Mạnh nói và cho biết, mong ước bấy lâu của anh sắp trở thành hiện thực khi anh được được Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô thông báo nhập học sau khi nhận định anh Mạnh đủ điều kiện học và sử dụng xe ô tô số tự động. Dự kiến vào tháng 9 tới anh Mạnh sẽ được nhận GPLX.

"Trước mắt, Tổng cục Đường bộ VN khuyến khích đào tạo, cấp GPLX cho người khuyết tật theo hướng: Những người tàn tật phù hợp với xe sát hạch hiện có của trung tâm, nghĩa là họ vẫn còn tay phải, chân phải, vào số, đạp được chân ga, chân phanh đào tạo, cấp GPLX bình thường, miễn là người khuyết tật đủ sức khỏe theo Thông tư 24. Đối với những người khuyết tật không phù hợp, bị mất chân phải chẳng hạn nếu có nhu cầu, xe đã được hoán cải phù hợp được cơ quan đăng kiểm cho phép hoạt động thì sử dụng chính xe của họ để đào tạo, sát hạch. Việc sát hạch vẫn phải theo chương trình, quy trình như người bình thường nhưng không phải lắp thiết bị chấm điểm tự động mà sát hạch viên sẽ ngồi trên xe để sát hạch. Sau đó, cấp bằng B1 số tự động dành cho người khuyết tật”.

Ông Nguyễn Thắng Quân
Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ VN

Hiện nay, việc người khuyết tật điều khiển xe máy được cải tiến thành ba bánh và lái ô tô không phải là hiện tượng hiếm. Hầu hết người khuyết tật không được cấp GPLX và tất nhiên họ đang vi phạm pháp luật khi điều khiển phương tiện giao thông. Thông tư 12/2017 được Bộ GTVT ban hành quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ có điểm mới quy định rõ: “Đào tạo để cấp GPLX hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo” đã giải quyết tình trạng này. Như vậy, từ ngày 1/6, người khuyết tật đã có thể được đăng ký học, thi và lấy GPLX.

Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo; Cơ sở đào tạo sử dụng xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của cơ sở đào tạo làm xe tập lái. Đối với người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo, cơ sở đào tạo có thể sử dụng ôtô của người khuyết tật để làm xe tập lái. Ôtô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe. Cũng theo ông Quân, người khuyết tập muốn được tham gia đào tạo, cấp bằng lái xe hạng B1 phải đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe theo quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Là trung tâm đầu tiên đào tạo GPLX cho người khuyết tật, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cho biết, nhiều người khuyết tật vẫn đủ năng lực để lái xe. Tuy nhiên, do không có quy định đặc thù nên chưa trường hợp người khuyết tật nào được đào tạo và cấp bằng. “Việc nới quy định đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho người khuyết tật là điểm mới, tạo điều kiện cho rất nhiều người khuyết tật được tham gia vào các hoạt động bình thường của xã hội, có cơ hội để thay đổi cuộc sống theo hướng tốt hơn”, ông Toản nói.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Dù ủng hộ chủ trương cấp GPLX hạng B1 cho người khuyết tật đủ điều kiện, nhưng các địa phương cũng như cơ sở đào tạo lái xe còn nhiều băn khoăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị riêng tại các trung tâm sát hạch. Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Đình Nghĩa đặt vấn đề, cấp GPLX ôtô cho người khuyết tật thì phương tiện, sân bãi và bài thi cũng phải riêng và phù hợp với điều kiện sức khoẻ của người thi, không phải sân bãi phương tiện bình thường. Ông Nghĩa cũng tỏ ra băn khoăn với việc đào tạo lái xe cho người mất chân phải. Với xe số tự động, hệ thống phanh và ga nằm ở bên phải, trong khi nếu mất chân phải, người lái xe buộc phải sử dụng chân trái có thể sẽ không thuận so với hệ thống.

“Do vậy, với người khuyết tật chân phải khi học lái xe có thể phải đặt những dòng xe được cải tạo phù hợp để bảo đảm quá trình lái xe được an toàn. Tất nhiên, những xe mà người khuyết tật sử dụng để đưa vào thi, cũng phải là xe có đăng ký, đăng kiểm”, ông Nghĩa nói.

Một số trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đang gặp lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể về giáo trình đào tạo, về loại xe đào tạo cho người khuyết tật. Ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề thuộc Công ty Vận tải ô tô số 2 (Hà Nội) cho rằng, chưa có ý định đầu tư phương tiện đặc thù cho học viên là người khuyết tật vì lo lắng sẽ có ít học viên, không đủ bù đắp chi phí. “Chúng tôi giờ đã xã hội hóa, mọi thứ đầu tư đầu vào đều phải tính toán đến hiệu quả. Nếu quá ít người học mà lại bỏ chi phí lớn đầu tư xe, giáo viên chỉ có lỗ. Hơn nữa, trong khi đó, mỗi người khuyết tật lại ở mức độ và hình thức khác nhau, chúng tôi cũng không biết đầu tư xe thế nào cho phù hợp. Ví dụ đối với người bị khuyết chân phải, trong khi chân ga của ô tô đặt ở bên phải thì đòi hỏi phương tiện phải được lắp bộ chuyển đổi chân ga”, ông Đại chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.