Bộ GTVT đang xây dựng khung giá xếp dỡ để đảm bảo lợi ích của cả doanh nghiệp vận tải, cảng biển và chủ hàng - Ảnh: CHP |
Công khai số điện thoại để doanh nghiệp phản ánh
Đây là lần thứ tư Bộ GTVT tổ chức hội nghị đối thoại để hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, hội nghị giúp cơ quan Nhà nước nắm bắt rõ hơn hoạt động của doanh nghiệp, từ đó có cơ chế chính sách phù hợp. “Hôm nay, sẽ dành phần lớn thời gian để chúng tôi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp cũng như các đại biểu. Chúng tôi sẽ giải đáp trực tiếp và cả bằng văn bản”, Thứ trưởng Công thẳng thắn nói khi khai mạc buổi đối thoại.
Ngay sau khi Thứ trưởng Công gợi mở, ông Lê Ngọc Ngọ, Giám đốc Công ty Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam (Thái Bình) phát biểu đi thẳng vào những bất cập của doanh nghiệp để đề nghị Bộ tháo gỡ. Ông Ngọ cho biết, các doanh nghiệp vận tải biển trong quá trình khai thác thường xuyên bị lấy tàu làm kho, nên chủ tàu thiệt hại nặng. Chính vì tình trạng này nên khả năng khai thác của các tàu chuyên tuyến nội địa chỉ đạt hơn 50% - 70% là cùng. Rất lãng phí và các chủ tàu rất khó thu được tiền.
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang, Hội nghị lần này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp trong cả nước. Đến nay, Bộ GTVT đã tổng hợp được 84 câu hỏi và kiến nghị của các doanh nghiệp, bao gồm 30 câu hỏi về những vướng mắc liên quan đến cảng biển và luồng hàng hải, 18 câu hỏi về những vướng mắc liên quan đến nhóm vận tải biển, 21 câu hỏi về những vướng mắc liên quan đến nhóm về giá, phí, lệ phí, 15 câu hỏi về những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính. |
“Tôi kiến nghị cảng có nhiệm vụ xếp dỡ có thể thay mặt chủ tàu để thu tiền chủ hàng lấy tàu làm kho. Vì cảng có đầy đủ phương tiện và cơ sở vật chất để giải phóng tàu”, ông Ngọ nói và cho biết thêm, có những cảng, tàu vào chỉ 1-2km, nhưng cũng phải hoa tiêu, gây phiền hà và cả tăng chi phí cho doanh nghiệp. Cục Hàng hải VN cần nghiên cứu để tàu có thể làm thủ tục điện tử, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Trực tiếp trả lời ông Ngọ, Thứ trưởng Công cho biết, vấn đề chủ hàng không chịu xếp dỡ hàng là quan hệ dân sự. “Nếu cảng nào gây khó khăn, đề nghị anh nói rõ tên cảng để xảy ra tình trạng này để chúng tôi có giải pháp xử lý”, Thứ trưởng Công nói.
Liên quan đến hoa tiêu, theo Thứ trưởng Công, trước đây đã xử lý và sửa đổi Thông tư về hoa tiêu, đưa điều kiện để thuyền trưởng có thể được phép dẫn tàu. Nhưng từ khi Thông tư ra đời, số lần các thuyền trưởng tận dụng điều khoản mới này rất ít. Thủ tục điện tử cũng đã có quy định, nếu cảng nào chưa làm, đề nghị doanh nghiệp nói rõ để có biện pháp xử lý.
“Nếu anh ngại không nói tại hội nghị này, có thể gặp trực tiếp tôi hoặc Cục Hàng hải để phản ánh”, Thứ trưởng Công thẳng thắn và công bố luôn số điện thoại để các doanh nghiệp phản ánh bất cứ lúc nào.
>>> Xem thêm video:
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công giải đáp ý kiến của các doanh nghiệp |
“Chúng ta cứ dìm giá xuống là kéo nhau cùng chết”
Tại cuộc đối thoại, ông Phạm Ngọc Hà, đại diện Công ty CP Vận tải Nhật Việt nêu ý kiến, Công ước STCW 78/2010 sắp có hiệu lực đang yêu cầu tàu biển phải được bố trí sỹ quan điện, thợ điện tùy theo công suất máy. Tuy nhiên, hiện nay rất khó tuyển dụng sỹ quan điện, thợ điện. Trong khi chỉ còn vài tháng nữa là Công ước có hiệu lực. Nếu không tuyển được sẽ phải dừng hoạt động, hoặc phải tuyển thuyền viên nước ngoài. Ông Hà đề nghị Bộ GTVT giải đáp và hỗ trợ.
Trả lời ông Hà, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Cục Hàng hải VN Trần Công Sáng cho biết, từ năm 2012 đến nay mới đào tạo được hơn 600 sỹ quan điện và thợ điện. Các cơ sở đào tạo vẫn đang tiếp tục đào tạo để đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới, ông Sáng cho biết sẽ sửa đổi Thông tư 11 cho phép kéo dài điều kiện thời gian liên quan đến sỹ quan điện.
Một vấn đề khác cũng khá “nóng” tại cuộc đối thoại là cước vận tải biển sụt giảm. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện Công ty CP Vận tải biển VINAPCO nêu: Năm 2016, các doanh nghiệp vận tải biển khó khăn, do giá cước vận tải sụt giảm. Chi phí nhiên liệu chiếm 40%, chi phí xếp dỡ 30% nên doanh nghiệp gặp rất nhiều áp lực. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước kêu năm nào cũng lỗ, xây dựng khung giá cảng biển thường theo hướng tăng. Nhưng nếu cứ tăng nữa các doanh nghiệp vận tải biển sẽ đứng bên bờ vực phá sản. Đề nghị Bộ GTVT xem xét xây dựng khung chi phí giá để áp dụng cho các công ty vận tải biển.
Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Công cho biết, bản thân các doanh nghiệp cảng kêu cũng nhiều, cạnh tranh không lành mạnh nên đưa giá xếp dỡ dưới mức giá thành. Nếu vận tải nội địa giá rẻ, chủ hàng và dân đều được lợi. Giá xếp dỡ quá thấp liên quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu thì chẳng khác gì hại nhau.
“Thực tế, các doanh nghiệp cảng được trả giá xếp dỡ trước đây khoảng 35 USD, chỉ duy nhất cảng Cái Mép - Thị Vải có giá 46 USD. Chúng ta cứ dìm giá xuống là kéo nhau cùng chết, chỉ doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi. Vận tải nội địa phải xem xét phù hợp, nhưng thấp quá cũng không được”, Thứ trưởng Công nói và cho biết, Bộ GTVT đang xây dựng và ban hành khung giá dựa trên cơ sở không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời công khai, minh bạch.
“Giá này để điều tiết vĩ mô, đảm bảo lợi ích của cả doanh nghiệp vận tải, cảng biển và chủ hàng”, Thứ trưởng Công khẳng định và nói: “Với vai trò quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ điều tiết hợp lý nhất. Nhưng thực chất cước vận tải biển là giá thị trường, Bộ GTVT không có thẩm quyền xây dựng. Ở đây vai trò của các hiệp hội rất quan trọng để có tiếng nói chung”.
Thứ trưởng Công cho biết, những kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, Bộ giải đáp trực tiếp tại Hội nghị và tổng hợp trả lời bằng văn bản đăng tải trên Trang thông tin điện tử Bộ GTVT. Còn nếu kiến nghị nào nằm ngoài thẩm quyền của Bộ GTVT, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có những chính sách, giải pháp phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tạo môi trường kinh doanh công bằng nhất cho các doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận