Giao thông

Gỡ khó cho hầm Hải Vân, Đèo Cả thế nào?

30/10/2018, 10:00

Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phương án tài chính...

12

Hầm đường bộ Hải Vân đứng trước nguy cơ đóng hầm vì bị điện lực siết nợ, vỡ phương án tài chính

Hầm Đèo Cả hụt thu, hầm Hải Vân bị điện lực “siết nợ”

Hai hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam đang đứng trước khó khăn lớn về tài chính. Trong khi hầm Đèo Cả hụt thu, càng vận hành càng lỗ thì hầm Hải Vân liên tục bị điện lực Đà Nẵng “siết nợ”…

Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) cho biết, những tháng gần đây, hầm Hải Vân hay nợ đọng tiền điện và nhiều khoản chi khác. Mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Điện lực Liên Chiểu (Đà Nẵng) có văn bản  đề nghị Hamadeco thanh toán dứt điểm số tiền điện nợ kỳ 3 tháng 9, kỳ 1-2-3 tháng 10/2018 với tổng số tiền lên đến gần 2,7 tỷ đồng, đồng thời trả khoản lãi chậm theo quy định. Theo ông Hưởng, đến ngày 5/11, nếu không thanh toán dứt điểm, điện lực sẽ đóng điện, hầm Hải Vân không đảm bảo an toàn khai thác.

Để giải quyết vấn đề này, mới đây, phía chủ đầu tư Đèo Cả vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT thống nhất thực hiện thu phí tại Trạm thu phí hầm Đèo Cả theo mức giá quy định trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã được ký kết. Nếu không, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc tiếp nhận lại dự án Đèo Cả để vận hành khai thác, tránh dự án phải ngừng thu phí dẫn đến việc đóng hầm gây mất an toàn cho người dân.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, từ tháng 1/2016 đến nay, nhà đầu tư đã ứng hơn 315 tỷ đồng cho công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân. Nhưng dự án đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Đến nay, công trình nâng cấp, mở rộng giai đoạn 1 hầm Hải Vân đã hoàn thành hơn một năm với giá trị trên 1.200 tỷ đồng và đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán. Giai đoạn 2 mở rộng hầm Hải Vân 2 cũng thi công hơn 50%...

Tuy nhiên, các phương án tài chính (thu phí hoàn vốn trạm Nam Hải Vân từ tháng 1/2017) chưa triển khai. Trong khi đó, phương án gộp trạm thu phí vào Trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia BOT (trạm Bắc Hải Vân) hiện có mức thu phí không đủ để nhà đầu tư trả nợ gốc và lãi vay của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với phần vốn vay phục vụ sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1. Do đó, càng không thể đảm bảo được kinh phí cho công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến đường đèo Hải Vân…

Trong khi đó, tại công trình hầm đường bộ Đèo Cả, việc thu phí hoàn vốn dự án gặp khó khăn, hụt thu, càng vận hành càng lỗ. Thống kê, từ ngày 1/1 - 1/10, dự án hầm đường bộ Đèo Cả thâm hụt nguồn thu khoảng 65,7 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng hụt 7,3 tỷ đồng. Theo ông Lưu Xuân Thủy, nguyên nhân do dự án đang thu phí theo quy định hiện hành (Thông tư 35/2016 - PV) thấp hơn rất nhiều (từ 8.000 - 88.000 đồng/vé/lượt, tùy nhóm xe) so với mức giá trong phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt, tại Quyết định 3107 ngày 5/10/2016 và Phụ lục hợp đồng 05 ngày 1/8/2017, gây hụt thu, không đảm bảo phương án thu hồi vốn. 

Bộ GTVT và các bộ, ngành đang tháo gỡ vướng mắc

Tìm hiểu của PV, những khó khăn, vướng mắc kéo dài tại các dự án trên đã được Bộ GTVT xác nhận thực trạng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 10167 ngày 11/9/2018.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phương án tài chính của dự án hầm Hải Vân, thu phí hoàn vốn dự án Đèo Cả; Đồng thời, báo cáo Thủ tướng để xử lý những vướng mắc phát sinh theo trình tự quy định.

Cũng theo Thứ trưởng Thọ, trước mắt, với vai trò là chủ đầu tư, phía Đèo Cả phải chủ động, linh hoạt các cơ chế nguồn lực để xử lý. Điển hình, vấn đề nợ đọng tiền điện hầm Hải Vân, bản chất thuộc hợp đồng kinh tế giữa đơn vị vận hành và ngành điện. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm đảm bảo sự vận hành thông suốt, các điều khoản hợp đồng giữa các bên. Trong hợp đồng nguyên tắc với Bộ GTVT về dự án này, chỉ thống nhất tài chính tổng thể, không có điều khoản nào quy định về việc chi trả tiền điện giữa dự án và ngành điện.

PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho biết, việc Bộ GTVT tập trung tháo gỡ mức thu phí cho phương án hoàn vốn dự án hầm đường bộ Đèo Cả là rất cần thiết. Công trình có tổng mức đầu tư lên đến hơn chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức thu phí theo Thông tư 35 hiện hành, đang cào bằng, đánh đồng mức thu phí hoàn vốn giữa những dự án quy mô lớn, đặc biệt về hầm đường bộ với các dự án cầu, đường BOT khác.

Theo ông Chủng, đặc thù đầu tư hầm có suất đầu tư rất lớn, chỉ tính riêng thiết bị trong hầm chiếm đến trên dưới 40% mức đầu tư, quá trình vận hành, khai thác đòi hỏi kinh phí thường xuyên lớn, khác xa với suất đầu tư cầu đường còn lại. “Đây là nút thắt đã được chứng minh ngoài thực tiễn, cần sớm được tháo gỡ hài hòa, hiệu quả”, ông Chủng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.