Đồng Nai, Bình Dương chậm các dự án thành phần
Theo báo cáo mới đây của Sở GTVT TP.HCM về tình hình thực hiện Dự án đường Vành đai 3, UBND TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần. Trong đó, TP.HCM và tỉnh Long An cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.
Dự án đường Vành đai 3 đi qua địa phận TP Thủ Đức (TP.HCM)
Tỉnh Bình Dương và Đồng Nai phê duyệt các dự án thành phần bồi thường hỗ trợ, tái định cư đáp ứng tiến độ. Riêng các dự án thành phần xây dựng phê duyệt chậm so với yêu cầu của Chính phủ. Nguyên nhân được cho là do chậm phê duyệt báo cáo kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường.
Hiện UBND TP.HCM và các tỉnh có dự án vành đai 3 đi qua đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án thành phần. Hiện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai các bước lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các địa phương đã cơ bản hoàn thành thu thập pháp lý, đo đạc kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất cũng như triển khai Thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân. Xây dựng dự thảo chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, thực hiện bố trí tái định cư.
Phấn đấu đến ngày 30/6 sẽ bàn giao 70% mặt bằng để khởi công công trình theo tiến độ Chính phủ yêu cầu.
Sẽ khó về nguồn vật liệu
Theo tính toán, để xây dựng Vành đai 3 TP.HCM cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu, trong đó đất đắp nền cần hơn 1,6 triệu m3, cát đắp nền hơn 7,2 triệu m3, cát xây dựng cần gần 1,5 triệu m3, đá xây dựng 4,4 triệu m3. Trong số này, nguồn cát đắp nền hơn 7,2 triệu m3 được dự báo khó khăn nhất.
Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, kết quả khảo sát làm việc với các địa phương trong vùng cho thấy nguồn vật liệu xây dựng đang khan hiếm, khó đảm bảo cung cấp theo tiến độ thực hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Để giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng đang khan hiếm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực ĐBSCL sớm xem xét, giải quyết các vướng mắc về nguồn đất cát đắp cho dự án.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải chủ trì hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đảm bảo nhà thầu có thể khai thác được ngay.
Đặc biệt là hướng dẫn các địa phương hỗ trợ nhà thầu trong xác định giá bồi thường, thuê đất để khai thác mỏ vật liệu trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Được biết, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,3 km đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án sẽ được chia thành 8 dự án thành phần trên địa phận từng địa phương.
Dự án khi hoàn thành sẽ có quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h, đường song hành 2 bên (đường đô thị 2-3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60km/h.
Dự kiến tiến độ thực hiện dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận