Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chiều qua (24/1) |
Có phương án thay thế nhà thầu không đủ năng lực
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Cienco 1, kiêm Chủ tịch Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng, dự án có 8 gói thầu xây lắp chính. Tổng sản lượng toàn dự án đến nay đạt khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng trên tổng số hơn 5 nghìn tỷ đồng giá trị hợp đồng (tương đương 85,14%).
“Định kỳ hàng quý, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đều tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất lượng công trình. Công tác thí nghiệm kiểm định chất lượng độc lập, phục vụ Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng được tiến hành song song với tiến độ thi công công trình, đảm bảo đủ cơ sở và kịp thời”, ông Hoà nói.
"Dự án cầu Bạch Đằng là 1 trong 3 dự án nối từ Hải Phòng đến Vân Đồn. Trong đó, chậm nhất cuối tháng 2, dự án 20km đường nối từ cầu Bạch Đằng về Bãi Cháy sẽ xong. Đoạn kế tiếp là đường cao tốc nối Hạ Long đi Vân Đồn cũng sẽ hoàn thành trong cuối quý I, đầu quý II/2018. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 2 dự án này có khai thác đồng bộ hay không là phụ thuộc vào cầu Bạch Đằng”. Ông Nguyễn Đức Long |
Lo lắng về tiến độ dự án, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh Vũ Văn Khánh, đại diện chủ đầu tư cho rằng, “căng nhất” là 2 gói thầu số 1 (nhà thầu Phương Thành) và số 8 (nhà thầu Phúc Lộc). Ông Khánh cũng bày tỏ e ngại về việc các nhà đầu tư có thể sẽ chậm nộp khoản tiền 135 tỷ đồng bảo lãnh hụt doanh thu đã ký với ngân hàng. “Nếu không nộp 135 tỷ đồng này, ngân hàng sẽ ngừng cấp vốn cho tất cả 8 nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án”, ông Khánh nói.
Đánh giá về tiến độ 2 gói thầu đang “mắc” này, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho hay, gói thầu 01 (Đường dẫn bờ Quảng Ninh và nút giao đầm Nhà Mạc; Hầm chui; tường chắn hộp và cầu dẫn từ mố M1 đến trụ T10) đang chậm khoảng 60-70 ngày so với mốc 09/2/2018. Nguyên nhân do việc cung cấp vật liệu thi công khó khăn, phụ thuộc vào điều kiện thủy triều trên sông và thiếu thiết bị thi công phần đường. Dự kiến, sẽ hoàn thành gói thầu ngày 30/4/2018. Song, để đáp ứng mốc này, nhà thầu cần bổ sung thêm thiết bị, đẩy nhanh tiến độ tập kết vật liệu, tổ chức thi công 3 ca bù khối lượng bị chậm.
Với gói thầu số 8 (cầu vượt và nút giao cuối tuyến), ông Thành cho biết, đang bị chậm khoảng 80 ngày so với mốc 9/2/2018 chủ yếu do việc thi công không liên tục (thường xuyên dừng thi công), thiếu máy móc, thiết bị. Với khối lượng còn lại, dự kiến sẽ không đáp ứng tiến độ 30/3/2018, phải tiếp điều chỉnh đến ngày 30/4/2018.
“Nhà thầu cần huy động thêm hệ đà giáo, nhân lực, thiết bị thi công bản vượt mương, hoàn thành trước 31/3/2018 để tiếp cận thi công thảm bê tông nhựa cầu dẫn bờ Hải Phòng. Sở GTVT Quảng Ninh, doanh nghiệp dự án cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công của nhà thầu Phúc Lộc, có phương án bổ sung hoặc thay thế bằng nhà thầu khác đủ năng lực, đảm bảo tiến độ thi công”, ông Thành đề nghị.
Hợp long cầu Bạch Đằng trước 1/5
Khẳng định đây là dự án do UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định đầu tư cũng như là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT chỉ tham gia với tư cách cơ quan QLNN về GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là công trình trọng điểm không chỉ của Quảng Ninh mà cả quốc gia. Do đó, cần đặc biệt chú trọng chất lượng công trình ở tất cả các khâu, từ thiết kế, giám sát, thi công, nghiệm thu, tuân thủ nghiêm túc quy trình, quy phạm.
Yêu cầu chậm nhất đến ngày 31/5 phải thông xe kỹ thuật dự án, trước 1/5 phải hợp long cầu, Bộ trưởng cũng chỉ đạo, riêng gói thầu đường về nguyên tắc phải hoàn thành sớm hơn, chậm nhất là 31/3. “Công ty BOT cầu Bạch Đằng, Sở GTVT Quảng Ninh, các bên có liên quan, tư vấn giám sát… cần điều chỉnh lại kế hoạch của từng gói thầu, chi tiết đến từng ngày, giám sát chặt chẽ. Phải xây dựng kế hoạch cho từng hạng mục, mỗi hạng mục có bao nhiêu công việc, công việc có rủi ro gì? Dự phòng thời gian như thế nào để bù tiến độ. Tuyệt đối không để dự án kéo dài”, Bộ trưởng nói và chỉ đạo: Sau khi hợp long, những hạng mục nào liên quan đến an toàn phải triển khai ngay để đảm bảo thông xe là đi lại an toàn.
Liên quan đến vấn đề vốn cho dự án, Bộ trưởng gợi ý 2 phương án. Thứ nhất, thông báo một ngày cụ thể, nếu nhà đầu tư nào không có tiền thì căn cứ vào con số thực tế để điều chỉnh tỷ lệ. “Cần họp HĐQT, có biên bản cam kết chắc chắn để nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền” Bộ trưởng lưu ý.
Phương án 2, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là giữ nguyên tỷ lệ như hiện nay, song Công ty BOT cần quyết định: Cắt khối lượng, cắt hợp đồng. Lấy nghị quyết HĐQT để thực hiện, giao đơn vị khác thực hiện.
Cuối cùng, Bộ trưởng cũng lưu ý các vấn đề liên quan đến an toàn lao động, ATGT cũng như đảm bảo mỹ quan công trình. “Dự án triển khai phải đúng tiến độ, chất lượng, nhưng cũng phải đảm bảo mỹ quan. Đề nghị nghiên cứu lại tổng thể về mỹ quan, chiếu sáng nghệ thuật”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận