Tại Hội nghị triển khai năm học mới 2019-2020 vào sáng 6/8, Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế khi hiện nay một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định. Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số. Hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%, do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Số lượng, chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp; năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn của một số giảng viên còn hạn chế.
Chế độ chính sách đối với nhà giáo chưa tương xứng với loại hình lao động mang tính đặc thù cao trong xã hội. Việc nhà giáo được điều động về các cơ quan quản lý giáo dục không được tiếp tục hưởng phụ cấp ưu đãi khiến việc điều động gặp khó khăn. Chính sách tiền lương đối với đội ngũ, đặc biệt đối với giáo viên mầm non hiện tại không còn phù hợp.
Trong thời gian tới, sẽ bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Cụ thể, Quảng Ngãi có 6 huyện (gồm Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, Nghĩa Hành, Minh Long) trong diện sắp xếp lại. Căn cứ vào tình hình thực tế, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ đã tích cực tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ đồng ý cho 6 huyện nói trên được sử dụng giáo viên hợp đồng. Riêng Hà Nội, tại kỳ họp HĐND đã nêu phương án của UBND Hà Nội đưa ra là xét tuyển hết số giáo viên đã ký hợp đồng, đóng bảo hiểm trên 5 năm rồi mới thi tuyển số giáo viên còn lại
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Hiện tại, Bộ GD&ĐT đã xây dựng được hệ thống dữ liệu về đội ngũ giáo viên cả nước và cần sớm công bố dữ liệu này cho toàn xã hội biết. Dữ liệu này không chỉ giúp các địa phương, ngành GD&ĐT hình dung được đội ngũ giáo viên, tình trạng thừa, thiếu về số lượng, chất lượng để điều chỉnh mà cũng để người dân có thông tin”.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đào tạo sư phạm bứt phá, không chỉ cần nhân lực, vật lực của các cơ sở đào tạo mà còn cần có giải pháp nâng chất lượng đầu vào, vì "đầu vào" thấp thì khó có thể có nguồn giáo viên giỏi trong tương lai.
Việc công bố dữ liệu về giáo viên cũng để các phụ huynh, học sinh nhìn thấy cơ hội việc làm trong tương lai. Ví dụ như hiện nay giáo viên dạy Tiếng Anh, Công nghệ thông tin, Công nghệ đang thiếu.
Điều đó cũng cho thấy cơ hội việc làm nhiều hơn trong tương lai. Việc thông tin công khai là một giải pháp thu hút những người giỏi lựa chọn học sư phạm các ngành thiếu nhân lực này.
Trong năm học 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT tập trung 5 giải pháp trọng tâm:
- Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học;
- Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới;
- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế;
- Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận