Chủ đầu tư và các nhà thầu đang gấp rút thi công đường Hồ Chí Minhqua Tây Nguyênđể hoàn thành kịp trong năm nay - Ảnh: Văn Tư |
Trước tình trạng nhiều dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ do vướng công tác GPMB, nguồn vốn đối ứng cho các dự án có nguy cơ thiếu hụt trầm trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng này.
Vướng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng
Ngày 28/2, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT đã tiến hành cuộc họp kiểm điểm tiến độ và đôn đốc triển khai 31 công trình với tổng mức đầu tư 599.600 tỷ đồng.
Theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT), năm 2014, ngành GTVT đã triển khai thi công 61 dự án, công trình, gồm 6 dự án trọng điểm được khởi công: Luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Đặc biệt, trong năm qua, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 76 công trình, dự án, gồm 7 công trình, dự án trọng điểm: QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một tiểu dự án đường sắt tuyến đường sắt Hạ Long - Cái Lân, cầu Nhật Tân, đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, nhà ga hành khách T2 Nội Bài, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Đề nghị bổ sung7 dự án, công trình trọng điểm Tại cuộc họp, trước kiến nghị của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tán thành việc xem xét bổ sung 7 dự án mới vào danh sách các dự án, công trình trọng điểm do Ban Chỉ đạo Nhà nước trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc. Theo đó, các dự án gồm: Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Bình Lợi, cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông Ngã ba Huế, cầu Cổ Chiên và dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo. |
Đánh giá về tình hình thực hiện, ông Sanh cho biết, các công trình, dự án trọng điểm cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng của Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, hiện tại một số công trình trọng điểm vẫn còn tồn tại vướng mắc chủ yếu liên quan đến công tác GPMB. Ông Sanh dẫn chứng, tại dự án nâng cấp, mở rộng QL1, tỉnh Bình Định vẫn chưa bàn giao mặt bằng khoảng 1,75km, trong đó chủ yếu là đoạn BOT Bắc Bình Định và đường ống nước D600 chưa di dời đoạn BOT Nam Bình Định. Tương tự, đoạn BOT Ninh Thuận, địa phương vẫn còn “nợ” 5 km mặt bằng.
Trong khi đó, tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, công tác triển khai các khu tái định cư của tỉnh Quảng Nam tại các địa phương như Núi Thành, Thăng Bình còn chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
Liên quan đến nguồn vốn thực hiện, Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ vốn để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là vốn đối ứng của các dự án ODA. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, theo kế hoạch, năm 2015, ngành GTVT dự kiến tổ chức khởi công và khánh thành 170 công trình, dự án. Trong đó, có nhiều công trình, dự án trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng QL1 từ Hà Nội - Cần Thơ, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng,… sẽ hoàn thành trong năm nay.
“Tổng số vốn đối ứng Bộ GTVT đề nghị năm nay là 12.556 tỷ đồng, nhưng hiện mới được giao 5.500 tỷ đồng. Đây là vấn đề mấu chốt, bởi vốn đối ứng sẽ quyết định đến quá trình triển khai dự án. Nếu không giải quyết được vốn đối ứng thì công tác GPMB sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, từ đó dẫn tới trượt giá và làm tăng tổng mức đầu tư của dự án”, Bộ trưởng Thăng phân tích.
Khẩn trương khắc phục vướng mắc
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, kết quả đã đạt được của Bộ GTVT trong thời gian qua, đặc biệt là việc đưa hàng loạt công trình, dự án trọng điểm vào khai thác, sử dụng để giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vận tải. “Đối với các dự án giao thông chỉ cần đưa một khúc, một đoạn vào khai thác cũng đã là rất quý. Chỉ riêng năm 2014, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 76 công trình, dự án. Điều này có tác động rất lớn đến quá trình thúc đẩy KT-XH của đất nước phát triển”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác thu hút các nguồn vốn xã hội hóa tham gia đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông của Bộ GTVT. “Kêu gọi nguồn vốn tư nhân đầu tư vào các dự án giao thông là một việc khó, nhưng theo số liệu tôi nắm được, đến nay đã có 70 công trình giao thông được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Có thể nói, GTVT là Bộ đi đầu trong quá trình thực hiện chủ trương này”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Để giải quyết những vướng mắc, tồn tại của dự án nâng cấp, mở rộng QL1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu hai tỉnh Bình Định, Ninh Thuận khẩn trương xử lý dứt điểm và sớm bàn giao mặt bằng các đoạn còn lại cho đơn vị thi công. Ngoài ra, đối với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam sớm giải quyết dứt điểm những vướng mắc tại hai địa phương Núi Thành và Thăng Bình.
Về vấn đề bố trí vốn đối ứng cho các dự án giao thông, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư lập phương án chi tiết để sớm trình Chính phủ xem xét, bố trí. “Năm nay, dự kiến sẽ có 170 công trình, dự án giao thông được khởi công và khánh thành, nếu không bố trí đủ nguồn vốn đối ứng, sẽ rất khó để hoàn thành kế hoạch đề ra”, Phó Thủ tướng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận