Hàng loạt dự án năng lượng tái tạo không được hoàn thuế GTGT khiến doanh nghiệp gặp khó về nguồn vốn (Ảnh minh họa)
Bởi khi đầu tư các dự án điện, số thuế giá trị gia tăng được hoàn theo từng giai đoạn đầu tư được các doanh nghiệp tính toán là nguồn lực tài chính quan trọng để thanh toán các chi phí của dự án.
Cả nghìn tỷ tiền hoàn thuế bị “treo”
Lo lắng về khoản thuế GTGT hàng trăm tỷ đồng có nguy cơ mất trắng do luật chồng chéo, Giám đốc Công ty CP Điện gió Phong Liệu (Quảng Trị) Võ Duy Tấn chia sẻ, dự án điện gió Phong Liệu với công suất 48MW, tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng đang thi công giai đoạn nước rút để hoàn thành theo dự kiến vào tháng 8.
Thế nhưng, do gặp khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT khiến dự án đang rơi vào cảnh “khát” vốn.
Theo ông Tấn, ước tính thuế GTGT đầu vào của cả dự án này khoảng hơn 150 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, để dồn vốn đẩy nhanh tiến độ, công ty đã cho lập hồ sơ hoàn thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, công ty lại nhận được thông tin, ngành thuế chỉ hoàn thuế cho những dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Điều đáng nói, theo quy định của Bộ Công thương, thời điểm mà doanh nghiệp đủ điều kiện để được cấp giấy phép này sẽ gần hoặc trùng với thời điểm dự án đi vào hoạt động, có doanh thu.
Trong khi đó, tại Thông tư số 130/2016 của Bộ Tài chính quy định khi dự án đi vào hoạt động, tức là hết giai đoạn đầu tư xây dựng thì… không được hoàn thuế GTGT.
“Điều này đồng nghĩa với việc không bao giờ được hoàn thuế GTGT”, ông Tấn nói và cho rằng, cần có sự vào cuộc của các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn và đưa ra sự nhất quán, không để ảnh hưởng đến DN.
Tương tự, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group, một trong những đơn vị đầu tư lớn nhất về các dự án điện năng lượng tái tạo cho biết, tổng số thuế dự kiến được hoàn của các dự án mà Trungnam Group đang triển khai ước khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi làm hồ sơ hoàn thuế thì doanh nghiệp nhận được câu trả lời từ cơ quan thuế rằng: “Dự án không nằm trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì chưa được hoàn thuế”.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp điện như Công ty Nghi Sơn 2, Công ty điện Nậm Ban 3, Công ty Lam Sơn, Công ty CP Phát triển thủy điện, Công ty Thủy điện Nậm Lúc, Công ty Thủy điện Sông Tranh 4, Công ty Trung Nam, BOT Vân Phong 2 cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng, Quốc hội, các Bộ Công thương, Tài chính đề xuất việc tháo gỡ chính sách hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư vào ngành điện.
Cách nào tháo gỡ?
Thừa nhận thực tế trên, song đại điện Tổng cục Thuế lại cho rằng, vướng mắc này không phải hoàn toàn do cơ quan thuế, mà chủ yếu nằm ở chính sách chưa có sự đồng bộ.
Theo quy định, giấy phép hoạt động điện lực chỉ được cấp khi việc xây dựng nhà máy đã hoàn thành (chậm nhất 15 ngày trước khi vận hành thương mại). Trong khi đó, theo quy định để được hoàn thuế đối với các dự án đầu tư, phải có giấy phép này.
Cần nghiên cứu, đánh giá lại việc áp dụng các quy định về hoàn thuế GTGT đối với ngành điện để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn. Theo đó, xem xét sửa đổi các quy định pháp luật, xóa bỏ nội dung không phù hợp, cho phép các dự án trọng điểm được hoàn thuế GTGT nhằm tạo điều kiện về vốn bởi đây là lĩnh vực cần vốn lớn, thời gian đầu tư dài, giữ vai trò quyết định đến phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng…
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát điện, truyền tải điện đang phải chịu sự điều chỉnh của 3 luật: Luật Đầu tư, Luật Điện lực và Luật Thuế giá trị gia tăng.
Trong khi đó, một trong những điều kiện tiên quyết để được hoàn thuế giá trị gia tăng là phải có giấy phép hoạt động điện lực.
“Nhưng oái oăm thay, các dự án đầu tư trong ngành điện thường kéo dài và trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, nên chưa được cấp giấy phép.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, mấu chốt ở đây chính là cần chỉ được ra những quy định khác nhau giữa 3 luật nói trên đối với lĩnh vực đầu tư ngành điện”, đại diện Tổng cục Thuế nói.
Theo vị này, để giải quyết cần có sự “bắt tay” gỡ vướng giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính.
Hiện, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Đây là cơ hội để có thể xem xét, bổ sung những điều khoản sao cho hợp lý, gỡ rối cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, phía Bộ Công thương cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư, hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, xuất, nhập khẩu điện, tư vấn chuyên ngành điện lực thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Còn theo Luật Điện lực, căn cứ Thông tư 21/2020/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực phát điện gồm 10 thủ tục và chậm nhất trước 15 ngày làm việc kể từ ngày dự kiến chính thức vận hành thương mại.
Do đó, khi cơ quan thuế áp dụng vào theo đúng các quy định trên, các doanh nghiệp điện lực sẽ khó đáp ứng đủ điều kiện hoàn thuế GTGT.
Trước thực tế này, Bộ Công thương cho biết sẽ bàn bạc, lấy ý kiến từ các bên để cùng nhau tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới…
Một chuyên gia điện lực cho rằng, để kịp thời tháo gỡ, chỉ còn cách dựa vào những điều kiện thực hiện dự án để đảm bảo. Đó là, dự án đã nằm trong quy hoạch phát triển ngành điện, có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập, giấy chứng nhận thành lập…
Bộ Công thương có thể tạm cấp “giấy bảo lãnh” có thời hạn đến khi dự án đi vào vận hành thương mại và phải có thỏa thuận với cơ quan thuế.
“Nếu khi dự án đầu tư đi vào vận hành thương mại mà không đáp ứng được các điều kiện để hoạt động thì thu hồi giấy phép đã tạm cấp và thu hồi số tiền thuế giá trị gia tăng theo quy định”, vị này nói và khẳng định, việc này vừa giải quyết nhanh được thế “khó” cho doanh nghiệp, vừa là cách duy nhất có thể làm, khi việc sửa quy định và luật không dễ dàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận