Bố mẹ Công Phượng mong muốn con cống hiến hết mình vì đam mê, vì quê hương đất nước và luôn là chính mình |
Trải qua nhiều thăng trầm, tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã chín chắn, chững chạc hơn và dần khẳng định vị thế của một ngôi sao. Nhưng trong thâm tâm, những người làm cha, làm mẹ vẫn muốn con trai luôn là chính mình dù ở vị trí nào.
Mẹ đạp xe gần 20km chở con đi học… đá bóng
Sáng 22/11, PV Báo Giao thông có mặt tại thôn 6, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An - quê của tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Cái lạnh đầu mùa không xua được những “thay da, đổi thịt” của làng quê nghèo nằm sau Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Trong căn nhà cấp 4 khang trang, mướt cây xanh, ông Nguyễn Công Bảy (SN 1956) và Nguyễn Thị Hoa (SN 1960) (bố mẹ Công Phượng) cùng bà con lối xóm râm ran bên bát chè xanh.
"Vì lịch thi đấu và luyện tập dày đặc nên rất ít khi cháu được về nhà. Những lúc như thế, bố mẹ chỉ biết điện thoại động viên con cố gắng luyện tập và không ngừng hoàn thiện bản thân mình cống hiến nhiều hơn cho CLB và cho đất nước." Ông Nguyễn Công Bảy |
Ông Bảy kể, năm 1978, ông cưới bà Nguyễn Thị Hoa và có với nhau 5 người con. Phượng là con thứ 4 trong nhà. Bà Hoa nhớ lại: Như cây thông trên đồi, Phượng vươn mình lớn lên rồi theo cha và các anh đi xem đội bóng trong xã thi đấu. Bước vào lớp 1, dù có thể hình nhỏ thó nhưng với kỹ thuật điêu luyện, Phượng được vào đội bóng của thôn đi thi đấu cấp xã vào các dịp Quốc khánh 2/9. “Giải bóng đá đó dành cho các cháu thiếu nhi từ lớp 1 đến hết lớp 9. Đội bóng của thôn cũng đá bình thường và chưa lần nào được giải”, ông Bảy cho biết.
Đến năm lớp 3, trước đam mê của con trai dành cho bóng đá, ông Bảy, bà Hoa quyết định “tầm sư học đạo” cho con. Cứ thế, 2 ngày cuối tuần thứ 7, chủ nhật bà Hoa lại đạp xe chở con vượt gần 20km đường rừng lên thị trấn Đô Lương cho con học đá bóng. “Gia đình khó khăn, ngoài làm 1 mẫu ruộng (mẫu Trung bộ), tôi còn thường xuyên đi làm thêm các việc khác. Nhưng thấy con đam mê bóng đá, nên vợ chồng quyết định lên huyện xin thầy cho con theo học. Việc chở con đi học các buổi cuối tuần giao cho bà ấy”, ông Bảy kể.
Được thầy huấn luyện, những tố chất thiên bẩm trong Công Phượng ngày càng nảy nở và phát huy. Phượng được thầy cho tham gia các giải cấp huyện và xuống TP Vinh thi đấu giao lưu. Những pha đi bóng lắt léo của Phượng được nhiều HLV và đồng đội “tấm tắc ngợi khen tài” nhưng vì cân nặng không đủ nên Phượng không thể vào “lò” Sông Lam Nghệ An (SLNA). “CLB SLNA quy định cân nặng tối thiểu là 27kg. Dù được thầy đưa xuống Vinh nuôi 1 tháng nhưng Phượng chỉ được 25,5kg nên không thể gia nhập SLNA được”, bà Hoa nuối tiếc.
Bố bán lúa, vay tiền đưa con đi thi… học đá bóng
Không thể gia nhập SLNA, những tưởng con đường đến với niềm đam mê của Công Phượng sẽ bế tắc. Nhưng rồi, một cánh cửa mới lại mở và chào đón em. Năm 2007, trong lúc xem ti vi, Phượng thấy Học viện HAGL JMG đang tuyển học viên bóng đá trên khắp cả nước.
Một hôm, ông đang xây nhà cho người dân trên thị trấn Đô Lương thì nhận được điện thoại của đứa cháu trong Gia Lai báo: “Ngày kia HAGL sẽ thi tuyển, cô chú đưa em vào gấp”. Thời gian gấp rút, tiền trong nhà lại không có nên ông Bảy, bà Hoa quyết định bán lúa để đưa con đi thi.
“Cả tiền bán lúa, cả tiền vay tổng cộng gần 500.000 đồng và vài bộ quần áo làm hành trang. 3h sáng hôm sau, tôi nhờ đứa em trong làng đi xe máy chở 2 bố con xuống Vinh bắt xe đi Gia Lai. Gần 5h sáng hôm sau nữa thì tới nơi. Lúc đó là tháng 7/2007, đúng mùa mưa nên rất lạnh nhưng không có người quen, lại không biết địa chỉ cụ thể nên 2 bố con ro bên đường chờ trời sáng hỏi tiếp…”, ông Bảy nhớ lại hành trình.
Sau khi lót bụng bằng tô phở, Phượng bước vào vòng thi loại trực tiếp với hơn 400 em nhỏ khác. Cứ 6 em nhỏ được gọi ra đối kháng với nhau để chọn 5 em có kết quả cao nhất. Sau đó, 5 em lại đối kháng từng lượt với nhau để tìm ra ứng viên xuất sắc nhất. Vượt gần 1.000km từ Nghệ An vào Gia Lai và vượt qua hơn 400 đối thủ, Phượng lọt qua vòng loại. Tuy nhiên, nhà trường yêu cầu Phượng ở lại để thi tiếp vòng 2. “Lúc đó, tôi không biết xoay xở thế nào. Nếu bố con ở lại thì không biết lấy đâu ra tiền. Sau khi tính toán mọi đường, tôi gửi Phượng xuống đứa em đang làm thuê ở Bình Dương, còn mình bắt xe về quê”, ông Bảy kể.
Được khoảng 10 ngày thì gia đình ông Bảy nhận được giấy báo của Học viện HAGL JMG đưa con vào thi vòng 2. Người nông dân quê nghèo lại khăn gói, bắt xe lặn lội vào Gia Lai, đồng thời nhờ người em đưa con từ Bình Dương lên dự thi. Lần này, Phượng phải thi trong vòng 1 tuần với 56 học viên khác trong cả nước và em cũng xuất sắc vượt qua. Sau đó, như lần trước, ông Bảy lại gửi gắm con cho người em đưa xuống Bình Dương còn ông bắt xe về Nghệ An. Nửa tháng trôi qua, gia đình lại nhận được giấy báo của nhà trường, ông lại một lần nữa nhảy xe khách vào. Lần này, nhà trường cho biết, Phượng trúng tuyển khóa đào tạo 7 năm của Học viện HAGL JMG.
Mong con luôn là chính mình
Khi nói về hành trình từ cậu bé làng thành ngôi sao bóng đá, ông Bảy, bà Hoa mừng mừng, tủi tủi. “Điều hạnh phúc nhất của bậc làm cha mẹ là từ trong khó khăn, con trai đã biết vượt qua và từng bước hoàn thiện bản thân mình”, bà Hoa nói.
Ông Bảy bộc bạch khiêm tốn: Kết quả của một trận đấu phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ HLV đến các cầu thủ trên trên sân, Phượng cũng đá bình thường, chứ chưa có gì nổi trội hơn với các đồng đội khác. Cũng có thời điểm phong độ sa sút như sau khi gãy xương vai sau pha va chạm với cầu thủ U23 UAE (ở U23 châu Á 2016 ở Nhật Bản).
Khi được hỏi về thông tin Công Phượng và ca sĩ Hòa Minzy yêu và chia tay nhau, bà Hoa cười nói: Cuộc sống bây giờ không giống như thời chúng tôi nữa. Chuyện yêu đương, hôn nhân bố mẹ chỉ định hướng nhưng mọi quyết định đều do các cháu quyết định và chúng tôi tôn trọng quyết định đó. “Tôi cũng từng nghe trên báo chí thông tin Phượng yêu cháu Hòa. Nhưng đó chỉ mới là thông tin trên báo chí chứ chư thấy Phượng nói gì với gia đình hay đưa cháu Hòa về ra mắt. Thỉnh thoảng tôi cũng có thủ thỉ với con trai là yêu cô nào chưa thì cháu nói là chưa”, bà Hòa cười nói.
Ông Bảy, bà Hoa cũng nhắn nhủ tới con trai, không chỉ những trận đấu tới của mùa giải AFF Cup đang diễn ra mà trong mọi buổi tập và thi đấu, con hãy cố gắng hết mình, tuân thủ đấu pháp Ban huấn luyện đề ra để cùng đồng đội chinh phục những đỉnh cao mới. Và đặc biệt, dù con là cầu thủ bình thường, hay là một ngôi sao lớn; con yêu một cô ca sĩ hay một cô gái bình thường… thì con vẫn hãy là con. Hãy luôn là chính mình và cống hiến hết sức mình cho quê hương, đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận