Phía sau “thủ phủ mổ xe” tại thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang là thực trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ |
Hơn 10 năm nay, nghề “mổ xe”, buôn bán phế liệu ô tô cũ đã giúp người dân thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang giàu lên trông thấy. Đổi lại, người dân đang phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập.
Đi lên từ “làng đồng nát”
Cái tên “làng đồng nát” đã gắn với người dân thôn Thuyền hơn một thế kỷ. Từ thuở còn “tay xách, nách mang” đôi quang gánh, rổ sọt hay chiếc xe đạp thồ, có khi thêm thùng kẹo kéo bên cạnh, người dân trong thôn đi khắp tỉnh để thu mua phế liệu, kiếm ăn. Dần dần, nguồn hàng khan hiếm, họ bắt đầu đi tìm những món hàng lớn, giá trị hơn. Và việc mua bán phế liệu xe ô tô cũ đã được lựa chọn để giữ nghề, làm giàu. Lúc này, một số nhà có vốn lớn đứng ra làm đại lý và dần tạo thương hiệu “thủ phủ mổ ô tô” tiếng vang khắp trong Nam, ngoài Bắc.
"UBND xã đang đề xuất lên cấp trên mở rộng đất công nghiệp, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề và thực hiện nghiêm vấn đề môi trường, PCCC. Theo quy hoạch, sẽ mở rộng, phát triển nghề “mổ xe” theo dải đường về phía xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, nằm cách xa khu dân cư”. Ông Nguyễn Văn Hòa |
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Thuyền, nơi đây như một “nghĩa địa” khổng lồ của các loại xe cơ giới lớn, nhỏ. Từ đầu làng đã ngổn ngang phụ tùng ô tô, máy xúc, máy ủi, những chiếc bánh xe to, nhỏ chất đống hai bên đường, hàng chục bãi dài đầy nhíp, máy, trục hoen gỉ được phân loại sau khi tháo dỡ. Xen lẫn trong đó là nhiều xe ô tô “hết đát”, đủ chủng loại như: Xe buýt, xe khách, xe tải, đến cả xe con “hạng sang” của các hãng Camry, BMW… Đâu đâu cũng roèn roẹt tiếng máy cắt kim loại, lấp loáng ánh lửa khò.
Đang tất bật tháo rời các bộ phận của chiếc xe tải đã hết niên hạn, nhóm “thợ mổ” lấm lem dầu máy cười nói cho biết, chẳng có xe nào hỏng hoàn toàn, kể cả những chiếc xe phải cẩu, kéo về bãi, thế nào cũng có những phần vẫn còn hoạt động được, có thể lắp vào những chiếc xe khác. Một chiếc xe sau khi phá dỡ hầu như không bỏ đi thứ gì, từ cái ốc vít đến vỏ ghế rách. Đồ tháo ra sẽ được khách hàng từ khắp nơi tìm đến mua hoặc chủ xưởng sẽ mang giao cho khách khi có đơn hàng.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Dĩnh Trì cho biết: “Thôn Thuyền được gọi là thôn “mổ xe” bởi người dân chuyên đi thu mua những chiếc ô tô, tàu thủy, máy ủi, cần cẩu, máy xúc... đã hỏng, cũ nát về phá dỡ lấy phụ tùng, linh kiện còn sử dụng được bán cho các cơ sở trong nước, những thứ không dùng được thì đem bán phế liệu làm sản phẩm tái chế”.
Theo ông Hòa, thôn Thuyền có hơn 40 hộ gia đình trong tổng số 350 hộ làm nghề “mổ xe” và tạo công ăn, việc làm cho gần 300 lao động trong, ngoài thôn. 10 năm nay, thôn Thuyền không còn hộ nghèo, một số gia đình xây được nhà lớn, sắm xe hơi như gia đình anh Nguyễn Văn Cốp, Nguyễn Khắc Cường.
Mặt trái của nghề “mổ xe”
Dạo một vòng thôn Thuyền, chúng tôi như lạc vào “mê cung” của những “bức tường” sắt cũ kỹ chất đống hai bên đường. Nhà nào cũng xếp đầy những khối phế liệu xe ô tô cũ trước cửa để bán. Thậm chí, ngay cả trong nhà cũng chứa vô vàn các loại phế liệu được bày tràn chặn các lối đi. Tiếng máy cắt kim loại liên tục vang lên, ánh lửa khò thi nhau chớp khiến cả thôn Thuyền luôn náo động. Không khí càng rộn rã khi từng chiếc xe cũ được cẩu về xưởng để bắt đầu “mổ” bán.
Chị Nguyễn Thị Loan, người địa phương cho biết, từ đầu làng tới cuối xóm đều thấy xác xe cũ, hoen gỉ, sắt vụn, săm, lốp xe… tràn ra đường. “Dọc con đường vào làng là những bãi tập kết xác xe chất đống, gây bụi bặm, ồn ào, bốc mùi hôi khó chịu. Ngày nào cũng ngửi mùi xăng dầu, khói đốt rác thải nên thành quen. Dù biết đang sống giữa môi trường bị ô nhiễm nhưng cũng phải chịu vì nơi đây chỉ có duy nhất nghề “mổ xe” để bà con kiếm sống”, chị Loan chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hòa cũng thừa nhận: “Rác thải từ các lò “mổ xe” thuộc loại rác thải công nghiệp nên công ty rác đô thị không tiếp nhận xử lý. Do vậy, nhiều hộ dân thi thoảng vẫn đốt trộm các loại rẻ lau dầu mỡ, ghế da quá nát. Địa phương cũng bố trí một khu đất riêng để làm xưởng và bãi chứa đồ phế thải, nhưng vì diện tích nhỏ nên vẫn còn nhiều cơ sở nghề tồn tại xen lẫn với khu dân cư. Về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vẫn còn chủ quan, UBND xã mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền mà chưa thực hiện kiểm tra và cũng chưa thấy đơn vị chuyên môn cháy nổ về kiểm tra, xử lý”.
Theo ông Hòa, các cơ sở “mổ xe” ở đây đều tự phát, không có giấy phép kinh doanh và chưa thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường, PCCC. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tập hợp các hộ lại thống nhất để có một đầu mối thu gom rác và những hộ hành nghề “mổ xe” sẽ bỏ kinh phí. Thời gian tới, UBND xã sẽ cùng Phòng Tài nguyên - Môi trường tổ chức tập huấn cho các hộ dân và tiếp tục ký cam kết về bảo vệ môi trường. Đồng thời, kết hợp kiểm tra chặt chẽ, xử lý một vài trường hợp để tạo tính răn đe”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận