Ánh hào quang ở Olympic đôi khi khiến người hâm mộ quên đi những thứ phía sau đó, bao gồm áp lực khủng khiếp dành cho vận động viên. Thể thao đỉnh cao càng phát triển, áp lực vận động viên càng lớn và đây là bài toán không dễ có lời giải.
Các vận động viên Olympic luôn phải chịu áp lực lớn. Ảnh: Getty
Khi người hùng mệt mỏi
Ở trận tranh HCĐ đơn nam môn quần vợt Olympic Tokyo 2020, Novak Djokovic phải nhận thất bại trước tay vợt Carreno Busta (Tây Ban Nha).
Kết thúc trận đấu này, Djokovic có hành động xấu xí khi ném vợt, thể hiện việc không hài lòng với bản thân. Chưa hết, anh còn tuyên bố rút lui khỏi trận tranh HCĐ đôi nam nữ.
“Tôi đã kiệt sức, cả thể lực và tinh thần. Tôi ngàn lần xin lỗi Nina Stojanovic vì đã rút khỏi trận đánh đôi. Chỉ là tôi không còn nhấc nổi cây vợt lúc này nữa. Nhưng tôi biết con tim mình đã đặt đúng chỗ. Tôi không có bất cứ điều gì hối hận khi đến đây”, Djokovic gửi lời xin lỗi tới đồng nghiệp đánh cặp với mình.
Tay vợt số 1 thế giới người Serbia cho biết thêm, anh đã bị đau vai, cơ bụng từ trận bán kết đơn nam với Alexander Zverev. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, đây không phải vấn đề chính.
Mấu chốt nằm ở chỗ Djokovic phải chịu quá nhiều áp lực cho việc phải giành HCV Olympic. Và khi không thể hoàn thành mục tiêu, anh đối mặt với sự chỉ trích, bất chấp việc anh đã phải căng sức cho cả hai nội dung đơn nam và đôi nam nữ.
Đối với những ai đang phải vật lộn với sức khỏe tâm thần, hãy biết rằng bạn không đơn độc. Có những ngày tôi muốn cuộn mình vào một quả bóng và ngồi trong góc. Nhưng mọi thứ sẽ khá hơn nếu bạn tiến lên một chút, thỉnh thoảng hít thở sâu. Nó thực sự có ích.
Huyền thoại bơi lội người Mỹ Micheal Phelps
Simone Biles, biểu tượng của thể dục dụng cụ Mỹ với 4 tấm HCV Olympic thậm chí còn gây ngỡ ngàng hơn khi rút lui khỏi phần thi chung kết nội dung đồng đội nữ. Cô nói phải chăm lo cho sức khỏe tâm thần của mình.
Vài tuần trước ngày Thế vận hội Tokyo khởi tranh, trên tờ New York Times, Biles từng phát biểu đại ý rằng, cô không mong chờ Olympic bắt đầu mà cô chờ một sự kết thúc. Và khoảnh khắc hạnh phúc nhất sự nghiệp là lúc cô được nghỉ ngơi.
Naomi Osaka, tay vợt nữ số 1 Nhật Bản, người được kỳ vọng sẽ giành HCV nội dung đơn nữ cho nước chủ nhà bất ngờ phải nhận thất bại ngay ở vòng 3. Naomi không cho rằng cô không có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt chuyên môn.
Đơn giản, áp lực mà cô phải đối diện là quá lớn, khiến cô đánh mất chính mình.
“Tôi cảm thấy tâm trí không ở trạng thái tốt nhất. Tôi không thực sự biết cách đối phó với áp lực. Đây có lẽ là một trong những thất bại tệ nhất sự nghiệp của tôi. Có lẽ, tôi chưa đủ kinh nghiệm tại đấu trường này. Đây là lần đầu tôi chơi tại Olympic. Tôi đã phải chịu những áp lực chưa có trước kia”, Naomi Osaka chia sẻ với WTA sau thất bại trước Marketa Vondrousova, người kém cô 40 bậc trên bảng xếp hạng thế giới.
Naomi, Biles hay Djokovic không phải là những người duy nhất phải hứng chịu sức ép khi thi đấu ở Olympic. Thế vận hội khác hoàn toàn các giải đấu thể thao trên thế giới, nó đòi hỏi vận động viên phải mạnh hơn, nhanh hơn, cao hơn. Quan trọng, Olympic là đấu trường mà truyền thông, người hâm mộ ở các quốc gia đều dồn hết sự quan tâm và kỳ vọng.
“Các vận động viên được coi như tài sản quý của mỗi quốc gia, được tạo mọi điều kiện để thi đấu. Nhưng sự quan tâm thái quá đôi khi khiến họ cảm thấy mình không còn tự do và phải làm hài lòng tất cả. Đương nhiên, chẳng ai làm được như thế, họ cũng là con người nhưng phải chịu đựng nhiều hơn tất cả chúng ta”, bác sĩ tâm lý Leela Magavi, người từng làm việc cùng nhiều vận động viên hàng đầu thế giới chia sẻ.
Olympic là đấu trường danh giá nhất của thể thao thế giới, ánh hào quang của nó khiến người hâm mộ không để ý tới những gì diễn ra phía sau, bao gồm áp lực khủng khiếp đè lên vai vận động viên.
“Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn nhận kỳ vọng và thất bại trong một ngày không có phong độ cao nhất, điều gì chờ đợi bạn? Đó là vô vàn sự chỉ trích, đe dọa thậm chí uy hiếp tính mạng. Thể thao đỉnh cao vốn khắc nghiệt bởi sự đua tranh nhưng điều này không khủng khiếp bằng những thứ vận động viên phải đối mặt sau trận đấu”, tiếp lời bác sĩ Leela Magavi.
Hãy trả lại thể thao giá trị vốn có
Simone Biles chủ động rút lui khỏi phần thi tại Olympic Tokyo 2020 khi thấy sức khỏe tâm thần không ổn. Ảnh: New York Magazine
Ở thời đại toàn cầu hóa, thể thao đỉnh cao càng trở nên khốc liệt. Không phải bỗng dưng nhiều quốc gia nhập tịch vận động viên tài năng để thi thố trên trường quốc tế. Chủ nghĩa huy chương là cụm từ được nhắc tới khi nói về Olympic.
Tại Thế vận hội London 2012, David Mitchell, một chủ hiệu sách ở Vương quốc Anh đã quyết định trao huy chương được thiết kế đặc biệt cho các vận động viên về thứ tư trong các cuộc tranh tài. Mitchell nói với BBC rằng ông làm như vậy để gia tăng các tiêu chuẩn của Olympic.
Không có huy chương tức là bạn không thành công. Nhưng chẳng ai đeo tấm huy chương để sống, nó đơn giản chỉ là một trải nghiệm nhỏ trong đời.
Cath Bishop, cựu VĐV chèo thuyền người Anh
Trong khi đó, theo tờ Independent, các vận động viên của Trung Quốc thậm chí đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ những người có tư tưởng cực đoan và kỳ vọng cao ngất trời là giành HCV trong tất cả các sự kiện thể thao.
“Đội tuyển bóng bàn đôi nam nữ của Trung Quốc thua Nhật Bản ở trận chung kết tuần trước đã đưa ra lời xin lỗi đầy nước mắt vì chỉ giành được HCB. Tương tự, vận động viên cử tạ Liao Qiuyun, 26 tuổi, người mất HCV hạng cân 55kg được nhìn thấy đã khóc sau đó, HLV của cô cũng khóc khi an ủi cô”, Independent thông tin.
Michael Phelps, vận động viên bơi lội huyền thoại người Mỹ, người giành tới 23 HCV Olympic đã tiết lộ anh phải trải qua “trạng thái trầm cảm nghiêm trọng” sau mỗi kỳ Thế vận hội.
Chính bởi vậy, Phelps là một người ủng hộ nhiệt tình cho việc nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần của vận động viên. Anh thường xuyên chia sẻ về điều này và cảm thấy nó còn giá trị hơn việc giành HCV Thế vận hội.
Nhưng đó không phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Rõ ràng thể thao hiện đại đang bị đẩy rời xa khỏi mục đích ban đầu. “Thể thao không chỉ là những tấm huy chương. Đó là kết nối cộng đồng; đó là khám phá ranh giới của con người, thể chất và tinh thần. Đã đến lúc chúng ta cần quay lại với các giá trị này”, Bishop nhấn mạnh.
Dẫu vậy, trước khi chờ đợi sự thay đổi góc nhìn, hệ quy chiếu của thế giới đối với thể thao, các vận động viên phải tự “cứu” mình. Bác sĩ Leela Magavi cho rằng, một vận động viên ứng xử thành tích của họ như thế nào phụ thuộc vào các tiêu chuẩn và kỳ vọng của chính họ. Cùng một vị trí kết thúc có thể là nỗi tuyệt vọng cho một người và niềm vui cho người khác.
Nhà Tâm lý học Ben Miller rất tán đồng việc các vận động viên nên làm chủ sức khỏe tâm thần của mình thay vì để bị chi phối và dồn nén. “Danh tiếng, những tấm huy chương không quan trọng bằng sức khỏe tâm thần. Hơn ai hết, vận động viên hiểu họ cần làm gì hoặc dừng lại lúc nào”, nhà tâm lý học nói.
“Những người như Biles sẽ trở thành niềm cảm hứng cho cuộc chiến chống lại áp lực trong thể thao. Sự minh bạch của cô ấy cũng khiến các nhà lãnh đạo trong giới thể thao cần có cái nhìn chính xác hơn về sức khỏe tâm thần. Thế giới cần chung tay hành động trước khi thể thao bị biến thành lãnh địa của sự trầm cảm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận