Nhiều năm trước, người Mỹ và thế giới chỉ nhìn thấy ông Joe Biden ở khía cạnh một Thượng Nghị sĩ, người có bề dày kinh nghiệm, chứng kiến không ít bê bối và hỗn loạn ở Nhà Trắng.
Hiện tại, khi ở vị thế là người trực tiếp đưa ra quyết định, trước áp lực từ cuộc khủng hoảng ngoại giao đầu tiên từ Afghanistan, phần nào bộc lộ rõ hơn con người và cách lãnh đạo của vị Tổng thống Mỹ 78 tuổi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về việc sơ tán công dân Mỹ, nhân viên người Afghanistan khỏi Kabul
Bộc lộ quan điểm về cách dùng binh
Theo hãng tin AP, hơn 1 thập kỷ qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn vận động để chấm dứt sự can thiệp của Mỹ tại Afghanistan.
Nhưng lúc đó, ông hành động ở vị thế một người đứng ngoài, một Thượng Nghị sĩ mà quyền lực cuối cùng nằm trong tấm phiếu bầu tại Quốc hội hay cương vị Phó Tổng thống, cố vấn cho lãnh đạo khác.
Nhưng từ đầu năm nay, sau khi thắng cử, nhà lãnh đạo Mỹ đã quyết định người Mỹ phải rút khỏi Afghanistan (thời hạn chót là ngày 31/8/2021), chấm dứt cuộc chiến dai dẳng nhất của Mỹ.
Bất chấp quyết định này dẫn đến sự sụp đổ rất nhanh của Chính phủ Afghanistan, làm bùng lên cuộc khủng hoảng nhân đạo, kéo theo nhiều chỉ trích từ trong nước và ở các nước đồng minh, Tổng thống Biden vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm, thậm chí đôi lúc phản kháng.
Ông Biden nhận trách nhiệm nhưng cũng chỉ trích ngược các đời Tổng thống tiền nhiệm.
Thông thường, khi đối mặt với một hệ quả không tích cực nào đó, hầu hết các chính trị gia đều lùi lại và bày tỏ ăn năn, hối hận.
Nhưng, dường như thách thức lần này càng khiến ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm cứng rắn hơn trong quan điểm với Afghanistan.
Dù lãnh đạo Mỹ thừa nhận, Taliban đã tiến quân nhanh hơn dự tính, nhưng ngay trong các bài phát biểu công khai hay khi trao đổi riêng với các trợ lý, Tổng thống Joe Biden đều khẳng định, việc chính quyền Afghanistan không chống đỡ lại Taliban và đổ sụp rất nhanh càng cho thấy nghi ngờ của ông bấy lâu nay về việc quân Mỹ chiến đấu tại Afghanistan là chính xác.
“Cho dù thế nào, những diễn biến trong tuần vừa qua chỉ ra, quyết định chấm dứt sự can thiệp quân đội Mỹ tại Afghanistan là đúng đắn”, ông Biden phản ứng trước những chỉ trích cho rằng rút quân là sai lầm.
Quyết định của Tổng thống Biden còn bộc lộ quan điểm về điều hành quân sự Mỹ. Ông cho rằng, không nên sử dụng quân đội để thúc đẩy những lý tưởng của quốc gia ở nước ngoài.
Lực lượng quân đội nên tập trung vào những mối đe dọa trong nước, còn tiềm lực kinh tế và ngoại giao mới là công cụ thích hợp để duy trì các giá trị của Mỹ trên thế giới, theo hãng tin AP.
Quyết đoán và tự tin đến bảo thủ
Vị chính trị gia giàu kinh nghiệm từng chia sẻ với các cố vấn rằng, một trong những khoảnh khắc mà ông tự hào nhất khi tham gia chính trường đó là phản đối Tổng thống Mỹ Barrack Obama tăng quân tại Afghanistan.
Sự tự tin, đôi khi theo một số đồng minh là bảo thủ, đã tạo nên sức mạnh của Joe Biden trong suốt sự nghiệp chính trị và khi ở cương vị Tổng thống.
Một khi đã tin mình đúng thì ít khi ông thay đổi lập trường, hãng tin AP dẫn nhận định của các trợ lý cũ và đương nhiệm cho biết.
Chính sự quyết đoán đó đã giúp Joe Biden đạt được thỏa thuận hạ tầng của hai đảng trị giá 1.000 tỷ USD, thúc đẩy dự luật thông qua tại Thượng viện đầu tháng này.
Trong vấn đề Afghanistan, một lần nữa, sự cương quyết của ông Biden được thể hiện rõ trong bài phỏng vấn cuối tuần qua.
Bất chấp các đồng minh phương Tây lên án, đánh giá cảnh tượng rút quân hỗn loạn của Mỹ ở nước ngoài đã làm hoen mờ uy tín của nước này, ông Biden lại cho rằng: “Tôi không thấy thế! Tôi nhận thấy đó là một thực tế hoàn toàn khác, chúng tôi đã hành động rất khẩn trương, thực hiện những gì đã cam kết”.
Trong bài phát biểu đầu tiên, với thời lượng dài về cảnh tượng người Mỹ, các đồng minh và nhân viên Afghanistan chạy tán loạn tới sân bay Kabul, lo sợ an nguy trước Taliban, ông Biden thừa nhận, cảnh tượng này đau thắt ruột gan. Song, lãnh đạo Mỹ vẫn kiên quyết, rút quân là quyết định đúng đắn và việc hỗn loạn khi rút quân là điều khó tránh khỏi.
Trả lời phỏng vấn đài ABC News, lãnh đạo Mỹ một lần nữa nói: “Không” khi được hỏi liệu có cách nào xử lý hoạt động rút quân tốt hơn hay chính quyền Mỹ có để xảy ra sai sót gì hay không.
Tuy nhiên, sau những diễn biến vừa qua tại Afghanistan, Đảng Cộng hòa (đảng đối lập) không ngừng chỉ trích Joe Biden là người yếu đuối và hoạt động không hiệu quả.
Trong khi đó, một số thành viên Đảng Dân chủ hoài nghi quá trình rút quân, chưa kể một số Nghị sĩ lo ngại, sự hỗn loạn này có thể ảnh hưởng tới cơ hội giữ đa số ghế của đảng tại Quốc hội trong năm tới.
Các Nghị sĩ từ hai đảng đều cam kết sẽ điều tra những sai sót dẫn tới cuộc rút quân Mỹ đầy hỗn loạn này.
Các cuộc khảo sát dư luận đều cho thấy, đa phần người Mỹ mong muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan.
Khoảng 2/3 người Mỹ khẳng định, họ không cho rằng cuộc chiến tại Afghanistan là đáng để chiến đấu, theo khảo sát do hãng tin AP phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề cộng đồng phối hợp thực hiện.
Do đó, Nhà Trắng cho rằng, nếu nhìn theo một khía cạnh khác, khi dư luận lắng dịu, cuối cùng ông Biden vẫn là người ghi công vì đã làm được điều mà những người tiền nhiệm khác không thể thực hiện đó là rút quân Mỹ khỏi Afghansitan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận