Điện ảnh

Góc nhìn mới về làng quê trong “Cô gái nhà người ta”

17/02/2020, 23:36

“Cô gái nhà người ta” mang đến không khí nhẹ nhàng, dí dỏm của cuộc sống làng quê.

img
Dàn diễn viên trẻ trong phim “Cô gái nhà người ta”

Giữa thời điểm truyền hình tràn ngập nhiều bộ phim tình cảm về đề tài hôn nhân, gia đình, hình sự, “Cô gái nhà người ta” mang đến không khí nhẹ nhàng, dí dỏm của cuộc sống làng quê.

Hơi thở mới của đề tài nông thôn

Mới đây nhất, phim “Cô gái nhà người ta” (đạo diễn Trịnh Lê Phong) đánh dấu sự trở lại của VFC về phim đề tài nông thôn. Lấy bối cảnh ở một làng quê Bắc bộ, phim xoay quanh câu chuyện về tình yêu, tình bạn, cùng những khát khao khởi nghiệp của những con người trẻ ở nông thôn. Mạch phim với những câu chuyện về những vấp váp của những người trẻ, hay hé mở những câu chuyện về những con người tha hóa vì lợi ích riêng ở làng quê… Tuy nhiên, “Cô gái nhà người ta” là bộ phim mang nhiều tính giải trí hơn là chính luận, đào sâu những vấn đề nổi cộm của nông thôn như: “Đất và người”, “Gió làng Kình”, “Ma làng”… đình đám của VFC trước đây.

Phim đang lên sóng đến tập 12, nhưng nhận được nhiều phản hồi từ khán giả, đặc biệt là lượng khán giả tương tác mạnh trên mạng xã hội. Có những đoạn trích của phim được chia sẻ thu hút hàng triệu lượt xem và hàng trăm lượt bình luận bàn tán. Đây có thể coi là thành tích khởi đầu ấn tượng với một bộ phim thuộc đề tài gần như bị “lãng quên” trên màn ảnh.

Đạo diễn Lê Mạnh, Phó giám đốc VFC thừa nhận, dù phim mới đi được những chặng đường đầu tiên nhưng nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. “Lâu lắm VFC mới thử nghiệm với đề tài này nhưng lượng rating ở mức cao. “Cô gái nhà người ta” đã mang đến một làn gió mới khi có sự kết hợp giữa dàn diễn viên gạo cội và diễn viên trẻ. Ở đó, phim vừa có những vấn đề xã hội, cuộc sống nông thôn, vừa có yếu tố vui vẻ, trẻ trung của các bạn trẻ thời kỳ hội nhập”, ông Lê Mạnh cho hay.

“Tưởng không khó mà khó không tưởng”

Những câu chuyện về nông thôn vốn rất hay, hấp dẫn, nhiều cái để nói. Nhưng, cái khó nhất khi làm phim đề tài nông thôn là kịch bản. Phải có kịch bản hay, câu chuyện chân thực, diễn viên lành nghề thì mới có được một bộ phim chất lượng, tạo được dấu ấn đậm nét với khán giả.
NSND Bùi Bài Bình


Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, gần 70% dân số Việt Nam hiện sống ở các vùng nông thôn. Trong đó, nhiều người đã định cư lâu năm ở thành phố nhưng vẫn mang theo trong mình “những mảnh hồn làng”. Đặc biệt, nông thôn Việt Nam đang có những thay đổi chóng mặt, hiện thực làng quê vẫn là một trong những “mỏ vàng” cho điện ảnh. Song, đạo diễn Trịnh Lê Phong cho rằng, nhiều đạo diễn thường “né” đề tài này vì chưa có kịch bản phù hợp. Đặc biệt, để được kịch bản hay về đề tài nông thôn trong giai đoạn này không dễ.

“Cái khó khăn nhất khi làm phim về đề tài nông thôn chính là điều kiện sản xuất. Bối cảnh phải chọn rất nhiều nơi khác nhau để thành một làng, nên phải làm sao cho các phân cảnh có sự thống nhất. Ngoài ra, đoàn phim phải di chuyển khá xa để ghi hình nên có những vất vả nhất định trong quá trình đi lại. Với “Cô gái nhà người ta”, 99% bối cảnh phim đều cách Hà Nội 30 - 40km, nên cả đoàn mỗi ngày đều phải di chuyển mất mấy tiếng đồng hồ”, đạo diễn Trịnh Lê Phong cho hay.

Diễn viên Hương Giang (vai Mận) thừa nhận, không riêng bản thân cô mà cả đoàn phim gặp không ít bất tiện khi phải di chuyển khá lâu để tới địa điểm ghi hình. Chưa kể, đây là một vai diễn đối lập hoàn toàn với cô ngoài đời thực. Bản thân cô đã phải nghiên cứu nhân vật rất kỹ và chỉn chu trong từng lời thoại để mang được đúng chất một cô gái quê đanh đá.

Sau “bom tấn” đình đám năm 2019 “Quỳnh búp bê”, Phương Oanh tái xuất màn ảnh với vai Uyên - một cô giáo ở nông thôn đậm chất quê. Uyên có tính tình nghiêm khắc và có phần hơi khô cứng, khác hoàn toàn với cô gái ngây thơ nhưng đầy gai góc trong “Quỳnh búp bê”. Phương Oanh cho biết, vai Uyên trong phim có tạo hình và tâm lý nhẹ nhàng nhưng lại có những áp lực khác. Để có được tạo hình như vậy, nữ diễn viên đã phải suy nghĩ, tìm tòi về tóc tai, quần áo… để cho ra được hình ảnh một cô giáo quê có chất riêng. Thậm chí, cô còn sẵn sàng “cắt phăng” mái tóc dài mà cô trung thành rất nhiều năm. “Mọi người đã quá quen với hình ảnh tôi trong những vai diễn gai góc, cho nên tìm được một hình ảnh mới cũng là một thách thức. Vai Uyên quê mùa, nhẹ nhàng nhưng việc diễn xuất phải có sức hút, điều này khá là khó”, nữ diễn viên tâm sự.

Từng là “gương mặt vàng” của những bộ phim về đề tài nông thôn, NSND Bùi Bài Bình cho biết, ông rất hứng thú với vai ông Tiền, chủ trại gà - bố của Khoa. “Khoảng cách của nông thôn và thành thị bây giờ rất ngắn. Cách khai thác phim về đề tài này cũng không giống với trước đây. Cho nên, cách thể hiện một ông bố nông dân quê mùa của “Cô gái nhà người ta” khác hoàn toàn với những bộ phim trước tôi tham gia. Người nông dân thời kỳ 4.0 rất nhanh nhạy, năng động chứ không còn khù khờ, ngơ ngác như trước đây”, NSND Bùi Bài Bình nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.